Sáng ngày 3-3, Hội Hữu nghị Việt Nam - Vê-nê-du-ê-la phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và Đại sứ quán Vê-nê-du-ê-la tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “10 năm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Vê-nê-du-ê-la và mối quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Vê-nê-du-ê-la”.
 
Đại diện Văn phòng Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, cùng nhiều nhà khoa học,  cơ quan báo chí đã tham dự Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói, mặc dù Việt Nam và Vê-nê-du-ê-la cách xa nhau về địa lý, nhưng giữa hai nước đã có mối quan hệ từ lâu do có sự tương đồng về lịch sử, về ý chí của hai dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vê-nê-du-ê-la H.Cha-vét, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước có bước phát triển mới trong nhiều lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong đối ngoại nhân dân. Trong chuyến thăm Vê-nê-du-ê-la của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5-2007), hai bên đã ra Tuyên bố Cấp cao khẳng định xây dựng “quan hệ đối tác toàn diện”. Năm 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thăm chính thức Vê-nê-du-ê-la, và Tổng thống Hu-gô Cha-vét cũng thăm chính thức Việt Nam (7-2006).

Cuộc toạ đàm được tổ chức vào thời điểm Tổng thống Hu-gô Cha-vét vừa dành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp (ngày 15-2-2009), tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Hu-gô Cha-vét tiếp tục tái tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới để dẫn dắt nhân dân Vê-nê-du-ê-la đi tiếp con đường đã chọn. Cuộc tọa đàm này cũng được coi như một lời chúc mừng đối với sự kiện trên và đối với 10 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước này dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Hu-gô Cha-vét.

Ông Gioóc-giơ Rôn-đông U-xa-tê-ghi (Jorge Rondon Uzcategui), Đại sứ Vê-nê-du-ê-la tại Việt Nam đã trình bày khái quát những thành tựu mà Vê-nê-du-ê-la đạt được trong 10 năm qua: kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao (năm 2004 tăng 18%; 2005: 9,1%; 2006: 9,6% và dự kiến 2007 tăng trên 10%); dự trữ ngoại tệ tăng, khoảng cách giàu - nghèo được điều chỉnh; xóa nạn mù chữ, tăng số lượng nhập học ở các cấp; thực hiện quần chúng hóa trong văn hóa “Tuyên truyền và bảo vệ nghệ thuật quốc gia” để giữ bản sắc văn hóa, truyền thông văn hóa của dân tộc; đời sống của người dân được cải thiện trên nhiều mặt.
 
Những thành quả đó là kết quả của đường lối đối nội và đối ngoại mà chính quyền của Tổng thống H.Cha-vét chú trọng là: Việc làm; chăm sóc sức khỏe, giáo dục; chống cường quyền, áp đặt; đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và liên kết Mỹ La-tinh - Ca-ri-bê, đấu tranh vì một thế giới đa cực, nâng cao vị thế quốc tế của Vê-nê-du-ê-la trên các diễn đàn quốc tế, phong trào không liên kết; tiếp cận với các quốc gia Nam Mỹ, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao và hợp tác với các quốc gia châu Phi và châu Á.

Tham luận của các đại biểu tại Tọa đàm đã tập trung phân tích nguyên nhân, rút ra những nét đặc sắc, những bài học cũng như những vấn đề cần được nghiên cứu từ sự thành công của cách mạng Bô-li-va, tư tưởng xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”... ở Vê-nê-du-ê-la. Cách mạng Vê-nê-du-ê-la đã giúp khẳng định hai điều: một là, trong hòan cảnh hiện nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện từ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, từ đó phủ nhận luận điệu cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã cáo chung. Hai là, cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể đi đến thắng lợi bằng con đường khác, con đường phi bạo lực.

Sự thắng lợi của cách mạng Vê-nê-du-ê-la khẳng định thêm niềm tin cũng như mang lại niềm hy vọng mới cho phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới...

Kết luận Tọa đàm, GS.TS Vũ Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiến nói Việt Nam nhấn mạnh thành công của cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-du-ê-la khẳng định, để đi lên chủ nghĩa xã hội có nhiều con đường, phụ thuộc vào điều kiện kịch sử cụ thể của mỗi nước.

Cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp thắng lợi vừa qua cho thấy, nhân dân ủng hộ Tổng thống H.Cha-vét nghĩa là ủng hộ định hướng phát triển mà Chính quyền của Tổng thống H.Cha-vét đã lựa chọn. Một xã hội vì con người sẽ có sức hấp dẫn, lôi cuốn và nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, chính sự thành công của cuộc cách mạng này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mới, bởi “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”.

Sự phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam - Vê-nê-du-ê-la mang tính tất yếu khách quan bởi cả hai nước đều có mục tiêu chung là tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước hùng mạnh, công bằng, người dân được hưởng thụ những thành quả của công cuộc phát triển đất nước. Chính mục tiêu chung này sẽ là động lực để hai nước cùng phát triển trên mọi lĩnh vực, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới./.