Tổng Bí thư Lê Duẩn - Một tư duy cách mạng sáng tạo
TCCSĐT - “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, “Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng” - những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Với phong cách tư duy đó, đồng chí Lê Duẩn cùng tập thể đã giải quyết thành công những vấn đề mới trong lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Khi lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ trong thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936 - 1939, đồng chí Lê Duẩn không tán thành cả hai khuynh hướng cực đoan: chỉ hoạt động bí mật hoặc chỉ hoạt động công khai mà chủ trương kết hợp cả hai hình thức hoạt động. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng chí Lê Duẩn tán thành chủ trương chuyển hướng chiến lược, tạm gác vấn đề ruộng đất, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc và tay sai để “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc” [Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng Toàn tập - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 552]. Sự nhạy bén, sáng tạo đó đã được Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì khẳng định và phát triển lên một tầm cao mới, đưa dân tộc đi tới mục tiêu giành lại độc lập.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đã cùng với Xứ ủy, Trung ương Cục vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, lãnh đạo nhân dân miền Nam phát triển chiến tranh du kích, phối hợp chiến đấu với chiến trường chính miền Bắc.
Sau Hiệp định Geneva (tháng 7-1954), đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam tiếp tục chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi hòa bình, hiệp thương thống nhất đất nước. Với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn đấu tranh của một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam (tháng 8-1956).
Bản Đề cương cách mạng miền Nam đã đóng góp lớn cho sự ra đời Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (năm 1959). Nghị quyết 15 lịch sử đã trực tiếp đưa cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới bằng phong trào Đồng khởi lan rộng, sục sôi trong những năm 1959 - 1960. Thắng lợi của Đồng khởi cũng khẳng định sự đúng đắn về phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng, một sự khởi đầu độc đáo, phù hợp với tình hình miền Nam.
Trở lại miền Bắc năm 1957, rồi đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội Đảng lần thứ III, tháng 9-1960, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giải quyết thành công các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Bản Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) khẳng định đường lối độc lập, tự chủ của cách mạng Việt Nam. Việc lựa chọn một quyết sách đúng đắn, phù hợp cho cách mạng Việt Nam lúc đó không dễ dàng.
Việt Nam không phải đất nước duy nhất bị chia cắt thành hai miền. Trước đó và cùng với Bắc và Nam Việt Nam còn Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Triều Tiên. Trong xu thế tạm thời hòa hoãn giữa hai “phe”, người ta hay nói đến “thi đua hòa bình”, đến “trường kỳ mai phục” mà ít nói đến đấu tranh vũ trang, đến giải phóng đất nước, thống nhất hai miền. Đồng chí Lê Duẩn cũng khẳng định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là con đường của Việt Nam. Đó là con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam và do nhân dân Việt Nam thực hiện vì những mục tiêu chính nghĩa của mình.
Luận điểm đó sau này được đồng chí Lê Đức Thọ khẳng định rõ hơn với ông Henri Kissinger trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris: “Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi” [Larry Berman (2003) - Không hoà bình, chẳng danh dự Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam... - Viet Tide xuất bản, tr. 145]. Những người cách mạng Việt Nam cũng đã rút ra những kinh nghiệm của mình từ Hội nghị Geneva, khi những gì đạt được trên bàn Hội nghị không tương xứng với những gì đã đạt được trên chiến trường
Những sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong việc chỉ đạo chiến tranh cách mạng ở miền Nam còn nổi bật với quan điểm tổng hợp trong chủ trương gắn đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa tư tưởng... tất cả đều thống nhất, tác động để tạo sức mạnh tổng hợp. Với chiến lược tổng hợp, kết hợp phong trào đấu tranh công khai của quần chúng trên khắp các địa bàn với chiến tranh cách mạng đánh địch trên cả ba vùng chiến l-ược, với ba mũi giáp công, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, quân và dân miền Nam đã giành nhiều thắng lợi quan trọng.
Biết cách thắng từng bước cũng là một luận điểm sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Chúng ta luôn phải chiến đấu trong tình thế lực lượng ít, thiếu trang bị vũ khí, lại phải đối phó với đối phương mạnh hơn về mọi mặt nên phải biết cách thắng từng bước, phải có thời gian từng bước làm suy yếu lực lượng của địch, củng cố bồi dưỡng lực lượng của ta để so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta mới có thể lấy yếu thắng mạnh. Mặt khác, chúng ta quyết tâm thắng Mỹ ở miền Nam nhưng phải góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ hậu phương miền Bắc nên điều quan trọng là phải biết cách thắng một cách có lợi nhất, đẩy lùi địch từng bước cho đến thắng lợi cuối cùng.
Từ tháng 11-1965, sau một số trận “thử lửa” với quân chính quy Mỹ trên chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Khả năng kiềm chế địch và thắng địch ở miền Nam là hiện thực”. Đó là cơ sở để Đảng hình thành quan điểm: Cương quyết đánh quân viễn chinh Mỹ xâm lược trên chiến trường nhưng không quốc tế hóa cuộc xung đột vũ trang ở miền Nam Việt Nam và chống cuộc chiến này lan rộng trên cả hai miền Nam - Bắc. Những nhận định quan trọng này là cơ sở quyết định phương hướng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta tiến lên từng bước, đẩy quân Mỹ vào thế sa lầy trên chiến trường, đẩy chính quyền Mỹ vào thế bế tắc chính trị.
Những chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược: Tết Mậu Thân 1968, các chiến dịch năm 1972 ở miền Nam, chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ ở miền Bắc mùa Giáng sinh năm 1972, đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện vừa đánh, vừa đàm kết thúc bằng Hiệp định Paris (tháng 01-1973) buộc Mỹ phải rút hết quân về nước. Tất cả những thắng lợi đó đều gắn liền với sự nhạy bén, sắc sảo trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn. Phương châm chiến lược đúng đắn đó được đồng chí Lê Duẩn tổng kết và chỉ đạo thực hiện một cách nhất quán cũng là hình ảnh rõ nét của phương pháp cách mạng Việt Nam, hiện thực hóa thành công đường hướng chiến lược được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Tháng 10-1974, trong Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ”. “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ...” [Lê Duẩn (1985) - Thư vào Nam - Nxb. Sự thật, tr. 371 - 373]. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tiến lên tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo, liên tục, kiên quyết với khẩu hiệu Thần tốc, táo bạo, bất ngờ để tạo và giành thời cơ cuối cùng, kết thúc chiến tranh kịp thời, trọn vẹn nhất. Sự nhạy bén, chính xác, kịp thời đó được nhân lên từ những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám 1945, trong 9 năm kháng chiến trường kỳ. Trong những thành công đó nổi bật vai trò xuất sắc của một nhãn quan chính trị sáng suốt, một trí tuệ lớn, một tư duy cách mạng sáng tạo, một lập trường cách mạng kiên định, một ý chí quyết tâm sắt đá giành thắng lợi cuối cùng hội tụ ở đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng.
Một người đồng chí, một người bạn của đồng chí Lê Duẩn đã nhận xét rằng, “Lê Duẩn là người suốt đời say mê tìm tòi chân lý”. Đồng chí là người luôn trăn trở với những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn cách mạng. Cho đến cuối cuộc đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng tìm tòi con đường phát triển thích hợp cho Việt Nam. Thực tiễn Việt Nam bao giờ cũng là điểm xuất phát trong sự vận động tư duy của đồng chí Lê Duẩn. Theo đồng chí, kinh nghiệm nước ngoài chỉ có thể dùng để tham khảo.
Trong giai đoạn cả nước đã độc lập, hòa bình, thống nhất, đồng chí Lê Duẩn đi khảo sát thực tế ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, tìm những nhận thức mới. Hoài bão mà đồng chí ấp ủ suốt cuộc đời là nước nhà độc lập, tự chủ, kinh tế văn hóa, khoa học đều phát triển, nhân dân no ấm, hạnh phúc. Có những vấn đề do những hạn chế của điều kiện lịch sử cụ thể mà đồng chí Lê Duẩn chưa thể có kết luận đầy đủ nhưng cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí mà chúng ta có thể học tập vẫn mang nhiều giá trị. Sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay vẫn đòi hỏi chúng ta có phương pháp tư duy khoa học, xuất phát từ thực tiễn để phát hiện ra quy luật và hành động phù hợp với quy luật./.
Việt Nam đề xuất các biện pháp cải thiện bất bình đẳng và an sinh  (04/04/2017)
Chủ tịch nước gửi điện thăm hỏi vụ khủng bố ga tàu điện ngầm ở Nga  (04/04/2017)
1.300 công nhân được bố trí việc làm sau vụ hỏa hoạn tại Cần Thơ  (03/04/2017)
Giành lại vỉa hè: Không trừ cơ quan nào thì người dân mới đồng tình  (03/04/2017)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay