TCCSĐT - Sáng 12-11-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 700 đại biểu, trong đó có hơn 500 là kiều bào trên khắp thế giới cùng tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cả dân tộc, bởi họ luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, là nguồn lực quan trọng đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của nước nhà. Phó Thủ tướng cho biết, nhằm đáp ứng mong muốn của Thành phố Hồ Chí Minh và đông đảo kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài, đây là Hội nghị lớn lần đầu tiên tổ chức riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, vì luôn là đầu tàu phát triển và tiên phong của cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn cần và trân trọng tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, đồng chí Phạm Bình Minh đã đề nghị kiều bào phát huy lòng yêu nước, tự tôn của dân tộc để cùng nhau trao đổi, thảo luận về tiềm năng, cơ hội, thách thức và nêu ra những giải pháp thiết thực góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Chia sẻ với các kiều bào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng bởi sự tham dự đông đủ của kiều bào trong ngày hội đoàn kết, đầy trí tuệ và cởi mở này. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, nhiều năm qua Thành phố luôn giữ vị trí đầu tàu, là trung tâm quy tụ động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đúng định hướng, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến chất lượng, hiệu quả và bền vững; bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân được cải thiện rõ rệt; uy tín quốc tế của Thành phố ngày càng được nâng cao. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi với kiều bào, thể hiện qua việc thu hút số lượng kiều hối rất lớn, chiếm 50% tổng số kiều hối của cả nước; nơi đây còn quy tụ đông đảo kiều bào về sinh cơ, lập nghiệp. Và hiện nay, lực lượng nhà khoa học, doanh nhân, nhà văn hóa đã, đang tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển một Thành phố Hồ Chí Minh văn minh - hiện đại - nghĩa tình và có chất lượng sống tốt trong tương lai gần.

Thẳng thắn nhìn nhận việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đối với sự phát triển của Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tri thức, vốn kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính quan trọng mà các kiều bào đã tích lũy… đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc đưa ra gợi ý về giải pháp từ kiều bào sẽ là động lực, là hướng đi để Thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á, trở lại dẫn đầu trong khu vực.

Đáp lại những lời kêu gọi của quê hương, giáo sư Nguyễn Đức Khương, Trưởng khoa Kinh tế tài chính Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh Paris, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) nhìn nhận: Thành phố Hồ Chí Minh đang có đầy đủ các tiềm năng để phát triển một “thành phố bền vững”, trong đó xây dựng thành phố thông minh là giai đoạn đầu. Theo giáo sư Nguyễn Đức Khương, một thành phố bền vững phải được thiết kế để nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc nắm bắt chính xác các quy luật quan hệ tương tác giữa con người với các yếu tố môi trường, chính trị - xã hội, văn hóa và kinh tế. Hiện nay, AVSE đang có ý định phối hợp cùng với các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh bàn về 3 nội dung chính là hệ sinh thái dữ liệu mở, cơ chế thúc đẩy đầu tư nước ngoài và giáo dục - đào tạo. “Tôi tin rằng Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt được mục tiêu thành phố bền vững thông qua việc tạo lập các cơ chế để huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vận dụng triệt để kinh tế tri thức. Một cơ chế tự chủ cho các nền kinh tế trong việc đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu sẽ là đột phá trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao”, giáo sư Nguyễn Đức Khương khẳng định.

Đại diện cho kiều bào Úc, giáo sư Dương Hoàng Tuấn, làm việc tại Đại học Công nghệ Sydney cho rằng: Mục đích cuối cùng của thành phố thông minh vẫn là đem lại chất lượng cuộc sống cho người dân tốt hơn. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, giáo sư Dương Hoàng Tuấn lưu ý: Hầu hết các dự án nghiên cứu, lập kế hoạch xây dựng thành phố thông minh trên thế giới dễ bị các hãng công nghệ điều khiển, chủ yếu giúp họ bán dịch vụ và thiết bị. Ví dụ ở Úc, thành phố Sydney và Melbourne được coi là ngày càng thông minh, nhưng thực tế người dân lại cảm thấy ít thoải mái, cuộc sống đắt đỏ hơn và phải chi trả nhiều loại chi phí dịch vụ.

Tự hào là người con của dân tộc Việt Nam, cùng với với việc sẻ chia những tình cảm của những người xa quê hương, PGS, TS. Caroline Kiều Linh Valverde, Khoa nghiên cứu về người Mỹ gốc Á Châu, Đại học UC Davis, California và ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia về quy hoạch đô thị, đại diện Nhóm sáng kiến Việt Nam cho rằng, để xây dựng một thành phố thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, học tập một số thành phố lớn ở các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó đặc biệt chú trọng về chiến lược ngắn hạn, dài hạn, nguồn lực chất lượng cao, chế độ đãi ngộ cho người tài phải thích đáng để đội ngũ này hiến kế nhiều hơn nữa cho Thành phố trong quá trình xây dựng phát triển, kết nối với khu vực và toàn cầu./.