TCCSĐT - Sáng 18-11-2016, tại Hà Nội, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”. Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học của các bộ, các viện nghiên cứu, các trường đại học,… đã tham dự Hội thảo.
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” là diễn đàn mở để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý công bố, trao đổi các kết quả nghiên cứu mới nhất về hiện trạng và dự báo những vấn đề của kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế trong nước dưới những tác động của yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu, cũng như thực trạng về tình hình ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tác động bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn, và thể chế điều tiết, quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước ta.

Các nghiên cứu gửi đến và trình bày tại Hội thảo thể hiện quan điểm và phản ánh kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về hiện trạng và dự báo những vấn đề của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế, dưới tác động của yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu, nhất là những tác động bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, cho rằng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn có tính đến yếu tố môi trường cần được thực hiện với những nghiên cứu chuyên sâu, phục vụ cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. “Việc mở rộng kinh tế vĩ mô qua đánh giá tác động môi trường, nếu chúng ta làm được sẽ tạo lập được một nền kinh tế phát triển bền vững”.

Các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo cho thấy, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang có những tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và nhiều mặt của nền kinh tế. Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu rong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, do Maplecroft - một công ty của Anh chuyên phân tích rủi ro đánh giá tại 193 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”; trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong tham luận của mình, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo (NCIF), cho biết, biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các vùng miền, các lĩnh vực của nước ta nhưng trong đó tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khỏe và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2015 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu thì diễn biến thời tiết ở Việt Nam ngày càng khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình tăng lên, có thể tăng lên khoảng 1,70C vào giữa thế kỷ và 2,40C vào cuối thế kỷ XXI. Dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

GS. John FitzGerald (Khoa Kinh tế, Đại học Trinity, Dublin) trong tham luận “Kinh nghiệm quốc tế vè mô hình hóa mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường: Áp dụng cho Việt Nam” giói thiệu mô hình năng lượng và phát thải khí nhà kính để đánh giá tác động của việc tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế Việt Nam đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1995-2014, đồng thời góp phần đánh giá toàn diện hơn nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững của nề kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Cùng với nỗ lực tăng trưởng kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong tham luận “Thể chế, chính sách và thực trạng môi trường Việt Nam”, PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và moi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh đến hệ quả về môi trường do quá trình tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số… ngày càng rõ nét. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất ở nhiều địa phương trên cả nước.

Xét từ khía cạnh ứng phó của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với hiện tượng xâm nhập mặn, TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu một số nhận xét của nhóm nghiên cứu: bên cạnh các biện pháp công trình (xây bể chứa nước, khoan giếng, sửa chữa đê bao, bơm nước làm sạch ruộng,…), các giải pháp phi công trình (thay đổi lượng đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, lượng hạt giống), thay đổi lịch thời vụ, chuyển trồng lúa sang trồng các loại cây khác, chuyển trồng lúa sang nuôi tôm) được tăng cường áp dụng. Các hộ dân có xu hướng ứng phó quyết liệt hơn với tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, tuy nhiên các giải pháp nhìn chung còn mang tính ngắn hạn, chủ yếu giảm thiểu tác động ngay khi thiên tai xảy ra.

Tại Hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục phân tích sâu hơn, toàn diện hơn mối quan hệ qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu, nâng cao sức mạnh của nền kinh tế để tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; đưa ra những dự báo và khuyến nghị chính sách cụ thể hơn, thiết thực hơn, góp phần giải quyết những vấn đề mà ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những tác động của nó đang đặt ra trong thực tế cuộc sống./.