Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24 đến 30-7-2017)
TCCSĐT - Trung tâm tài chính London là một tài sản chiến lược của Anh trong suốt 200 năm nay. Tuy nhiên, sự kiện Brexit đã khiến vị thế của London phải đối mặt với những nguy cơ lớn chưa từng có.
Bước ngoặt lịch sử của trung tâm tài chính London
Trung tâm tài chính London. Ảnh: The Sydney Morning Herald
London là một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới cùng với thành phố New York của Mỹ. London có ưu thế rất lớn về quy mô ngành, nghề. London có hơn 500 ngân hàng, tương đương với số lượng ngân hàng của Frankfurt và Paris, khoản vay của ngân hàng đa quốc gia chiếm 18% toàn cầu, sản phẩm phái sinh lãi suất ở thị trường phi tập trung chiếm 46% toàn cầu. London là thị trường giao dịch bằng đồng USD lớn nhất ở bên ngoài nước Mỹ, lượng giao dịch ngoại hối bình quân mỗi ngày là 2.000 tỷ USD, chiếm 40% toàn cầu. London còn được xem là “ông trùm” của ngành bảo hiểm châu Âu, tập trung 20 công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn hàng đầu thế giới, có các công ty bảo hiểm lâu đời. Bên cạnh đó, Sở giao dịch chứng khoán London còn chiếm vị trí đầu bảng trong giá trị thị trường châu Âu.
Năm 2008, trung tâm tài chính London đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tồn tại một cách ngoan cường, nhưng hiện giờ vị thế oai hùng này đang bị lung lay. Đó là bởi, sau sự kiện Brexit, có ý kiến hoài nghi về việc các cơ quan tài chính đăng ký ở các nước EU có thể nhận được “giấy thông hành”, tiếp đến triển khai nghiệp vụ tài chính trên toàn EU nữa hay không. Hiện nay, có khoảng 5.500 công ty đăng ký ở Anh dựa vào giấy thông hành của EU để cung cấp cho ngành tài chính Anh. Nếu “Brexit cứng” khiến cho những công ty trên mất đi “giấy thông hành”, hậu quả sẽ là một đòn tấn công chí mạng đối với trung tâm tài chính London.
Thêm nữa, hiện London là trung tâm thanh toán bằng đồng euro lớn nhất thế giới, đang kiểm soát 70% giao dịch có liên quan đến đồng euro. Trước đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã từng ra lệnh cấm các nước ngoài Eurozone tiến hành nghiệp vụ thanh toán bằng đồng euro. Lần này, Anh trưng cầu ý dân rời khỏi EU, Ủy ban châu Âu theo tình thế xem xét lại việc giải quyết vấn đề thanh toán bằng đồng euro, có thể sẽ có thay đổi về pháp quy, trao quyền cho ECB kiểm soát nghiêm ngặt đối với nghiệp vụ thanh toán bằng đồng euro, hạn chế các nước bên ngoài EU tham gia nghiệp vụ thanh toán bằng đồng tiền này. Pháp quy như vậy được ban hành, lượng lớn nghiệp vụ thanh toán bằng đồng euro chắc chắn sẽ rút từ London sang thành phố của các nước EU.
Sự “tự do đi lại” của nguồn vốn và nhân viên là nguyên tắc cơ bản của EU, tham gia nghiệp vụ tài chính trong EU có thể được hưởng miễn thuế, nhân viên làm nghề tài chính cũng có thể tự do luân phiên. Sau sự kiện Brexit, ưu đãi miễn thuế của nghiệp vụ tài chính cũng như tính thanh khoản của nhân viên hành nghề của Anh đều bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và EU về Brexit đang diễn ra vô cùng phức tạp và khó đoán định, địa vị của London với tư cách là trung tâm tài chính của châu Âu chắc chắc sẽ yếu đi. Việc nghiệp vụ tài chính London bị chia sẻ với các thành phố khác của châu Âu, theo giới quan sát, là một quá trình phức tạp và kéo dài.
Venezuela đối mặt với khủng hoảng “kép”
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela tiếp tục diễn biến căng thẳng. Ảnh: Brockings Institution
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela tiếp tục diễn biến căng thẳng khi ngày 23-7, Tổng thống N. Maduro tuyên bố, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến ở nước này sẽ được tiến hành đúng dự kiến vào ngày 30-7, bất chấp những đe dọa cả từ bên trong và bên ngoài.
Phát biểu trên chương trình truyền hình hằng tuần, đề cập đến việc Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nếu Caracas không hủy bỏ cuộc bầu cử, Tổng thống N. Maduro nhấn mạnh: “Người duy nhất có quyền ra lệnh ở Venezuela là nhân dân”. Ông khẳng định: “Tuần tới người dân Venezuela sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lập hiến”. Ông cũng kêu gọi phe đối lập kiềm chế bạo lực, tôn trọng kế hoạch bầu cử và để người dân tham gia bầu cử trong hòa bình.
Tổng thống N. Maduro cho biết sẽ thành lập các trung tâm bầu cử đặc biệt để tạo điều kiện bỏ phiếu cho những người bị ngăn cản tại đơn vị bầu cử ở địa phương, đồng thời miễn phí giao thông nhằm tạo điều kiện cho người dân đến địa điểm bỏ phiếu. Tổng thống N. Maduro cũng cảnh báo “sẽ không nương tay” với các đối tượng gây bạo lực nhằm ngăn cản cuộc bầu cử.
Venezuela ngày 09-7 đã khởi động chiến dịch tranh cử vào Quốc hội lập hiến. Hơn 6.200 ứng cử viên đã đăng ký tham gia tranh cử vào cơ quan Quốc hội lập hiến gồm 545 ghế, trong đó có 364 người sẽ đại diện cho các địa phương và 181 người sẽ đại diện cho các lĩnh vực, ngành, nghề. Sau khi thành lập, Quốc hội lập hiến sẽ có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 theo đề xuất của Tổng thống N. Maduro nhằm đưa Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay, thiết lập hòa bình và ổn định. Theo Tổng thống N. Maduro, đây là con đường duy nhất giúp giải quyết bất đồng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này. Trước động thái này, phe đối lập đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, thay vào đó đề nghị bầu quốc hội đồng thời với bầu tổng thống. Còn Washington tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế Venezuela nếu nước này không từ bỏ việc thành lập Quốc hội lập hiến.
Không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bất ổn chính trị, Venezuela còn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dầu thô - mặt hàng mang về tới hơn 90% nguồn thu ngoại tệ của Venezuela, sụt giá mạnh trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đang gặp nhiều khó khăn, người dân đã phải xếp hàng dài để mua nguồn xăng dầu khan hiếm. Trong khi đó, ngày 24-7, Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cho biết đã hạ bậc xếp hạng nợ chính phủ của Venezuela, đồng thời cảnh báo nguy cơ vỡ nợ, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế ở đất nước giàu dầu mỏ này đang diễn biến xấu đi, các căng thẳng chính trị vẫn leo thang. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết, lạm phát lũy kế tại Venezuela đã tăng tới 42,5% chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, đồng thời dự kiến kết thúc năm 2017 chỉ số này sẽ ở mức kỷ lục 741% và có thể lên tới 2.068% vào năm 2018.
Trước thực trạng tại Venezuela, các nhà phân tích cho rằng, việc lực lượng đối lập gây sức ép lên Tổng thống N. Maduro liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến nhiều khả năng khiến tình hình Venezuela thêm căng thẳng. Chừng nào bất ổn chính trị còn chưa chấm dứt thì Venezuela sẽ còn chìm sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện.
Nguy cơ về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông vẫn hiện hữu
Người Palestine cầu nguyện trên đường phố bên ngoài lối vào quần thể Haram al-Sharif. Ảnh: The Guardian
Căng thẳng tại Jerusalem giữa Israel và Palestine có dấu hiệu hạ nhiệt khi Israel dỡ bỏ một số thiết bị an ninh gây tranh cãi khỏi quần thể Haram al-Sharif (mà Israel gọi là Núi Đền) và người Hồi giáo Palestine đã trở lại cầu nguyện.
