Pháp đẩy mạnh tốc độ “xoay trục” sang châu Á
TCCSĐT - Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Pháp F. Hollande đã quyết định thực hiện chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia. Chuyến công du trước thềm bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào cuối tháng 4-2017 được coi là nhằm “dọn đường” cho người kế nhiệm xây dựng nền móng vững chắc trong quan hệ giữa Pháp với các quốc gia ở châu Á.
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: gettyimages
Tiếp tục “kiến tạo” quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương
Một tháng trước khi rời Điện Élysée, Tổng thống F. Hollande dành chuyến công du cuối cùng với tư cách nguyên thủ quốc gia đến ba nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia. Không chỉ chú trọng đến những nước lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia, Tổng thống F. Hollande đã nâng cao tầm quan trọng của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Paris.
Tổng thống sắp mãn nhiệm phải chăng đã phác họa ra một hướng đi mới trong quan hệ giữa Pháp với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương? Không hẳn như vậy, bởi trước đó, từ năm 2012, Tổng thống F. Hollande đã có cái nhìn trọng tâm vào khu vực này trên bàn cờ ngoại giao của mình. Chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương F. Guilbert ngày 24-03-2017 nhắc lại trên trang mạng Asialyst.com, khi ra tranh cử tổng thống, ông F. Hollande đã không có nhiều kinh nghiệm về khu vực này. Ông cũng là một trong số ít các ứng viên tổng thống Pháp chưa từng đặt chân đến Bắc Kinh cho đến khi đắc cử. Thế nhưng, trong cương vị nguyên thủ quốc gia, ông F. Hollande đã chọn một cố vấn ngoại giao lỗi lạc và qua đó, châu Á - Thái Bình Dương nhanh chóng trở thành mối quan tâm của chủ nhân Điện Élysée trong bối cảnh các nước lớn chú ý hơn tới khu vực này.
Trong 5 năm cầm quyền, Tổng thống F. Hollande đã 3 lần công du Trung Quốc, 2 lần sang Ấn Độ và 2 lần dừng chân ở Nhật Bản, 1 lần đến Australia. Ngoài bốn nước lớn trên, ông F. Hollande đã không quên các đối tác Đông Nam Á, như Philippines (năm 2015), Việt Nam (năm 2016). Và hiện nay là Singapore, Malaysia và Indonesia trong chuyến công du tháng 3-2017. Hàng chục các cuộc đối thoại song phương của Tổng thống F. Hollande với các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương trong các chuyến thăm đã giúp Paris mở rộng ảnh hưởng và tạo nền tảng vững chắc trong quan hệ với những vùng đất xa xôi này.
Không chỉ đích thân sang châu Á, Tổng thống F. Hollande còn huy động cả chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Jean - Marc Ayrault, rồi Thủ tướng Manuel Valls, cùng trợ giúp ông trong nỗ lực này. Hai vị thủ tướng của ông đã là những lãnh đạo cao cấp nhất của Pháp từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX sang thăm Thái Lan, New Zealand.
Ngoài việc thực hiện các chuyến thăm hay cử những đại diện cấp cao của chính phủ đến châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống F. Hollande còn tận dụng cả một đội ngũ các nhà ngoại giao Pháp trên khắp thế giới, các đại sứ quán để mở rộng chính sách “Đông tiến” của Paris. Điều này được thể hiện rõ trong phát biểu của cựu Ngoại trưởng Pháp L. Fabius tại trụ sở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2013: “Sự xoay trục về châu Á không phải là một hiệu ứng theo phong trào, mà vì Pháp muốn hiện diện ở một khu vực mà thế giới tương lai đang được xây dựng. Rõ ràng, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của thế kỷ XXI”.
Thật vậy, kinh tế luôn là “điểm sáng” trong quan hệ Pháp - châu Á vì khu vực này đem lại hơn một nửa tăng trưởng xuất khẩu của Pháp, trong đó có Đông Nam Á. Hơn 1.500 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang ASEAN tương đương với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu không tính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, sau Mỹ và Trung Quốc, xếp trên Nhật Bản. Ít nhất 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nằm trong danh sách khoảng 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ưu tiên đối với xuất khẩu của Pháp. Điều này cho thấy, châu Á đang có một vị trí ngày càng quan trọng trong chiến lược của các doanh nghiệp Pháp. Sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng của khu vực châu Á, triển vọng về các hiệp định thương mại tự do giữa EU và các nước châu Á,... đang góp phần thúc đẩy sự năng động kinh tế của Pháp.
