Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Trần Thanh Mẫn TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
21:30, ngày 22-03-2017

TCCS - Từ khi ra đời đến nay, trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy vai trò của mình trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tập trung đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội và phát huy dân chủ.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã cho thấy giá trị to lớn, ý nghĩa quyết định của đồng thuận xã hội trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng kết lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(1). Trong quá trình sáng lập và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng chữ “đồng”. Người luôn tìm kiếm, phát hiện và khơi dậy những “cái đồng”, kể cả “cái đồng” trong “cái dị” với quan điểm thêm bạn, bớt thù. Chữ “đồng” được Người sử dụng với nội dung hết sức phong phú, sinh động. Người viết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”(2); “Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong”(3). Với nguyên tắc: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài với tất cả những ai có thể đoàn kết được vì mục tiêu chung nên đã tập hợp được sức mạnh to lớn của cả dân tộc trên cơ sở của sự đồng thuận xã hội, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ khi ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy nguồn sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng luôn nhận thức rõ việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh tổng hợp, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(4). Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước kể từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng luôn khẳng định tư tưởng chủ đạo là: Khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc, đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở đồng thuận xã hội để xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội. Nếu trước đây, Đảng xác định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, thì hiện nay trong công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh đó được Đảng xác định là sức mạnh để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, Đảng cũng nhấn mạnh tư tưởng phải xuất phát từ lợi ích dân tộc mà mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi khả năng có thể để xây dựng, phát triển đất nước, tạo ra sự đồng thuận xã hội với quy mô ngày càng rộng lớn.

Trải qua 87 năm từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu, thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn lịch sử. Đó là: Hội Phản đế đồng minh (ngày 18-11-1930); Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế (tháng 10-1936); Mặt trận Dân chủ Đông Dương (tháng 6-1938); Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (tháng 11-1939); Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh (ngày 19-5-1941); Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt (ngày 29-5-1946); Mặt trận Liên Việt (ngày 3-3-1951); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ngày 10-9-1955); Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20-12-1960); Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (ngày 20-4-1968) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ngày 4-2-1977). Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn luôn thực hiện nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trên cơ sở mọi vấn đề của Mặt trận đều được tất cả các tổ chức thành viên bàn bạc công khai để đi đến thống nhất, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội nên đã tập hợp, đoàn kết được đông đảo đồng bào trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ được coi là “chìa khóa vạn năng” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đoàn kết cả dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng, Nhà nước ghi nhận trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011); Điều 9, Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người định cư ở nước ngoài”(5). Là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã không ngừng được củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để tăng cường phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã và đang tích cực từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; lựa chọn vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp và tổ chức huy động các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản biện nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã từng bước đem lại những giá trị tích cực về cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân cả nước, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của cả dân tộc. Tuy nhiên, trên con đường đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, như nước ta có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”; tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và thiếu bền vững, tỷ lệ thất nghiệp còn cao; bên cạnh những tác động tích cực của chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng, lãng phí; lối sống xa hoa cùng với những thói hư, tật xấu đang có nguy cơ lây lan trong xã hội. Trong khi đó, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn có những bất cập, việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục, sửa đổi... Những khó khăn, thách thức trong cuộc sống thường ngày đã ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát sinh những mâu thuẫn lớn, nhỏ ở một số địa phương trên địa bàn cả nước, như các vấn đề liên quan đến thu hồi đất đai, đền bù tái định cư, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời và đúng đắn thì sẽ có khả năng gây nên những hậu quả khó lường. Các vấn đề dân tộc, tôn giáo bị các thế lực thù địch lợi dụng để gây chia rẽ, mất đoàn kết... Các vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo cũng là những thách thức đối với cả dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Trong những năm tới, hội nhập quốc tế vừa có cơ hội lớn, vừa phải đối đầu với thách thức không nhỏ. Những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, an ninh khu vực và quốc tế; những tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu; nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện khó kiểm soát; sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí cùng với những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội... nếu không được phát hiện, ngăn chặn và giải quyết có hiệu quả thì sẽ gây nhiều khó khăn, phức tạp, tác động tiêu cực đến lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(6).

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện một số chính sách chung để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương: Đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định một số nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” và “giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”. Quy định đó thể hiện rõ vị trí, vai trò, quyền và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã diễn ra từ ngày 25 đến 27-9-2014 tại Thủ đô Hà Nội, với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đã đặt ra mục tiêu: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ sau Đại hội đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 5 chương trình hành động của Mặt trận nhiệm kỳ 2014 - 2019, đó là: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế; hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ nêu trên, ngoài sự tích cực nỗ lực của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, đòi hỏi các cấp ủy và chính quyền thời gian tới cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc để hoàn thiện cơ chế và chính sách đối với công tác Mặt trận hiện nay. Với tinh thần đó, trong thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tích cực vận động toàn thể đồng bào Việt Nam ta ở trong nước và nước ngoài đoàn kết, đồng lòng, chung sức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

------------------------------------------

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 217, 229, 232

(4) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 10

(5) Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 7 - 8

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158 - 159