TCCSĐT - Bình Dương chú trọng thu hút vốn FDI để phát triển du lịch, tổ chức Hội thảo quốc tế văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập tại Phú Yên và huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, là các hoạt động nhằm thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 
 Du khách lên thuyền tại bến thuyền khu du lịch Tràng An, Ninh Bình,


Bình Dương chú trọng thu hút vốn FDI để phát triển du lịch

Người dân và du khách xem rước kiệu bà Thiên Hậu trên phố trong Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở thành phố Thủ Dầu Một.

Đối với lĩnh vực du lịch từ năm 2016 đến 2020 tỉnh Bình Dương có nhu cầu được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm từ 15 - 20%, phần còn lại từ các nguồn vốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Dương đạt mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt khoảng 20%. Tỉnh chú trọng bảo tồn quỹ đất cho phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp. Đây là chia sẻ của ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương.

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Đáng, các loại hình du lịch được tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư trong giai đoạn năm 2016 - 2020 gồm: Du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa truyền thống. Trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các cụm du lịch tiêu biểu như: Cụm phía Nam, gồm thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần phía Nam thị xã Bến Cát sẽ tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa. Cụm phía Tây Bắc tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chính gồm tham quan Núi Cậu, du lịch trên hàng lang sông Sài Gòn (thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng). Còn phía Đông của tỉnh sẽ phát triển du lịch dọc sông Đồng Nai, sông Bé, với sản phẩm là du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử.

Giai đoạn 2011-2015, tại Bình Dương, tổng lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm 2,3%, trong đó tăng trưởng khách nội địa đạt khoảng 4%. Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Bình Dương đạt 4.390.000 lượt, trong đó có 205.000 lượt khách quốc tế, 4.185.000 lượt khách nội địa (đạt 100% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015); doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015.

Hội thảo quốc tế văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập

Ngày 18-02, tại thành phố Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên, Trường Đại học quốc gia văn hóa Moscow, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập”. Tham dự hội thảo có Ngài KonstantinV. Vnukov, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Nga tại Việt Nam ; các nhà khoa học đến từ 15 quốc gia trên thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ vai trò của văn hóa và du lịch trong thế giới đương đại; thảo luận những vấn đề cấp thiết liên quan đến lĩnh vực văn hóa và du lịch tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch gắn với văn hóa ở một số nước trên thế giới.

Du lịch trong thế giới đương đại không đơn thuần chỉ là nghỉ dưỡng mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế. Du lịch góp phần thúc đẩy liên kết thế giới và khu vực. Tiến sĩ Phạm Từ, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng: Văn hóa với du lịch là cặp đôi tuy hai mà một. Văn hóa là cơ sở để phát sinh, nội dung phát triển của du lịch và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch văn hóa là thế mạnh của Việt Nam. Một số loại hình du lịch văn hóa đã và đang phát triển ở Việt Nam như: du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch bảo tàng…

Theo ông Lê Quốc Hùng, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại California (Mỹ), muốn xây dựng ngành du lịch bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam phải đáp ứng được 2 yêu cầu là tạo ra được sự khác biệt trong sản phẩm du lịch mang bản sắc của văn hóa Việt Nam trên cơ sở kế thừa bản sắc của từng địa phương, vùng miền của đất nước và tạo sự khác biệt về dịch vụ, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ông Werner R. Murhadi, Chủ nhiệm bộ môn quản trị Đại học Surabaya , Indonesia cho rằng: các di sản tự nhiên và văn hóa của Việt Nam cũng như các nước ASEAN là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ chốt. Phát triển du lịch tại đây sẽ được kì vọng khuyến khích sự tăng trưởng. Xu hướng khách du lịch đến các quốc gia ASEAN đang tăng lên. Để tăng sức hấp dẫn của ngành du lịch cần mang đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo và phong phú gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng.

Việt Nam là nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa. Với 7 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của thế giới; hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử; 8.000 lễ hội trong đó 90% là lễ hội dân gian đây là tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển du lịch. Năm 2016, nước ta đã đón hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài.

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là những giá trị văn hóa. Năm 2016, tỉnh đón hơn 1,1 triệu lượt khách du lịch. Tại hội thảo này, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch, du khách trong và ngoài nước đến với Phú Yên – vùng đất được mệnh danh là xứ sở của “Hoa vàng cỏ xanh”…

Huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Tại buổi khảo sát các tuyến điểm, dịch vụ du lịch tại huyện Cần Giờ ngày 18-02, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu huyện đẩy mạnh phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng như tour du lịch đường bộ, đường thủy từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ, du lịch ẩm thực hải sản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, những sản phẩm du lịch này được khai thác từ chính những tiềm năng, lợi thế rất lớn chỉ có tại huyện Cần Giờ. Cụ thể như huyện Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố có bờ biển dài, hệ thống sông rạch chằng chịt; Khu rừng dự trữ sinh quyển thế giới; có các làng nghề truyền thống, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến… Để những sản phẩm này thật sự thu hút du khách trong và ngoài nước, phải quảng bá rộng rãi hơn nữa sản phẩm du lịch của Cần Giờ đến người dân và du khách. Các nhà quản lý đia phương cần tăng cường kết nối, tạo cầu nối cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.

UBND huyện Cần Giờ cần nghiên cứu xây dựng đầu tư 1 - 2 cầu phà riêng dành cho du lịch, hoặc những nhà bè nổi trên sông để người dân và du khách có những trạm dừng chân, kết hợp với tham quan tìm hiểu ở các khu vực nuôi hào, sò huyết của người dân địa phương.

Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, thực hiện những giải pháp trọng tâm, trong đó có việc đảm bảo giao thông thông thoáng trong những ngày nghỉ lễ, Tết. Mặt khác, phối hợp với Sở Du lịch để nâng cao năng lực phục vụ nhà hàng, khách sạn, tạo thuận lợi, thoải mái cho du khách; tăng cường giới thiệu cho du khách các sản phẩm hải sản như khô các dứa, mắm tôm, mắm còng…

Huyện Cần Giờ hiện có 7 khu, điểm du lịch; 3 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng và 15 cơ sở lưu trú chưa được xếp hạng; 2 nhà hàng và 1 cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện huyện đã ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng Bản đồ du lịch và Cẩm nang du lịch Cần Giờ điện tử tích hợp tại: http://dulichcangio.hcmgis.vn, tạo điều kiện quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh du lịch Cần Giờ đến với du khách.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng bình quân hàng năm đối với lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Cần Giờ đạt 9,8%, tổng thu du lịch tăng bình quân hàng năm đạt 18,4%. Năm 2016, du khách đến Cần Giờ ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 53,5% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch đạt 402,6 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ./.