TCCSĐT - Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, nâng đáng kể tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Để đạt được mục tiêu này, công tác quản lý tiêm chủng của thành phố sẽ có nhiều sự thay đổi. Đặc biệt từ ngày 01-4 tới, ngành Y tế yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng của thành phố triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, nếu điểm nào không thực hiện sẽ bị xử lý.

Đối với các cơ sở tiêm chủng của Trung ương nằm trên địa bàn thành phố nếu không triển khai phần mềm này, Sở Y tế sẽ có văn bản báo cáo Bộ Y tế để xử lý. Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không bảo đảm đúng theo quy định của Bộ Y tế sẽ bị đóng cửa. Ngay trước thời điểm Bộ Y tế chính thức khai trương phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia vào cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức phổ biến, chỉ đạo triển khai thực hiện phần mềm này, tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng… để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, việc thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia bằng phần mềm không chỉ giúp ích cho công tác quản lý của Nhà nước mà còn có lợi cho các cơ sở tiêm chủng và người dân. Do đó, cùng với 100% xã phường, tất cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cơ sở tiêm chủng ở bệnh viện cũng phải bắt tay vào triển khai ứng dụng phần mềm tiêm chủng này.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, thời gian tiêm chủng cần thay đổi, thay vì mỗi tháng thực hiện tiêm trong 2 ngày hoặc 2 đợt, hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đang thí điểm tiêm chủng hàng tuần tại quận Long Biên, tiến tới tiêm chủng mở rộng theo tuần trên phạm vi toàn thành phố.

Kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải giai đoạn 2016 - 2020

Để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đặc biệt là việc đầu tư, kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải giai đoạn 2016 - 2020.

Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội khẩn trương lập đề xuất dự án đầu tư và phải hoàn thành trong tháng 4-2017. Đó là các dự án: xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai; nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức; hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Lương, quận Hà Đông (được tách ra từ dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây); hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây (được tách ra từ dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây). Bốn dự án này sẽ được đưa vào danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố dự kiến tổ chức vào tháng 6-2017. Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, bức thiết của thành phố, năm 2017 cùng với việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thành lập các tổ công tác trực tiếp phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhằm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát ô nhiễm và xử lý vi phạm về môi trường. Theo kế hoạch, Sở chỉ đạo tập trung giải quyết các vấn đề môi trường ở các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị và làng nghề; trong đó triển khai xã hội hóa việc xử lý nước thải tại 50 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng theo mô hình Nhà máy xử lý nước thải Dương Liễu - Cầu Ngà (huyện Hoài Đức). Đồng thời, Sở kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải tại hai xã Sơn Đồng và Vân Canh, huyện Hoài Đức; xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai; dự án xây dựng khu xử lý chất thải tập trung của thành phố tại thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ… Hà Nội vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, công suất khoảng 20.000 m3/ngày, đêm; nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, công suất 20.000m3/ngày, đêm ; đồng thời khởi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m 3 /ngày, đêm. Đặc biệt quý I/2017, l ò đốt chất thải rắn công nghiệp theo công nghệ đốt phát điện công suất 75 tấn/ngày do tổ chức NEDO Nhật Bản tài trợ đã chính thức đưa vào vận hành tại Khu xử lý Nam Sơn, nâng tỷ lệ xử lý rác thải công nghiệp nguy hại lên trên 90%. Dự án xây dựng ô chôn lấp rác thải theo công nghệ chôn lấp bán khí Fukuoka - Nhật Bản tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công suất xử lý 240 tấn/ngày, đã tiếp nhận và xử lý hiệu quả trên 300.000 tấn rác thải sinh hoạt.

Xử lý nghiêm các xe taxi vi phạm trật tự an toàn giao thông

Liên quan đến tình trạng xe taxi dừng đỗ sai quy định, nhất là trước cổng các bệnh viện gây mất trật tự, an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã lập biên bản, xử lý gần 1.400 trường hợp xe taxi vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2017. Cảnh sát giao thông Hà Nội đã bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động, khép kín tuyến, thời gian, đặc biệt là xung quanh khu vực các bệnh viện lớn, trọng điểm như Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Việt Đức, Mắt Trung ương, Tai mũi họng Trung ương, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội... Các trường hợp bị xử phạt chủ yếu do các lỗi vi phạm như dừng đỗ sai quy định (1.102 trường hợp), đi vào đường cấm (49 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (15 trường hợp). Cảnh sát đã tạm giữ 6 phương tiện và 1.343 bộ giấy tờ.

Theo Phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội, trước thông tin về việc xuất hiện một số trường hợp tài xế taxi có tuổi đời trẻ thường giấu gậy sắt, tuýt sắt trên xe, khi xảy ra va chạm đã sử dụng như hung khí để tấn công người xảy ra va chạm với mình, đơn vị thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ vũ khí, hàng cấm (trên xe ô tô, xe taxi, xe mô tô...) phải có biện pháp giải quyết khôn khéo, nhanh chóng liên hệ, phối hợp với Công an sở tại để kịp thời thu giữ tang vật, phương tiện đồng thời đưa đối tượng về trụ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Phòng PC 67 tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì hiệu quả 15 tổ công tác 141, quá trình làm nhiệm vụ phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, tiến hành kiểm tra hành chính và xử lý theo đúng quy định, qua đó góp phần làm giảm tình trạng tội phạm hoạt động vào buổi tối và sau 24 giờ. Trong 3 tháng đầu năm, các lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ 278 vụ việc và 306 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó thu giữ nhiều loại vũ khí như: súng quân dụng, đạn, dùi cui, dao, kiếm các loại. Được biết, hiện nay, địa bàn Hà Nội có 19.265 xe taxi được cấp phép hoạt động. Số lượng này vẫn chưa đạt mức được duyệt, vì theo đề án của Ủy ban nhân dân Hà Nội, năm 2015 cho phép thành phố có 20.000 taxi, năm 2020 sẽ lên tới 25.000 taxi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông có nhiều phản ánh về tình trạng xe taxi gây mất trật tự, an toàn giao thông, nhất là xung quanh khu vực các bệnh viện lớn, trọng điểm ở Thủ đô. Nhiều trường hợp lái xe taxi đi sai làn, phóng nhanh, chèn ép xe máy, dừng đỗ sai quy định. Đáng lo ngại, một số trường hợp xe taxi lắp đặt các thiết bị để gian lận cước. Trong tháng 02-2017, lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội đã bắt quả tang một chiếc taxi “ăn gian” cách tính cước. Trung bình mỗi km di chuyển, đồng hồ của chiếc taxi này tự động cộng thêm khoảng 300m. Vào thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, chiếc đồng hồ tính cước trên xe vẫn còn hạn kiểm định./.