Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, chiều 17-8-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Nhiều ý kiến khác nhau về đầu mối quản lý nợ công

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo lấy ý kiến trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; đồng thời tổ chức phiên họp toàn thể về định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu quốc hội đối với dự án Luật này. Dự án Luật gồm 10 chương, 67 điều, quy định về quản lý nợ công gồm huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.

Tại phiên thảo luận chiều 17-8, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công tiếp tục là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Theo Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.

Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ nước ngoài cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, đề nghị quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công để đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.

Ngoài ra, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công đã đặt ra yêu cầu cần tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn. “Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần thể chế hóa chủ trương này để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công sẽ không khắc phục được tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, bất cập.

Đặc biệt, thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công sẽ tiết kiệm chi phí trong quản lý vay nợ và tạo điều kiện kịp thời ứng phó với các thay đổi, diễn biến diễn ra trên thị trường vay nợ trong nước và quốc tế.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Cần thống nhất một đầu mối về quản lý nợ công để quán triệt đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và phù hợp với thông lệ quốc tế. “Về đầu mối quản lý nợ công, chưa thực hiện được vì có tình trạng cát cứ, bộ nào cũng giữ chức năng của bộ đó. Trong một gia đình, con cái đi vay nợ tiêu xài, cha mẹ lo ngân sách trả nợ thì làm sao có một nền ngân sách bền vững”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tổng kết việc thực hiện chức năng của các cơ quan quản lý nợ công, đánh giá kỹ tác động của cả 2 phương án trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra đánh giá tác động về việc nếu tập trung về một đầu mối có lợi gì và để như hiện nay thì có tác động gì rồi thống nhất để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 tới. Khi đó, nếu các bên chưa thống nhất thì sẽ báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến.

Cân nhắc kỹ việc không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử


Tại phiên họp chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, hình thức tố cáo là vấn đề quan trọng, nhạy cảm còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung mở rộng thêm các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định hai hình thức tố cáo như trong dự thảo luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

"Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định," Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phân tích.

Mặc dù không xem xét, giải quyết đối với tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử theo quy trình giải quyết tố cáo nhưng Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử cần phải được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Do vậy, dự thảo luật đã có quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật qua điện thoại, email, fax.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng, đoàn, Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật nêu rõ việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (tương tự quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng…) cần quy định hai hình thức là tố cáo bằng văn bản (thay cho tố cáo bằng đơn) và tố cáo bằng lời nói (thay cho tố cáo trực tiếp); trong đó, hình thức tố cáo bằng văn bản gồm: đơn bằng giấy, thư điện tử hoặc bản fax; hình thức tố cáo bằng lời nói gồm: trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc trình bày qua điện thoại.

Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong thời đại hiện nay khi chỉ cần ngồi một chỗ để xử lý tất cả vấn đề, thì việc chỉ giữ hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp là đứng ngoài cuộc của sự đổi mới về công nghệ thông tin; vì vậy cần cân nhắc kỹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể chấp nhận đơn thư tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử với điều kiện phải có đầy đủ địa chỉ và căn cứ pháp lý.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với việc giao dịch điện tử, chữ ký điện tử được sử dụng rộng rãi thì việc không chấp nhận hình thức tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử... sẽ cứng nhắc và không thuyết phục.

Các nội dung khác về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh; bảo vệ người tố cáo; thời hiệu tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo... cũng được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể trong phiên thảo luận./.