Ngoài kinh tế, lĩnh vực hợp tác về quốc phòng - an ninh với châu Á cũng được Pháp chú trọng. Minh chứng rõ nhất là trong Sách Trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia của Pháp đã dành một vị trí ưu tiên cho khu vực châu Á và kêu gọi Paris gia tăng gắn kết với châu lục này. Pháp còn đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với các đối tác châu Á. Paris, dưới thời Tổng thống F. Hollande, đã thiết lập đối thoại 2+2 với Nhật Bản, thực hiện bán 36 chiếc chiến đấu cơ hiện đại Rafale cho Ấn Độ; tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Bên cạnh đó, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân cũng đang tạo nên dấu ấn trong bước “xoay trục” của Pháp sang châu Á. Chưa bao giờ người Pháp lại hướng tới châu Á nhiều như hiện nay khi mà các cộng đồng người Pháp tại châu Á là những cộng đồng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hiện số người Pháp sống tại châu Á chiếm gần 9% dân số của Pháp tại nước ngoài. Sinh viên Pháp tại các trường đại học châu Á ngày càng tăng, trong khi sinh viên châu Á (nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam) hiện đang theo học tại Pháp đạt tới con số 50.000 người. Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Việt Nam, là thành viên Cộng đồng Pháp ngữ và trở thành “cầu nối” gắn kết văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục... giữa Pháp với khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.
Vận động ngoại giao để phục vụ cho mục đích về môi trường cũng là một hướng đi mà Tổng thống F. Hollande đã vạch ra. Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu Paris (COP 21), tại Philippines, tháng 02-2015, Tổng thống F. Hollande đã đưa ra “Lời kêu gọi từ Manila”. Ông F. Hollande cũng đã đến Bắc Kinh để tìm kiếm sự đồng thuận của Trung Quốc trong vấn đề giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Một điểm đáng chú ý khác trong chính sách ngoại giao đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương 5 năm qua, đó là Tổng thống F. Hollande đã tìm được thế cân bằng giữa các đối tác của Paris. Pháp không chỉ quan tâm đến các nền kinh tế lớn như Bắc Kinh mà quên đi những đối tác “nhỏ” trong khu vực. Việc chọn đến Singapore, Malaysia và Indonesia cho chuyến công du cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống là bằng chứng rõ rệt cho điều này.
Nhìn nhận vai trò của các đối tác Đông Nam Á
Đánh giá Singapore là một trong những hải cảng lớn vào bậc nhất trên thế giới, và cũng là nơi có thu nhập bình quân đầu người đứng hàng thứ tư trên thế giới, dịch vụ chiếm 60% GDP; còn tại Kuala Lumpur, hồ sơ bán chiến đấu cơ Rafale sẽ được đặt lên bàn thảo luận; sau cùng, Indonesia vừa là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, vừa là một nền kinh tế có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin đường biển mà Pháp là nhà cung cấp lớn, Tổng thống F. Hollande đã vạch rõ lịch trình chuyến thăm lần này của mình.
“Đảo quốc sư tử” là chặng dừng chân đầu tiên của ông F. Hollande. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông F. Hollande nhằm đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam tới Pháp hồi năm 2015. Chuyến thăm đã ghi nhận sự tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước trong các ngành công nghiệp liên quan đến sáng tạo, như công nghệ không gian, quy hoạch thành phố thông minh, công nghệ tài chính và y tế, khoa học y sinh. Pháp và Singapore cũng đã quyết định lấy năm 2018 là “Năm Đổi mới Pháp - Singapore”, đồng thời với việc tổ chức các sự kiện khuyến khích hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực sáng tạo.
“Đảo quốc sư tử” đã tiếp đón Tổng thống F. Hollande với việc ký kết 10 hiệp định mở đường cho sự hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như kỹ thuật số, năng lượng và xe điện; 4 thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu và đổi mới, nghiên cứu không gian, năng lượng tái tạo và trao đổi thông tin tài chính nhằm cải thiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn thuế quốc tế. Là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Singapore, hiện Pháp có hơn 1.800 doanh nghiệp và khoảng 15.000 công dân Pháp đang kinh doanh cũng như sinh sống và làm việc tại Singapore. Đây là cơ sở để Pháp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Singapore.
