Các Chỉ đạo, Quyết định mới của Chính phủ

BTV/TTXVN, chinhphu.vn
21:15, ngày 21-06-2017

TCCSĐT - Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ hỗ trợ 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động.


Theo đó, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 14.024 tỷ đồng.

Chương trình gồm 3 Dự án thành phần: Dự án 1- “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; Dự án 2- “Phát triển thị trường lao động và việc làm”; Dự án 3- "Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động".

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

Chương trình phấn đấu đến năm 2020 hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật; đầu tư đồng bộ khoảng 100 nghề trọng điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ.

Đồng thời, hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn chính sách việc làm và học nghề trong đó 45% đến 50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

Giảm trung bình hằng năm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất và một số ngành, nghề khác); hỗ trợ thí điểm cho 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động (OHSAS 18001, SA 8000,…) và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch cảng cá khu vực đảo Cát Bà


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12-11-2015. Theo đó, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch các cảng cá khu vực đảo Cát Bà đã được phê duyệt tại Phụ lục IIIa, Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 12-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo Quyết định 1976/QĐ-TTg, cảng cá Cát Bà là cảng loại I, quy mô năng lực (số lượng ngày/cỡ tàu lớn nhất) 120 lượt/600 CV, lượng thủy sản qua cảng 1.500 tấn/năm; còn theo nội dung điều chỉnh, cảng cá Cát Bà không còn trong quy hoạch. Theo quyết định điều chỉnh, cảng cá Trân Châu vẫn giữ nguyên cảng loại II nhưng quy mô năng lực (số lượng ngày/cỡ tàu lớn nhất) tăng từ 120 lượt/600CV lên 240 lượt/600CV, lượng thủy sản qua cảng tăng từ 9.000 tấn/năm lên 24.000 tấn/năm.

Tiến độ cụ thể xây dựng cảng cá Trân Châu căn cứ vào tiến độ triển khai các quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đảo Cát Bà và tình hình sản xuất kinh doanh từng cảng, theo nguyên tắc không gây ách tắc, lãng phí, ổn định công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh thực hiện theo quy hoạch mới tốt hơn theo quy hoạch trước đây đã phê duyệt.

Nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách thành phố, vốn thu được từ bán tài sản gắn liền với đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cảng cá Cát Bà theo quy định của pháp luật và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 12-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng công khai quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân khu vực ảnh hưởng, tuyên truyền, vận động đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân; thực hiện đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi quyết định đầu tư; tổ chức quản lý cảng cá theo quy định pháp luật.

Yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế ở cơ sở


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý thông tin báo chí phản ánh về thuế. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, nhất là ở các thành phố, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn; có biện pháp chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc thí điểm hóa đơn điện tử kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, nhất là với doanh nghiệp, siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thông tin, công khai trước công luận, báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh về thuế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV-2017./.