TCCSĐT - Ngày 13-9-2016, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Mục đích của Hội thảo nhằm tổng kết chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong vòng 25 năm qua; đánh giá hiệu quả của chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ đổi mới đối với đời sống xã hội ở nước ta nói chung, đời sống tôn giáo nói riêng; cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian tới. Với ý nghĩa đó, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo lần này được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng.

Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước từ năm 1990 đến nay không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Nhìn chung, các văn bản pháp luật đều quán triệt và thể chế hóa khá đầy đủ quan điểm, chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, nhất là những nhiệm vụ, giải pháp giải quyết vấn đề tôn giáo trong thời kỳ mới, bảo đảm tính tương thích với những văn bản luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, trước sự biến đổi mạnh mẽ của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng trong 25 năm qua, chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam cũng bộc lộ một số điểm hạn chế, cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa.

Với hơn 30 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung đi sâu, làm rõ hai vấn đề: 1- Quan điểm đổi mới về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo của Đảng ta từ năm 1990 đến nay; thành tựu và hạn chế trong chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của nước ta trong 25 năm qua; 2- Hiệu quả của chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đối với đời sống xã hội nói chung, đời sống tôn giáo nói riêng; góp ý cho Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để bộ luật này sớm hoàn thiện, được ban hành và đi vào cuộc sống./.