TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017; ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 268.084; trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 109.146 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 157.853 biên chế; các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế.

Biên chế công chức dự phòng là 1.000


Quyết định cũng phê duyệt, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức quy định ở trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Chương trình điều tra thống kê quốc gia


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia, theo đó có 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 11 cuộc điều tra thống kê. Ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia gồm Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế.

Tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm thu thập số liệu về dân số, lao động xã hội và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quy mô, cơ cấu phân bố và tỷ lệ tăng dân số, nguồn lao động và nhà ở của dân cư. Thời điểm tổng điều tra dân số và nhà ở chu kỳ 10 năm, ngày 01-4 (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 9).

Thời điểm tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp chu kỳ 10 năm, ngày 01-7 (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 5).

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp diêm nghiệp và thủy sản phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô và cơ cấu lao động nông thôn, nông nghiệp; quy mô đất đai, điều kiện sản xuất nông nghiệp; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong nông thôn, nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, thủy sản và nông thôn; lập dàn mẫu cho các cuộc điều tra chọn mẫu; so sánh quốc tế.

Tổng điều tra kinh tế nhằm thu thập thông tin cơ bản về số cơ sở kinh tế, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế; kết quả hoạt động làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp dàn mẫu tổng thể phục vụ các cuộc điều tra chọn mẫu của ngành Thống kê và các ngành khác. Thời điểm tổng điều tra kinh tế chu kỳ 5 năm, ngày 01-3 và 01-7 (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 1 và 6).

Trong số 11 cuộc điều tra thống kê, có 4 cuộc điều tra về đất đai, dân số, lao động, việc làm gồm: Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; Điều tra lao động và việc làm.

Hai cuộc điều tra về tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ: Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; Điều tra thu thập thông tin tính các chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi.

Ngoài ra, Chương trình thống kê quốc gia còn có 5 cuộc điều tra về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gồm: Điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ; Điều tra diện tích gieo trồng cây nông nghiệp; Điều tra năng suất sản lượng cây hàng năm; Điều tra năng suất sản lượng cây lâu năm; Điều tra chăn nuôi./.