Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư… Trong bối cảnh đó, phát triển một hệ thống công tác xã hội hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. Đã đến lúc cần một khuôn khổ pháp luật để hình thành hệ thống công tác xã hội chuyên nghiệp.

 
 Trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi được cán bộ trợ giúp xã hội chăm sóc - Ảnh minh họa

Nghề của lòng nhân ái

Tại hội thảo đề xuất xây dựng Luật Công tác xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã cùng phân tích về việc xây dựng một hành lang pháp lý để tạo cơ hội phát triển ngành công tác xã hội.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ công tác xã hội. Chính vì lẽ đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Đến năm 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại được 60.000 nhân viên công tác xã hội với các trình độ khác nhau.

Sau năm năm triển khai đền án 32, đến nay cả nước đã hình thành và phát triển được 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Khoảng 21 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề công tác xã hội. Gần 100.00 người làm việc trong các lĩnh vực như: Bệnh viện, trường học, tư pháp, hội, đoàn thể… được tập huấn để xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp người nghèo, các đối tượng yếu thể ở các cơ sở và cộng đồng.

Ông Trần Mạnh Đạt, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng kinh tế xã hội phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của nghề công tác xã hội. Ở Việt Nam, do điều kiện lịch sử, địa lý… nên số người sử dụng dịch vụ công tác xã hội chiếm tới 1/4 dân số.

“Về mặt chủ quan, có những người thiệt thòi do cá nhân họ khuyết tật, bị bệnh, chưa được đào tạo… nên khó thực hiện được vai trò của mình. Do đó, nhiệm vụ của hệ thống công tác xã hội là làm thế nào để hỗ trợ cho các đối tượng này có thể tự giải quyết được vấn đề của mình,” ông Trần Mạnh Đạt nói.

 
 Hỗ trợ trẻ em lang thang được học tập

Đối tượng được chăm sóc, phục vụ hiện nay của các trung tâm công tác xã hội đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên công tác xã hội cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm, có đạo đức nghề nghiệp. Việc lựa chọn nghề công tác xã hội được cho là lựa chọn nghề của lòng nhân ái.

Với tốc độ mở rộng đào tạo nghề công tác xã hội trong các trường học do yêu cầu của thực tế, thời gian tới sẽ có hàng nghìn cử nhân làm công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó, đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý đầy đủ để nghề công tác xã hội có thể phát triển, hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội ngày càng gia tăng.

Luật hóa nghề công tác xã hội

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nghề công tác xã hội đã phát triển thành chuyên nghiệp và để làm được điều này đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hết sức cụ thể về công tác xã hội. Chính vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu xây dựng Luật Công tác xã hội.

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật liên quan như: Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Con nuôi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi...

“Quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý khá phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau, trong khi đó sự phối hợp liên ngành còn nhiều hạn chế. Do đó, các nội dung về công tác xã hội đến nay vẫn chưa được luật hoá,” ông Tô Đức nói.

 
 Chăm sóc đối tượng chính sách

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Jesper Moller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy vai trò, chức năng của nhân viên công tác xã hội phải được quy định ở trong một khung pháp lý với những tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn nghề, quy trình cấp giấy phép công tác xã hội….

Luật pháp của các quốc gia về nghề công tác xã hội thường quy định về các định nghĩa cơ bản về nghề công tác xã hội, quy định về chứng nhận chuyên môn, quy trình, cơ quan quản lý việc thi chuyên môn, cấp phép, đăng ký hành nghề, quy trình đăng ký là cơ sở công tác xã hội và xử phạt nhân viên công tác xã hội vi phạm luật.

Góp ý và xây dựng luật, ông Trần Mạnh Đạt cũng lưu ý, việc xây dựng Luật công tác xã hội cần chú trọng đến xây dựng đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp, quy định rõ quyền hạn, vị trí của người làm công tác xã hội. Hiện nay, những người làm nghề công tác xã hội chủ yếu là viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Luật cũng nên mở rộng theo hướng những người bảo đảm một số tiêu chuẩn nhất định thì có thể được cấp phép hành nghề công tác xã hội, điều này sẽ làm giảm gánh nặng về kinh phí cho Nhà nước.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng cần phải quy định được vai trò, vị trí của nhân viên công tác xã hội trong từng ngành. Con số 25% dân số cần trợ giúp xã hội chỉ là những đối tượng cần sự trợ giúp khẩn cấp, thực tế còn rất nhiều đối tượng cần đến dịch vụ công tác xã hội.

“Dự kiến, trong năm 2016-2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, rà soát xây dựng đề cương, chuẩn bị hoàn thiện nội dung chính của Luật công tác xã hội, đánh giá tác động luật. Đến năm 2018 sẽ đưa vào đăng ký chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội,” ông Hà Đình Bốn nói.

Nhân viên công tác xã hội giúp người dân vượt qua những thách thức khó khăn nhất trong cuộc đời và tư vấn cho những nhóm cộng đồng đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Chỉ khi những chính sách về vị trí việc làm, yêu cầu công việc... được quy định cụ thể, đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp mới có thể được hình thành, mục tiêu mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một trung tâm công tác xã hội mới có thể thành hiện thực./.