Nối tiếp chuyến thăm Singapore, Tổng thống F. Hollande đã tới thăm Malaysia, khách hàng truyền thống của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị tổng thống Pháp tới Malaysia kể từ năm 2003. Trong chuyến thăm này, Malaysia và Pháp đã ký kết Ý định thư về thành lập cơ chế nhằm phát triển bền vững nông nghiệp ở Đông Nam Á; hai Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và hợp tác quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, mở đường cho trao đổi thông tin song phương trong lĩnh vực quốc phòng; 6 Bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, khoa học - kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Pháp đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia ở châu Âu với kim ngạch thương mại song phương lên tới 15,23 tỷ ringgit (khoảng 3,5 tỷ USD) vào năm 2016. Các trao đổi thương mại giữa hai nước liên quan nhiều tới lĩnh vực quân sự. Malaysia đã mua máy bay vận tải quân sự Airbus A400M và nhiều tầu ngầm của Pháp. Trong thời gian tới, Kuala Lumpur khẳng định sẽ mua chiến đấu cơ Rafale của Tập đoàn Dassault Pháp.
Kết thúc chuyến công du bằng chuyến thăm Indonesia, Tổng thống F. Hollande là Tổng thống Pháp đầu tiên tới thăm Indonesia trong vòng 30 năm qua kể từ năm 1986.
Tại chặng dừng chân cuối cùng này, lãnh đạo hai nước Pháp và Indonesia đã cam kết tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, quốc phòng và năng lượng. Theo đó, Indonesia và Pháp đang và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm vấn đề Palestine, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Pháp và Indonesia cũng đã chia sẻ quan điểm tương đồng về phổ biến các giá trị khoan dung và chống bài ngoại. Theo ông F. Hollande, là quốc gia có số dân Hồi giáo lớn nhất, Indonesia đã chứng tỏ các giá trị, như sự thống nhất và khoan dung. Pháp đã lấy cảm hứng từ Indonesia thông qua các nguyên tắc tự do và khoan dung như là một công cụ để loại trừ chủ nghĩa khủng bố và phân biệt đối xử.
Trong chuyến thăm này, ngoài việc nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, hai nước nhất trí tăng cường quan hệ đối tác trong hai lĩnh vực mới, đó là hàng hải và kinh tế sáng tạo. Hai nước đã ký 5 thỏa thuận trong các lĩnh vực quốc phòng, phát triển bền vững, du lịch, khoa học và trao đổi công nhân. Pháp cũng đã cam kết một khoản đầu tư trị giá 2,6 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng, hạ tầng cơ sở và bán lẻ.
Trong lịch sử, châu Á từng được coi là “khu vực bị lãng quên” của Pháp suốt một thời gian dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó, Pháp đang tập trung xây dựng châu Âu, hướng tới các nước láng giềng và coi khu vực châu Phi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đều đã “xoay trục” sang khu vực này, thì Pháp cũng xác định chiến lược đối ngoại là không thể đứng ngoài châu Á. Rõ ràng, chuyến thăm tới Đông Nam Á lần này của Tổng thống F. Hollande thể hiện mong muốn của cường quốc hàng đầu châu Âu đẩy mạnh tốc độ “xoay trục” sang châu Á, cũng như xích lại gần hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực “có tiềm năng rất lớn” về kinh tế. Tổng thống F. Hollande muốn khẳng định vị thế một cường quốc Thái Bình Dương trong bối cảnh môi trường địa - chính trị Đông Nam Á nhiều biến động khi chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump rút khỏi Hiệp định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nước ASEAN đang tìm kiếm các đồng minh chính trị và kinh tế mới, để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lấn át của Trung Quốc tại khu vực./.
Yêu cầu điều tra vụ ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê  (12/04/2017)
Tích cực huy động các nguồn lực để chăm lo cho người có công  (12/04/2017)
Phấn đấu cả nước có ít nhất 31% xã nông thôn mới  (12/04/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-4-2017)  (12/04/2017)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay