Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn
2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Với 89,88% đại biểu đã tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng), trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (gồm cả 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.
Bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia
Trong giai đoạn này, Quốc hội tán thành bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng. Bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước
Nguyên tắc phân bổ vốn được đặt ra là phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản liên quan.
Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA.
Đồng thời, có các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách, các chương trình mục tiêu, làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Đối với các địa phương được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới.
Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên
Đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên (1) bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31-12-2014; (2) bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP); (3) bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; (4) Sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.
Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, việc phân bổ vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên (1) bố trí đủ phần vốn trái phiếu chính phủ còn thiếu trong tổng mức đầu tư của các dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo đúng quy định tại Phụ lục số 3 của Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La; (2) sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án trên, xem xét, bố trí vốn cho các dự án mới, thực sự cấp bách thuộc ngành y tế, giao thông, thủy lợi; chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân đối với số vốn ngân sách trung ương đã ký kết Hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016 - 2020. Mức vốn kế hoạch trung hạn bố trí cho từng dự án không vượt quá số vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển
Nhiều giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 đã được đề ra trong Nghị quyết, trong đó tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong từng dự án theo quy định của Chính phủ.
Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải bảo đảm có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước.
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước được bảo đảm theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Bố trí phần vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình, dự án kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.
Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án để khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định.
Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay./.
Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế  (10/11/2016)
Phản ứng của Việt Nam trước kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ  (10/11/2016)
Bế mạc Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ III  (10/11/2016)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc  (10/11/2016)
Thúc đẩy xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  (10/11/2016)
Phản ứng của các nước về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ  (10/11/2016)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên