Khai thác tiềm năng về tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch Đắk Lắk theo hướng bền vững
Tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa
Là một tỉnh ở Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 13.062 km², không chỉ được gọi là thủ phủ của cà phê Việt Nam, Đắk Lắk còn là vùng đất du lịch nổi tiếng. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của núi rừng trùng điệp, đại ngàn xanh thẳm kỳ bí với những hồ nước, thác nước tuyệt đẹp. Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Đắk Lắk có được một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo như địa danh buôn Đôn nổi tiếng, đứng đầu Đông Nam Á về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đàn voi rừng trên 50 con ở đây đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào và phục vụ khách du lịch. Những ngọn thác hùng vĩ như thác Dray Sáp thượng, Krông Kmar, Thủy Tiên, Dray Nur, Dray Nao, Suối Mơ... nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đắk Minh, hồ Ea Nhái..., các khu rừng nguyên sinh: vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô... là những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn sự tìm tòi, khám phá của du khách. Rừng nguyên sinh của Đắk Lắk có hệ sinh thái đa dạng với khoảng 3.000 loại thực vật, gần 100 loài thú và 200 loài chim thuộc loại quý hiếm, trong đó có những loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khách du lịch đến Đắk Lắk không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, đầy huyền thoại với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã,…những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc, những lễ hội và phong tục độc đáo, âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng, những lời ca, điệu múa của cộng đồng 44 dân tộc anh em, thể hiện tâm hồn cao nguyên. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trải rộng khắp 5 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2005.
Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Các lễ hội đặc sắc như lễ hội cồng chiêng, lễ hội voi, lễ ăn trâu; các di tích lịch sử như Đình Lạc Giao - nơi ghi dấu ấn của những người đầu tiên khai thiên lập địa trên mảnh đất Tây Nguyên, Biệt điện Bảo Đại, di tích tháp Chăm Yang Prông, hang đá Đắk Tuar, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng là những điểm đến có sức hút với du khách. Nhiều di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa đã được công nhận là di tích quốc gia, phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh.
Hệ thống giao thông đường hàng không, đường bộ đến Đắk Lắk và đến các điểm du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh, tạo thuận lợi kết nối Đắk Lắk với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch ở các địa bàn lân cận. Cùng với việc Chính phủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các công trình đầu tư nhằm khai thác lợi thế của tuyến giao thông này như đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông sẽ hình thành nhánh của con đường xuyên Á bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) - Myanmar - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y, tạo mối quan hệ thương mại quốc tế giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là điều kiện để thu hút khách du lịch các nước theo tuyến đường bộ này vào Tây Nguyên - Đắk Lắk cũng như khuyến khích du khách Đắk Lắk đi du lịch nước ngoài.
Phát triển du lịch - Những kết quả còn khiêm tốn so với tiềm năng
Trong thời gian qua, du lịch Đắk Lắk đã có những bước phát triển tích cực. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, tỉnh đã lập các quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư du lịch trọng điểm; quan tâm đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng cho du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm đa dạng hóa nguồn đầu tư và khai thác triệt để tiềm năng về vốn, kỹ thuật, lao động và tài nguyên nhằm tạo sự hấp dẫn đặc thù; ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và du lịch văn hóa - lịch sử; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khai thác văn hóa ẩm thực Tây Nguyên, qua đó thể hiện được nét độc đáo, nguyên sơ của văn hóa. Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các lễ hội, sự kiện và trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, internet,...
Tỉnh triển khai các biện pháp tiếp cận và mở rộng thị trường trên cơ sở xây dựng các chương trình quảng bá du lịch; mở rộng quan hệ với các văn phòng đại diện du lịch trong nước để xây dựng các tour đưa khách đến Đắk Lắk; hợp tác khai thác, phát triển du lịch trong khuôn khổ chương trình hợp tác tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Hỗ trợ cho công tác thông tin và xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như tham gia và tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, liên hoan du lịch, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, phát hành các ấn phẩm du lịch Đắk Lắk, đưa thông tin trên wesbite... để tạo cơ hội hòa nhập vào thị trường quốc tế. Trong điều kiện các doanh nghiệp của tỉnh chưa đủ mạnh, Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc xúc tiến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thâm nhập và nâng cao hình ảnh của du lịch Đắk Lắk trên thị trường.
Điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cùng với việc ban hành, thực hiện những chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư,… đã tạo điều kiện cho du lịch Đắk Lắk phát triển, có đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2016, Đắk Lắk đã đón trên nửa triệu khách du lịch, doanh thu trên 500 tỷ đồng, đóng góp khoảng 2,7% GDP của tỉnh. Tháng 02-2017, du lịch Đắk Lắk ước đón khoảng 56.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước khoảng 6.000 lượt khách, khách trong nước ước khoảng 50.000 lượt, nâng tổng số khách đón tiếp trong hai tháng đầu năm 2017 ước đạt 107.000 lượt khách, tăng 4,39% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 12.000 lượt khách tăng 4,35% so với cùng kỳ, khách trong nước 95.000 lượt tăng 4,40% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều doanh nghiệp làm du lịch từng bước tự chủ và tạo dựng được lộ trình sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động cụ thể như khảo sát tour - tuyến, hình thành sản phẩm, giới thiệu và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp,… Các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo sắc thái riêng cho du lịch Đắk Lắk trong hình ảnh du lịch Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, vấn đề liên kết, hợp tác để phát triển du lịch trong tỉnh, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước đã được chú trọng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh, kết quả phát triển du lịch của Đắk Lắk thời gian qua còn khá khiêm tốn. Thế mạnh của Đắk Lắk là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa nhưng hiện nay, sản phẩm du lịch sinh thái còn chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Du lịch văn hóa vốn rất đặc sắc và có thể xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương nhưng chưa được khai thác tốt do thiếu sự phối hợp, quan tâm của các ngành chức năng. Một số di tích văn hóa, lịch sử đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư tôn tạo, tu bổ kịp thời. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn đơn điệu, không thường xuyên, chủ yếu mới ở phạm vi trong nước, chưa vươn ra được nước ngoài do khó khăn, hạn chế về kinh phí, cũng như quyết tâm, tầm nhìn của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp.
Định hướng phát triển du lịch bền vững
Đánh giá đúng tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của Đắk Lắk, Chính phủ đã đưa Đắk Lắk vào danh mục các trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lập Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Yok Đôn, một trong 47 khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những tiền đề quan trọng để du lịch Đắk Lắk phát triển trong thời gian tới.
Từ phía địa phương, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 03, ngày 04-10-2016 về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, đầu tư thương mại - du lịch, giai đoạn 2016-2020, tạo cơ sở cũng như điều kiện và cơ hội thực tiễn kích thích ngành du lịch vươn lên. Theo đó, động lực giúp ngành du lịch tăng tốc là các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch trong thời gian tới được chính quyền địa phương quan tâm, cụ thể như nâng mức đầu tư cho ngành kinh tế này lên 5% trên tổng GDP hằng năm; ưu đãi thu hút đầu tư từ nguồn lực bên ngoài; ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND về phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 theo định hướng phát triển du lịch một cách bền vững. Mục tiêu đề ra là phát triển du lịch theo hướng phát huy mạnh mẽ, đồng bộ các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung đầu tư xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm trung chuyển du lịch, dịch vụ của Đắk Lắk; hình thành và tạo sự kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch trong tỉnh cũng như với các khu du lịch, điểm du lịch trong khu vực; phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu đón hơn 4,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 400 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 4.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,93%/năm. Ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 02 ngày, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt bình quân 15,05%/năm. Ngành du lịch sẽ tạo được 16.300 việc làm, trong đó có 5.100 việc làm trực tiếp. Cả tỉnh phấn đấu có 1-2 khu du lịch địa phương, từ 3-5 điểm du lịch địa phương và một số tuyến du lịch địa phương được công nhận.
Để du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển và sớm trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch trong cả nước, xứng đáng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, cũng như sự kỳ vọng của trung ương, của đồng bào các dân tộc trong tỉnh về ngành kinh tế quan trọng này, còn rất nhiều việc phải tiếp tục triển khai, trước mắt, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển du lịch. Khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Yok Đôn, làm căn cứ kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư, tạo điểm nhấn cho du lịch Đắk Lắk. Tiến hành lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch để đầu tư và kêu gọi đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh, nhất là tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa, vì đây là điều kiện thuận lợi sẵn có cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mới như du lịch trên hồ, sông nước; du lịch leo núi; du lịch hang động; du lịch dã ngoại, sinh thái (đi bộ xuyên rừng kết hợp đi voi);…
- Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, trong đó, chú trọng cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư phát triển du lịch; phân định rõ quyền quản lý, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước với quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp để không bỏ sót lĩnh vực trong quản lý, đồng thời không để công tác thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, bao gồm cả tiếng các dân tộc thiểu số.
- Tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch hiện có hoặc đã đầu tư xây dựng có tính đặc thù của tỉnh nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Đắk Lắk nói chung và du lịch Buôn Ma Thuột nói riêng; xây dựng và triển khai đề án Thiết kế quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Cùng với việc tăng cường quản lý các lễ hội văn hoá như hội voi, lễ hội đâm trâu, hội cồng chiêng, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng voi, lễ mừng nhà mới,… để tạo điểm đến văn hóa cho du khách, cần khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, điêu khắc tạc tượng nhà mồ..., đồng thời, mở rộng về quy mô của các làng nghề hiện có, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm nhằm khôi phục nét văn hóa, bản sắc dân tộc của đồng bào và cung cấp sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán cho du khách làm quà lưu niệm.
- Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước, liên kết quốc tế; hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia; triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và hỗ trợ khách du lịch,…
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức và người dân hiểu, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để cùng hành động vì một ngành du lịch Đắk Lắk phát triển ổn định, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu, sức hấp dẫn với du khách.
Cùng với tiềm năng vốn có và cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng, du lịch Đắk Lắk có triển vọng phát triển nhanh và vững chắc. Trong tương lai, Đắk Lắk sẽ được biết đến như một địa danh du lịch hấp dẫn và lý tưởng, là vùng đất có tiềm năng thu hút đầu tư và du lịch đầy hứa hẹn đối với du khách và doanh nhân ở khắp mọi miền đất nước./.
Sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức và giải pháp tương lai  (21/03/2017)
Đưa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới  (21/03/2017)
Đưa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới  (21/03/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay