Định hướng lại tiến trình toàn cầu hóa

Việt Hà
23:25, ngày 18-01-2017

TCCSĐT - Toàn cầu hóa đã trở thành một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất, đồng thời là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiều thập niên qua. Quá trình này dẫn tới những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc kinh tế - chính trị của quan hệ quốc tế, cùng với đó là những thay đổi về đời sống văn hóa - xã hội trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là một hiện tượng đơn nhất, bất biến mà là một quá trình phức tạp, đa phương diện, đa chiều hướng, hiện vẫn đang vận động, biến đổi.

Giai đoạn mới của toàn cầu hóa?

Thuật ngữ “toàn cầu hóa” có thể đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ trong khoảng hơn 3 thập niên gần đây, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới không còn bị chia cắt thành những khối kinh tế - chính trị đối lập, toàn cầu hóa mới thực sự tạo nên sự khác biệt lớn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Sự tăng tốc và mở rộng mạnh mẽ của toàn cầu hóa trong những thập niên qua gắn liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin liên lạc, thể hiện tiêu biểu nhất ở vai trò của in-tơ-nét. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản tự do ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia chấp nhận hội nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Gần đây tiến trình toàn cầu hóa đang có những điều chỉnh mạnh mẽ, bên cạnh xu hướng ủng hộ thì cũng xuất hiện những tiếng nói phản đối ngày càng gia tăng. Hiện vòng đàm phán Đô-ha do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khởi xướng tháng 10-2001 không còn được quan tâm thúc đẩy. Hiện tượng Bre-xít (Anh rời Liên minh châu Âu) có thể là hành động đầu tiên trong chuỗi các hành động bảo hộ và ly khai nhằm ngăn chặn quá trình di chuyển, giao lưu hàng hóa, lưu thông luồng vốn và sự tự do đi lại của con người. Bre-xít là một động tác quay lưng lại với châu Âu, là đòn đánh giáng vào quá trình toàn cầu hóa đã xuất hiện nhiều thập niên qua. Có thể nói, Liên minh châu Âu (EU) là trường hợp thành công về hội nhập nhiều quốc gia với sự dịch chuyển tự do hàng hóa, vốn và con người. Tuy nhiên, sau Bre-xít, EU đã bị “thụt lùi một bước”.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh tháng 6-2016 đã phơi bày một hiện tượng chính trị có nguồn gốc kinh tế. Bre-xít giống như những gì đã diễn ra tại Pháp sau sự kiện đảng Mặt trận Dân tộc của ông Lơ Pen giành được nhiều phiếu bầu và cũng giống như những gì đang diễn ra tại Mỹ với việc ông Đ. Trăm đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Đây thực sự là câu hỏi lớn đặt ra cho quá trình toàn cầu hóa. Trên chính trường Mỹ, tự do thương mại hay toàn cầu hóa không những không được xem là lý tưởng mà còn bị cáo buộc là một trong nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp hay gây thiệt hại cho kinh tế và thị trường việc làm Mỹ. Dù sự thật không đơn giản như vậy, nhưng lý luận này được rất nhiều người ủng hộ và là nguyên nhân quan trọng đưa tỷ phú Đ. Trăm trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Tổng thống Mỹ đắc cử Đ. Trăm công khai tuyên bố, khi chính thức nắm quyền, ông sẽ xem xét lại một loạt thỏa thuận tự do thương mại và tăng cường chính sách bảo hộ đối với nền kinh tế Mỹ.

Tại các nước phát triển, khó khăn chồng chất khiến các nước này tìm cách in tiền, hạ lãi suất và tìm lợi thế của đồng tiền rẻ để gia tăng xuất khẩu và thoát hiểm. Điều đó lại tích tụ thêm những vấn đề về ngoại thương và thu hẹp nguồn tư bản có thể đầu tư vào các nước đang phát triển. Đầu tư trực tiếp giảm sút càng làm các nước nghèo gặp trở ngại khi thị trường xuất khẩu vào các nước giàu cũng co cụm dần. Tranh chấp thương mại vì thế ngày càng gia tăng.

Cách đây hơn một thập niên, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, khu vực chế biến của các nước công nghiệp hóa đã thu hẹp và nhường chỗ cho khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó là sự thay đổi về “công nghệ”, tức là thay đổi về cách tổ chức khoa học kỹ thuật. Sự cải tiến về công nghệ máy điện toán và tin học làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao năng suất kinh tế nhưng cũng dẫn đến các bài toán xã hội nan giải là nạn thất nghiệp gia tăng. Mặt khác, cơ cấu dân số của các nước có sự thay đổi mạnh, nguy cơ già hóa dân số cao. Sự thay đổi này đã chi phối đến chiến lược kinh tế của các quốc gia và sự tính toán lời lãi của các doanh nghiệp. Lương trả cho nhân công các nước đang phát triển không còn rẻ như thời điểm trước khi các nước này bắt đầu phát triển.

Làn sóng bảo hộ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, đang tác động bất lợi tới thương mại toàn cầu cũng như đe dọa kéo dài chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới. Xu hướng bảo hộ đáng lo ngại hiện nay cũng có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, đồng thời thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu. Các biện pháp bảo hộ theo kiểu tăng thuế và áp đặt hạn ngạch nhập khẩu ít được áp dụng, thay vào đó, chính phủ các nước có xu hướng triển khai các gói cứu trợ hoặc viện trợ nhà nước, một động thái có thể làm giảm đà tăng nhập khẩu thông qua việc vực dậy các ngành trong nước đang làm ăn thua lỗ, song đồng thời cũng góp phần hỗ trợ xuất khẩu. Một xu hướng nữa mà chính phủ các nước thường áp dụng hiện nay để bảo hộ thương mại là triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, như cung cấp các khoản cho vay lãi suất thấp, thay vì hạn chế nhập khẩu. Sự kết hợp của những động thái này đang tạo ra mối quan ngại không nhỏ với tiến trình toàn cầu hóa.

Mặc dù tất cả các chính phủ đều phủ nhận chính sách bảo hộ, nhưng thực tế cho thấy, thương mại đã không còn vượt tăng trưởng kinh tế như đã diễn ra trong nhiều năm qua. Theo số liệu của WTO, tốc độ tăng trưởng thương mại cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài và có thời điểm tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thương mại hiện nay đang chậm lại, tăng trưởng thương mại năm 2016 chỉ ở mức 80% so với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. WTO cũng dự đoán tăng trưởng thương mại năm 2017 chậm lại với mức tăng trưởng chỉ đạt 1,0% - 3,1%, so với mức 3,6% đưa ra vào thời điểm tháng 4-2016 (1). Một nghiên cứu gần đây của UNCTAD cũng cho thấy, trong năm 2016, các tập đoàn hàng đầu thế giới đã cắt giảm 10% - 15% (giảm khoảng 250 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính từ tháng 01-2008 đến tháng 10-2016, có tới hơn 6.300 biện pháp bảo hộ thương mại được áp dụng trong hoạt động thương mại toàn cầu. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia được coi là hưởng lợi lớn từ tiến trình toàn cầu hóa, cũng đang thực hiện chính sách ưu tiêu “nội địa hóa” để bảo đảm việc làm, bắt đầu tái cân bằng kinh tế, coi trọng thúc đẩy đầu tư thay thế mô hình xuất khẩu (2).

Ở khía cạnh khác, ngày càng xuất hiện nhiều quan điểm đề cập tới mặt trái của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đang làm gia tăng nợ nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển. Toàn cầu hóa dẫn các nước chậm phát triển tới nguy cơ xói mòn quyền lực nhà nước, thu hẹp đáng kể quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của nhà nước do vai trò kinh tế của nhà nước có thể bị giảm sút bởi sự chi phối của các công ty xuyên quốc gia, bởi sức ép của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), WTO... từ chỗ phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến phụ thuộc về chính trị. Ngoài ra, toàn cầu hóa kinh tế cũng có thể đem đến nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái do sử dụng các công nghệ lạc hậu mà các nước phát triển loại ra, hoặc có thể phải hứng chịu những bệnh tật, những rủi ro môi trường từ bên ngoài đưa vào. Trong khi thế giới nói chung trở nên an toàn hơn và thịnh vượng hơn thì cùng lúc nhiều quốc gia đang phải vật lộn với các tệ nạn nhập cư bất hợp pháp, tin tặc, buôn bán ma túy, khủng bố, mại dâm hay rửa tiền. Một điều gây đau đầu các nhà lãnh đạo là những tệ nạn này, trực tiếp hay gián tiếp, đều đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia và tạo nên một “nền kinh tế ngầm”.

Hiện nay, xu hướng phản đối toàn cầu hóa ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã có thêm sự tham gia của hàng chục triệu người ở các nước tiên tiến. Các cuộc thăm dò ý kiến, trong đó có cả những nghiên cứu rất công phu cho thấy, thương mại là một trong những nguyên nhân chính gây bất mãn ở một bộ phận lớn người Mỹ. Nhiều bộ phận lớn người dân ở các nước phát triển không được hưởng lợi. Xu hướng của chủ nghĩa dân túy và phản toàn cầu hóa tiếp tục lan rộng ở châu Âu. Trên thực tế, sự hoài nghi đối với toàn cầu hóa đã bao trùm Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2016 ở Pê-ru (tháng 11-2016).

Có thể thấy, thế giới đang tiến vào một giai đoạn mới của toàn cầu hóa - một giai đoạn được định hình bởi các khác biệt và mâu thuẫn nhiều hơn là hội tụ. Những sự kiện bất ngờ trong quan hệ quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều và khó lường. Những rạn nứt, cạnh tranh và bất đồng đang tạo ra một thế giới đa dạng về mức độ phát triển, quyền lực và quan điểm. Những lĩnh vực cơ bản tạo điều kiện cho quá trình toàn cầu hóa trước đây như tài chính, công nghệ, năng lượng, pháp luật, giáo dục, khoa học, thương mại và du lịch đều đã và đang trở thành vũ khí trong hình thức chiến tranh mới. Tiến bộ của kỹ thuật đã trở thành vũ khí trong chiến tranh mạng. Tài chính được sử dụng như một vũ khí (thể hiện qua các lệnh trừng phạt cấm giao dịch ngân hàng và sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế, cụ thể như trong các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và I-ran). Giáo dục và du lịch trở thành công cụ để các nước chống lại nhau (áp đặt hạn chế trong việc cấp thị thực). Thương mại cũng trở thành vũ khí để kiềm chế ảnh hưởng giữa các quốc gia. Những yếu tố trên lẽ ra đóng vai trò hàn gắn những rạn nứt trên thế giới lại trở thành các công cụ gây chia rẽ và thậm chí là phá hủy các mối quan hệ song phương và đa phương.

Đi tìm mô hình thay thế

Trong chuyến thăm các nước EU, tháng 11-2016, chuyến thăm nước ngoài cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, toàn cầu hóa đã mang đến rất nhiều lợi ích kinh tế, song tiến trình này cần phải được “điều chỉnh đúng quỹ đạo” để giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức A. Méc-ken, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã đề cao vai trò của toàn cầu hóa, khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng sẽ không thể đưa thế giới trở lại thời kỳ trước toàn cầu hóa, nhưng Đức và Mỹ nên nắm lấy cơ hội hiện nay để định hình toàn cầu hóa theo những giá trị và ý tưởng chung. Nhấn mạnh EU và Mỹ, nếu đạt được thỏa thuận TTIP sẽ giúp cải thiện điều kiện sống, trong đó cả giới chủ và nhân công, người tiêu dùng và nông dân đều được hưởng lợi.

Trước đó, ngày 09-4-2016, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã kêu gọi thế giới cần xây dựng lại chương trình nghị sự của toàn cầu hóa. Tổng Thư ký UNCTAD, X. Pa-nít-pắc-đi, kêu gọi chuyển đổi nhanh chóng từ toàn cầu hóa với động lực tài chính là mô hình chi phối quan hệ kinh tế quốc tế dựa trên một chính sách chung cho tất cả sang toàn cầu hóa với động lực tăng trưởng và phát triển tiến tới các chuyển đổi kinh tế và xã hội bền vững và phổ quát ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước chậm phát triển nhất (LDC). Ông X. Pa-nít-pắc-đi nhấn mạnh phối hợp chính sách khắc khổ kinh tế vĩ mô, tự do hóa nhanh, tư nhân hóa và phi quy chế hóa không những không tạo ra cuộc cách mạng về nguồn cung mà còn đẩy các nước nghèo tụt hậu về kinh tế, trì trệ về tăng năng suất, nền kinh tế ngầm tăng nhanh kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ quốc tế đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Mô hình toàn cầu hóa với động lực tài chính đã phá hoại nền kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là các nước chậm phát triển. UNCTAD đã nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về chương trình nghị sự mới của toàn cầu hóa. Ngược lại, các nước phát triển đã phát động chiến dịch chưa từng thấy để ngăn chặn UNCTAD tư vấn chính sách cho các nước đang phát triển về tài chính, môi trường, an ninh lương thực, quyền sở hữu trí tuệ và phát triển với cái cớ rằng, điều này trái với chương trình nghị sự của thị trường tự do. Đã đến lúc thế giới phải thẩm định nghiêm túc quản trị kinh tế toàn cầu do hiện trạng của chương trình nghị sự đa phương ngày càng đáng lo ngại.

IMF thừa nhận đang có những tiếng nói mạnh mẽ phản đối toàn cầu hóa, song nêu rõ sự cần thiết phải hỗ trợ những người chưa được hưởng lợi từ đó. IMF sẽ làm việc với chính quyền mới ở Mỹ để cùng giải quyết những thách thức và hy vọng mối quan hệ tốt đẹp giữa IMF và Mỹ sẽ tiếp tục trong tương lai. Đó là quan điểm tương đối mới của IMF, bởi gần như trong suốt lịch sử tồn tại của mình, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở Mỹ La-tinh những năm 80 và khủng hoảng ở châu Á những năm 90 của thế kỷ XX, thiết chế tài chính này luôn chú trọng hơn đến việc cắt giảm chi tiêu công. Nhiều năm xảy ra biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ mà IMF áp đặt có thể đã dẫn đến sự điều chỉnh chính sách hiện nay của IMF.

Như vậy, giải quyết vấn đề toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi phải có chính sách điều hành thông minh. Để tận dụng được tối đa các mặt tích cực của toàn cầu hóa, điều này phụ thuộc nhiều vào cách thức chính phủ các nước phản ứng với hoàn cảnh đang thay đổi hiện nay ra sao. Mấu chốt vấn đề vẫn cần thông qua chính sách để thuyết phục được bộ phận quần chúng đang lo ngại về lợi ích của toàn cầu hóa, bảo đảm rằng những lợi ích đó sẽ được hiện thực hóa và được phân phối một cách công bằng./.

-------------------------

(1) WTO cuts 2016 world trade growth forecast to 1.7 percent, cites wake-up call, http://www.reuters.com/, 27-9-2016

(2) The Globalization of Anti-Globalization and its Implications for Asia, http://www.brinknews.com/asia, ngày 16-11-2016