TCCSĐT - Ngày 12-4-2017, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2017 với chủ đề “Giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Diễn đàn do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết: Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế Thành phố đã tăng trưởng nhanh hơn giai đoạn trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 13,98%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế Thành phố đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là khả năng huy động nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế; nguồn thu nội địa và xuất khẩu giảm, công nghiệp phát triển chậm, tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu; thiếu các nguồn lực cần thiết để phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;…

Những khó khăn, thách thức đó đang làm giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến tiến trình xác lập vai trò trung tâm, động lực của Thành phố đối với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2017 là cơ hội tập hợp trí tuệ, ý kiến dóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để cung cấp cơ sở khoa học cho lãnh đạo thành phố hoạch định chính sách, xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong thời gian tới.

Trên cơ sở nhận định những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố hơn 10 năm qua, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tập trung phân tích, làm rõ những điểm nghẽn, hạn chế, thách thức mà Thành phố đang và sẽ phải đối diện trong phát triển kinh tế thời gian tới. Đó là:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao nhưng chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn để tập trung đầu tư đúng mức.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; việc tổ chức thực hiện các dự án, công trình mang tính chất vùng theo chủ trương của Trung ương còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư.

Nguồn nhân lực tuy có bước phát triển nhưng chất lượng còn hạn chế, thấp hơn mặt bằng chung cả nước, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của một đô thị loại I trực thuộc Trung ương - đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch; tiến trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, công nghệ cao còn chậm, chưa xây dựng và gắn kết được chuỗi giá trị nông sản.

Môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn nhiều khó khăn.

Quá trình thực hiện các khâu đột phá về hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đạt hiệu quả cao.

Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường,… còn một số mặt yếu kém; công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn một số mặt chưa đạt yêu cầu.

Tại diễn đàn, qua thảo luận, các đại biểu thống nhất đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho Thành phố, đưa Cần Thơ đến năm 2020 trở thành một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là:

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với vị trí, vai trò là thành phố trung tâm, thành phố động lực của vùng; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả trong thực hiện và quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên cơ sở xác định rõ lợi thế, tiềm năng của từng ngành, lĩnh vực để phát triển phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển chung của Thành phố.

Triển khai có hiệu quả Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án thành phố Cần Thơ; Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị, nhằm nâng cao chất lượng, diện mạo, kiến trúc, cảnh quan của đô thị trung tâm vùng theo hướng hiện đại, văn minh.

Xây dựng các chương trình, dự án thực hiện thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả liên kết, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song song đó, chủ động, tích cực tham gia các hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Công, vận động, tranh thủ sự trợ giúp của các nước, các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực để xây dựng và phát triển thành phố.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước để nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao nhanh các công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (công nghệ cao).

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ hiện có, nhất là cán bộ đầu ngành cho phù hợp; phát huy, sử dụng tốt đội ngũ trí thức có tâm, có tầm thay thế cho những cán bộ yếu kém; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”./.