Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai
TCCSĐT - Tiếp tục phiên họp thứ Tư, sáng 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ.
Cụ thể: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
* Phải tăng tốc mới đạt được mục tiêu GDP năm 2016 là 6,7%
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cho biết, chỉ tiêu GDP năm nay được Quốc hội thông qua là 6,7%, tuy nhiên mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP chỉ có thể đạt 6,3% - 6,5%. Để đạt được mức tăng này, tăng trưởng kinh tế quý IV phải cao hơn nhiều các quý trước.
Một số ý kiến cho rằng, dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn là dư địa chính sách tài khóa (phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch), nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước, thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể. Do đó, kết quả ước thực hiện cả năm 2016 GDP tăng 6,3% - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được, cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong 2 tháng cuối năm.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đánh giá việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất. Do vậy, cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế đánh giá Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế, việc điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong điều kiện CPI tăng mạnh so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn. Có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng các biện pháp quản lý mang tính hành chính như chính sách trần lãi suất là không phù hợp; lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian dài duy trì ổn định ở mức thấp, khiến cho cơ hội giảm mặt bằng lãi suất ngày càng nhỏ đi. Có ý kiến lo ngại tình trạng bội chi ngân sách tăng nhanh trong giai đoạn trước sẽ là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016. Việc tăng giải ngân nguồn vốn vay ODA sẽ làm dự toán chi ngân sách nhà nước bị phá vỡ, thâm hụt ngân sách tăng so với dự toán do Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân ODA, đồng thời hiện còn nợ khá lớn các chính sách đã ban hành cùng với xử lý khoản vay về cho vay lại đối với một số doanh nghiệp làm cho giá vốn ở thị trường tăng cao...
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí không đưa ra mục tiêu tổng quát cho từng năm nhưng phải có mục tiêu cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu tổng thể của 5 năm. Về các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế cho rằng, có chỉ tiêu khó có thể tính toán sự thay đổi hàng năm, do đó cần cân nhắc tính toán thận trọng, khoa học, bảo đảm tính thống nhất, ổn định của các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm với hệ thống chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020... Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần nhấn mạnh hơn một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai; loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thực sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách nhà nước theo Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020... Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng du lịch, tiềm năng kinh tế biển. Mọi phương án khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở vùng ven biển đều phải được cân nhắc trên cơ sở luận cứ khoa học. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển...
* Đề nghị tăng lương cơ sở 7% trong năm 2017
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn để tăng lương cơ sở 7% trong năm 2017.
Chính phủ dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2017 là khoảng 3,5% GDP. Đây là mức dự toán theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, bội chi năm 2017 bao gồm cả bội chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban đánh giá, đây là mức bội chi tích cực, cần kiên định thực hiện mức bội chi này để bảo đảm các tỷ lệ nợ công trong giới hạn an toàn. Trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, không tăng bội chi ngân sách Nhà nước. Trường hợp tăng thu ngân sách Nhà nước thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đây được coi là nguyên tắc quan trọng trong điều hành ngân sách Nhà nước giai đoạn ổn định ngân sách mới 2017 - 2020.
Về chi thường xuyên, Chính phủ đề xuất giải pháp tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Đề xuất này của Chính phủ cũng nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ rõ tiết kiệm ở từng lĩnh vực chi, khoản chi, mục chi. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, một số thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017, đạt mức 1.300.000 đồng/tháng. Các thành viên này đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước tăng 5,6% dự toán, thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán, thu từ xuất, nhập khẩu hụt 2,9% dự toán.
Cũng trong năm 2016, Chính phủ ước thực hiện chi ngân sách Nhà nước cả năm bằng 101,9% dự toán, tăng 24.500 tỷ đồng; số ước bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách Nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách Nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Tại phiên làm việc sáng 17-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát động Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai./.
Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2016  (17/10/2016)
Hà Tĩnh: Hơn 100.000 học sinh vẫn phải nghỉ học do mưa lũ  (17/10/2016)
Thủ tướng kỳ vọng Long An trở thành đầu tàu kinh tế cả nước  (17/10/2016)
Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội  (17/10/2016)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên