TCCSĐT - “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của toàn dân tộc và là giá trị vĩnh hằng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Bối cảnh lịch sử của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”

Chủ động đối phó với âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp


Từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, dân tộc Việt Nam vượt qua một chặng đường đặc biệt khó khăn, gian khổ nhưng đã giành được những thắng lợi vô cùng vẻ vang. Xuất phát từ những âm mưu, ý đồ đen tối khác nhau, gần 300.000 quân Anh - Pháp - Tưởng - Nhật cùng hiện diện và tham chiến ở Việt Nam, thêm vào đó “giặc đói” và “giặc dốt” đã đẩy nước ta vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, kiên quyết chống xâm lăng, giữ vững chính quyền, chủ động chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài trong cả nước.

Với ý chí sắt đá bảo vệ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, miền Nam thành đồng đã đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, ngăn chặn sự xâm lược của thực dân Pháp, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng, góp phần quan trọng vào công cuộc giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Trong cuộc đấu tranh với quân thù, chỉ bằng súng kíp, gậy tầm vông, quân và dân miền Nam vẫn giương cao ngọn cờ tiến công dù địch mạnh, ta yếu. Quân và dân ta chủ động đánh địch bằng mọi cách thức, như quân sự, chính trị, binh vận, vừa tác chiến, vừa phá hoại kinh tế địch, áp dụng rộng khắp cách đánh du kích, tập kích, kết hợp lực lượng, thiết lập thế trận và tranh thủ thời cơ để làm tiêu hao sinh lực địch, từng bước thay đổi so sánh về tương quan lực lượng trên chiến trường. Cuộc kháng chiến gian khổ ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đem lại những kinh nghiệm ban đầu, hết sức quý giá cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân trong cả nước.


Với bản chất cực kỳ phản động, thực dân Pháp hiếu chiến mở rộng chiến tranh xâm lược. Được Anh, Mỹ tiếp sức, từ khi đưa quân ra miền Bắc theo Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp bội ước, chối bỏ mọi khả năng thương lượng, quyết thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh. Sau khi chiếm Tây Nguyên, một phần Đông Bắc, Tây Bắc, quân Pháp ngang nhiên tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn. Chúng ráo riết chuẩn bị thực hiện âm mưu gây chiến ở Hà Nội.


Chủ trương, đường lối, chiến lược chính trị - quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp


Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên miền Bắc, chính quyền mới thành lập ra sức củng cố và xây dựng lực lượng. Đảng từ hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân. Trong những điều kiện mới, Đảng ra sức xây dựng lực lượng, phát triển tổ chức, xác lập quyền lãnh đạo trên mọi lĩnh vực, tổ chức động viên toàn dân kháng chiến ở miền Nam và đấu tranh chính trị ở miền Bắc.


Nhiệm vụ xây dựng chính quyền sớm được Đảng xác định về nguyên tắc và biện pháp tiến hành, đồng thời chủ động chống ngoại xâm. Trên tinh thần đó, Đảng chú trọng đến việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân ở các cấp, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, bảo đảm chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân.


Trong hai ngày 10 và 11 tháng 9-1945, Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng vạch rõ nhiệm vụ chính lúc đó là: Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để chống mọi sự xâm lăng. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền: Cấp tốc tổ chức ủy ban nhân dân theo hướng mở rộng ủy ban để các tầng lớp nhân dân ngoài Việt Minh tham gia. Về nhân sự, phải tẩy trừ những phần tử phản động trong ủy ban, lấy những người đứng đắn, có tín nhiệm đưa vào; coi chừng bọn đầu cơ lén lút “ăn tiền” của nhân dân và bài trừ những ông “quan cách mạng”,…


Cuối tháng 11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, định rõ các nhiệm vụ và phương pháp thực hiện chủ trương “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(1), và tiếp tục đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc có quan hệ khăng khít.


Chỉ thị chỉ rõ:


Về quân sự, động viên toàn dân kháng chiến; tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; kết hợp chiến thuật chiến tranh du kích và sự bất hợp tác với địch; giữ vững liên lạc, thống nhất chỉ huy, tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Trung Nam Bộ;…


Về chính trị, tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân; nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp, bầu chính phủ chính thức, ban hành những sắc lệnh mang lại quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ở các địa phương;…


Về kinh tế - tài chính, huy động các nguồn lực nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển thương nghiệp; xây dựng hệ thống ngân hàng, thuế, ngân quỹ, phát hành giấy bạc;…


Về văn hóa - xã hội, bài trừ nạn mù chữ, cải cách hệ thống giáo dục và xây dựng nền giáo dục mới, xây dựng nền văn hóa mới theo nguyên tắc Dân tộc - Khoa học - Đại chúng;…


Về ngoại giao, thực hiện nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ” nhằm thêm bạn bớt thù, chú ý biểu dương thực lực để chứng tỏ sức mạnh và ý chí dân tộc. Với chính quyền Trung Hoa dân quốc, trước mắt tỏ ra thân thiện; đối với Pháp, thực hiện độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế;…


Về Đảng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức đảng, duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, xí nghiệp, trong quân đội; giữ vững sinh hoạt Đảng;…


Về Mặt trận Việt Minh, phát triển các tổ chức cứu quốc, không ngừng mở rộng thành viên Mặt trận nhằm đoàn kết rộng rãi hơn nữa các lực lượng yêu nước và tiến bộ;…


Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” thể hiện rõ sự vững vàng, nhạy bén của Đảng về chính trị và khả năng lãnh đạo cách mạng. Trên cơ sở những chủ trương, biện pháp được hoạch định, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai hàng loạt nhiệm vụ cấp bách, trước hết là chống “giặc đói” nhằm hồi phục sức lực đã kiệt quệ của hàng triệu nông dân sau nạn đói năm 1945 và diệt trừ “giặc dốt”, xem đó là 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách nhất của chính quyền dân chủ nhân dân.


Để giải quyết khó khăn của nền tài chính quốc gia, ngày 04-9-1945, Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng “Quỹ độc lập”, phát động “Tuần lễ vàng”. Cùng với nhiệm vụ cứu đói, khôi phục sản xuất, phát triển văn hóa, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, làm thất bại âm mưu ly gián Đảng với nhân dân của các thế lực thù địch. Đảng nắm quyền lãnh đạo chặt chẽ lực lượng vũ trang, thực hiện thống nhất chỉ huy bộ đội, tổ chức đấu tranh hiệu quả chống bọn phản cách mạng.


Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 được tiến hành khẩn trương trên cả nước ngay trong khói lửa chiến tranh đã xác lập quyền làm chủ đất nước của toàn dân, biểu thị sự tín nhiệm tuyệt đối của toàn dân đối với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta còn là cuộc động viên chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ của nhân dân ta, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ ta, tăng thêm uy tín quốc tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Để tránh rơi vào thế đối lập với kẻ thù “khoác áo” đồng minh, Đảng chủ trương Hoa - Việt thân thiện, hòa hoãn với chính quyền Tưởng Giới Thạch, tập trung lực lượng đấu tranh chống thực dân Pháp đang tái xâm lược Nam Bộ, đồng thời vừa nhân nhượng, vừa đấu tranh ngăn chặn và dập tắt những mưu đồ phản loạn của các tổ chức phản động làm tay sai cho chính quyền Tưởng Giới Thạch.


Sau Hiệp định Hoa - Pháp ngày 28-02-1946, ta chủ trương hòa với Pháp để đẩy nhanh quân đội của chính quyền Tưởng về nước. Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình, tránh cho hai dân tộc Việt - Pháp đổ máu vô ích, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06-03-1946 với sự nhân nhượng tối đa và mở cuộc đàm phán với Chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp đã xóa bỏ mọi cam kết và tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ lên quy mô lớn hơn nhằm tái chiếm Đông Dương. Thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam, của Trung ương và Chính phủ Hồ Chí Minh tiếp tục bị thách thức khi thực dân Pháp phớt lờ Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Mu-tét (M. Moutet). Ngay trong đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, khẳng định ý chí, quyết tâm chống xâm lăng, giành và giữ hòa bình của dân tộc Việt Nam. Toàn dân siết chặt đội ngũ, kiên quyết bảo vệ chính quyền của nhân dân.


Sức mạnh tổng hợp của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”


Truyền thống yêu nước Việt Nam được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử, được khẳng định bởi những thắng lợi chống kẻ thù lớn, mạnh gấp nhiều lần và bởi công cuộc dựng nước kiên trì, bền bỉ để có một Việt Nam tươi đẹp hôm nay. Sức mạnh Việt Nam từ khi có Đảng trước hết thể hiện ở đường lối đúng đắn của Đảng nhằm giải quyết những yêu cầu lịch sử đặt ra. “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là kết tinh của truyền thống cao đẹp đó.


Một là, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến khái quát đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Chỉ với 198 từ nhưng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” thể hiện đầy đủ, sinh động đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp: Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.


Để có được sự khẳng định đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược: xác định tính chất và nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, ra sức xây dựng chế độ, Nhà nước mới; phân loại kẻ thù, kịp thời đề ra đối sách thích hợp trong từng thời đoạn cụ thể, tránh nguy cơ trong cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù; giải quyết những khó khăn và hậu quả của chế độ thực dân phong kiến để lại; tiến hành các hoạt động ngoại giao mềm dẻo, nhân nhượng có nguyên tắc và giới hạn, hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; lãnh đạo, tổ chức toàn quân, toàn dân xây dựng lực lượng về mọi mặt chuẩn bị kháng chiến, chủ động phát động cả nước tiến hành kháng chiến.


Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh là những văn kiện thể hiện rõ đường lối kháng chiến của Đảng.


Hai là, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” - kết tinh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau khi khẳng định thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp phủ nhận, mở đầu “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc”(2). Với người dân Việt Nam, hai tiếng “đồng bào” để gọi những người chung nòi giống, cùng dân tộc, chung Tổ quốc, thân thiết như anh em một nhà. Người Việt Nam khi nói tới “đồng bào” còn gợi nhớ tới cội nguồn của dân tộc. Với hàm nghĩa sâu xa đó, hai tiếng “đồng bào” được Hồ Chí Minh nhắc đến một cách trang trọng, thiêng liêng. “Đồng bào” là khái niệm mang bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, là sức mạnh tinh thần của dân tộc, là một yếu tố quan trọng tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Ba là, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với thiện chí hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với J. Xanh-te-ni (J. Sainteny) - Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Kỳ, ký với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp M. Mu-tét (M. Moutet) Tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9-1946. Nội dung bản Tạm ước khẳng định lại: Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục chính sách hợp tác như Hiệp định Sơ bộ đã nêu và nhân nhượng cho người Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa. Nhưng đây cũng là giới hạn cuối cùng của sự nhân nhượng. Đảng ta khẳng định: Sự thật đã chứng tỏ rằng thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước ngày 14-9-1946 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc.


J. Xanh-te-ni thất bại trong việc thúc đẩy chính quyền thực dân thi hành thỏa thuận Pháp - Việt đã thừa nhận: “Những lời nói, những hành động, thái độ của Người, tất cả đều thuyết phục là Người không muốn dùng giải pháp bạo lực”(3). “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”(4).


Thiện chí hòa bình của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính người đứng đầu nước xâm lược ghi nhận. Tổng thống Pháp Ph. Mít-tơ-răng - Tổng thống đầu tiên của một nước thuộc nhóm G7 sang thăm chính thức Việt Nam tháng 02-1993, đã trả lời các nhà báo rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập và đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh. “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” còn thể hiện sự tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mặc dù chiến tranh có thể gây ra nhiều hy sinh, mất mát.


Ý nghĩa lịch sử và thời đại của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”


Như vậy, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam: bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện cầm chân quân địch trong thời gian 2 tháng để cả nước chuyển vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 tại Thủ đô Hà Nội là sự thể hiện một nghệ thuật chiến tranh cách mạng đúng đắn, quả cảm và sáng tạo. Sau đó, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” khẳng định truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, quyết tâm chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam và góp thêm sức mạnh để một lần nữa dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm.


Bảy mươi năm trôi qua kể từ Ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu kháng chiến đó đã trở thành lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai, sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí minh vẫn giữ nguyên tính giá trị về niềm tin tất thắng, tinh thần độc lập dân tộc./.


--------------------------------------------


(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 8, tr. 26


(2) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tlđd, tr.160


(3) Xem: Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 130


(4) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tlđd, tr.160