Đây được xem là dấu hiệu có thể chấm dứt căng thẳng hiện nay tại khu vực nhạy cảm này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nguy cơ về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông vẫn hiện hữu khi mà “ngòi nổ” căng thẳng kéo dài hàng thập niên giữa người Do Thái và người Arab chưa được tháo dỡ.
Ngày 27-7, chính quyền Israel đã dỡ bỏ một số thiết bị an ninh gây tranh cãi tại khu vực cổng ra vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem sau nhiều ngày phản đối và bạo lực. Các biện pháp an ninh của Israel tại đền thờ Al-Aqsa được đưa ra sau khi hai cảnh sát Israel thiệt mạng trong một vụ tấn công bên ngoài đền thờ này ngày 14-7 vừa qua. Động thái này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình của người Palestine Hồi giáo bên ngoài thánh đường và kéo theo vòng xoáy bạo lực giữa người Palestine và cảnh sát Israel làm nhiều người thiệt mạng trong vòng hai tuần qua. Phía Palestine cho rằng, việc Israel lắp đặt các máy dò kim loại và camera an ninh tại lối vào quần thể Haram al-Sharif là nhằm chiếm khu vực linh thiêng này của người Hồi giáo. Kể từ khi Israel lắp đặt các máy dò kim loại mới ở lối vào quần thể Haram al-Sharif, người Hồi giáo đã không vào đền cầu nguyện mà cầu nguyện trên phố bên ngoài ngôi đền.
Việc chính quyền Israel dỡ bỏ một số thiết bị an ninh gây tranh cãi tại khu vực cổng ra vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa được cho là một sự nhượng bộ có tính toán, trong bối cảnh chính quyền Mỹ quyết tâm can thiệp trực tiếp vào tình hình căng thẳng tại Jerusalem để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hơn nữa, Israel cũng cần duy trì và cải thiện quan hệ với các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Israel xem Iran là một thách thức đối với an ninh quốc gia, lại đang ngày càng có ảnh hưởng tại Syria. Do vậy, Israel cần đến vai trò của các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng phối hợp kiềm chế Iran. Một bước đi thiếu cân nhắc, vượt qua “giới hạn đỏ” ở khu đền linh thiêng Al-Aqsa sẽ khiến cả thế giới Hồi giáo Arab tức giận, dẫn tới những hậu quả khôn lường có thể vượt ra ngoài khu vực Trung Đông mà Israel không mong muốn.
Mặc dù căng thẳng tại Trung Đông đã tạm thời “hạ nhiệt”, song xung đột dai dẳng giữa người Do Thái và người Arab, cũng như tình trạng an ninh bất ổn tại khu vực, vẫn như những “ngòi nổ chậm” đe dọa bùng cháy bất cứ lúc nào. “Chảo lửa” Trung Đông chưa thể yên ổn nếu Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái và tìm cách giành đất của người Palestine, trong khi các tay súng Palestine vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Do Thái. Do đó, các bên cần hành động thiện chí để thúc đẩy một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Căng thẳng EU - Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Cuộc thảo luận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh The Guardian
Căng thẳng ngoại giao giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp của các quan chức cấp cao hai bên.
Ngày 25-7, các quan chức cấp cao của EU tại Brussels, đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ O. Celik tại thủ đô Brussels (Bỉ). Tuy nhiên cuộc gặp gỡ lần này chưa thể làm giảm căng thẳng giữa EU và Ankara sau một loạt vụ bắt giữ các nhà báo và nhiều nhân vật đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc thảo luận tại Brussels giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như khả năng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, vấn đề chống khủng bố, an ninh năng lượng và quan hệ thương mại giữa hai bên.
Trong cuộc họp báo tại Brussels, Ủy viên phụ trách mở rộng EU J. Hahn bày tỏ “mối quan ngại to lớn” về các vụ bắt giữ diễn ra mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu đã bảo vệ hành động của chính phủ nước này với lý do chống khủng bố và nhất là sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại F. Mogherini tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn là ứng cử viên gia nhập EU” bất chấp những lo ngại sâu sắc về các vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền đang cản trở tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh của nước này.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU trở nên căng thẳng và bị đẩy xuống mức khó có thể hàn gắn khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh ở những nước này nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 16-4 vừa qua. Thực tế cho thấy từ lâu, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc. Lịch sử cũng đã chia rẽ hai bên, khi các tranh cãi về việc thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Cho dù hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn bền chặt nhưng những mâu thuẫn ngày càng lộ rõ. Nhất là khi hiện nay, dù EU đang rất cần sự hợp tác của chính quyền Ankara trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, mà EU xác định là mối đe dọa an ninh hàng đầu, nhưng EU lại không từ bỏ các nguyên tắc của mình. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo dừng thực thi thỏa thuận với EU về hạn chế dòng người di cư kéo tới Lục địa già có thể là “con bài cuối cùng” trong cuộc tranh cãi với EU. Điều này sẽ thúc đẩy dòng người di cư tìm đường đến châu Âu. Rõ ràng, các nước EU đã thấm thía bài học bởi chính cuộc khủng hoảng di cư này được coi là nguồn gốc dẫn tới những vụ khủng bố đẫm máu. EU cũng hiểu rõ sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất mối quan hệ với quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông, nơi Nga đang tích cực gia tăng ảnh hưởng. EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những thử thách lớn và đây sẽ là thời điểm hai bên phải quyết định mối quan hệ trong tương lai.
Dự luật mới sẽ làm chệch hướng quan hệ đối ngoại của Mỹ
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ngày 27-7, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống D. Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga V. Putin đe dọa có biện pháp trả đũa. Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống D. Trump.
Với số phiếu áp đảo 98-2, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt 3 nước trên với sự ủng hộ của cả các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa. Hiện dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống D. Trump ký phê chuẩn thành luật. Nếu ông D. Trump lựa chọn cách phủ quyết, dự luật này dự kiến sẽ thu được đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống và được thông qua thành luật.
Theo thông cáo từ Đồi Capitol, các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga với lý do nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như hành động của Moscow tại Ukraine và Syria. Trong khi đó, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.
Giới quan sát nhận định dự luật mới sẽ làm chệch hướng hơn nữa quan hệ Mỹ - Nga vốn đã xấu đi dưới thời cựu Tổng thống B. Obama. Tổng thống D. Trump hy vọng quan hệ hai nước sẽ được cải thiện dưới chính quyền của ông nhưng ý định này bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 nhằm tạo lợi thế cho ông.
Các biện pháp trừng phạt Nga cũng được nhìn nhận là một bước đi chống châu Âu, nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh trong EU. EU không hài lòng với dự luật chống Nga vì nó động chạm đến “quyền lợi của EU trong lĩnh vực an ninh năng lượng”, và vì vậy, EU đã quyết định sẵn sàng hành động trong vòng vài ngày tới nếu mối quan ngại của mình “không được lưu ý đầy đủ”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã nói: “Nguyên tắc Nước Mỹ trên hết không thể có nghĩa là đặt châu Âu ở vị trí cuối cùng”, đồng thời nhấn mạnh “hiện EU sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để gửi mối quan ngại của mình đến Mỹ và các đồng minh”. Có ý kiến cho rằng, Mỹ đã đi quá mọi ranh giới và châu Âu đang nổi giận.
Nếu được thông qua, sẽ cần khoảng thời gian một năm hoặc lâu hơn để đánh giá tác động của lệnh trừng phạt mới. Trong khoảng thời gian đó, quan hệ Nga - Mỹ có thể sẽ có những chuyển động mới. Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy là triển vọng nối lại quan hệ với Nga mà Tổng thống D. Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rất khó trở thành hiện thực tại thời điểm hiện nay./.
Thủ tướng Cộng hòa Mozambique bắt đầu thăm chính thức Việt Nam  (31/07/2017)
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp quy luật khách quan trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta  (31/07/2017)
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp quy luật khách quan trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta  (31/07/2017)
“Việt Nam có thể trở thành hình mẫu hợp tác về chống buôn bán người"  (30/07/2017)
Hải quân Nga diễu binh phô trương rầm rộ trên nhiều vùng biển  (30/07/2017)
Truyền thông Malaysia: Quan hệ Việt Nam-Malaysia lên tầm cao mới  (30/07/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên