Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 tại Lào
TCCSĐT - Sáng 03-8, tại thủ đô Vientiane đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48) và các Hội nghị liên quan.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, Thứ trưởng Kinh tế đến từ 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nêu rõ kể từ khi thành lập, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên rất nhiều lĩnh vực… Việc tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt lịch sử và hết sức quan trọng đối với tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN, giúp ASEAN trở thành một khu vực cạnh tranh, hội nhập với toàn cầu…
Bên cạnh những thành tựu nói trên, ASEAN vẫn phải hoàn thành chương trình theo Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, bởi việc xây dựng Cộng đồng ASEAN chỉ là điểm khởi đầu của hội nhập kinh tế Khối và ASEAN sẽ còn cần tiếp tục tiến lên phía trước bằng một chiến lược cụ thể.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, với những nhiệm vụ trên, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này có ý nghĩa rất quan trọng; bày tỏ hy vọng các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tập trung sức lực, trí tuệ vào việc trao đổi thảo luận các vấn đề với tinh thần trách nhiệm cao, biến Kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 thành hiện thực.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại thủ đô Vientiane.
Tại Hội nghị lần này, các bộ trưởng kinh tế ASEAN dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề và thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 22 tổ chức tại Chiang Mai (Chiềng Mai, Thái Lan) hồi tháng 3 vừa qua; tập trung thảo luận các kế hoạch hành động gồm 8 ưu tiên của Trụ cột kinh tế ASEAN.
Dự kiến, các kế hoạch hành động trên sẽ được thông qua tại Hội nghị lần này. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ trao đổi các tiêu chí xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đề ra kế hoạch và phương hướng trong tổ chức thực hiện Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Bên cạnh Hội nghị AEM 48, trong các ngày từ 3 đến 6-8, tại thủ đô Vientiane cũng sẽ diễn ra một loạt các Hội nghị liên quan bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực Mậu dịch tự do lần thứ 30 (AFTA 30); Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 19; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế EAS lần thứ 4; Hội nghị cấp bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mekong - Nhật Bản lần thứ 8; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 8 và nhiều Hội nghị tham vấn khác với 9 nước đối tác đối thoại của ASEAN gồm Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc.
** Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 và các Hội nghị liên quan, chiều 03-8 tại thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 19.
Đây là hội nghị để các quan chức phụ trách kinh tế ASEAN thảo luận ý kiến về các vấn đề quan trọng trong việc tổ chức thực hiện Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) thời gian qua và phương hướng tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị, các bộ trưởng nhất trí cho rằng, ACIA là một công cụ quan trọng để hiện thực hóa việc thúc đẩy sự dịch chuyển đầu tư tự do; khẳng định các nước thành viên ASEAN đã có sự chuyển biến nhiều mặt từ bên trong; nhấn mạnh, hiệp định này đã góp phần củng cố môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho đầu tư, tăng độ minh bạch và sự hiệu quả hơn nữa trong tự do hóa thương mại ở khu vực.
Các bộ trưởng đã thống nhất những vấn đề còn lại của Nghị định thư thứ 2 nhằm sửa đổi ACIA, đề nghị các thành viên hoàn thành phần của mình chuẩn bị ký Nghị định thư này tại Hội nghị cấp cao lần thứ 28 tổ chức vào tháng 9 tới tại thủ đô Vientiane; khẳng định những kết quả đạt được là cơ sở cho việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2025./.
Việt Nam hoan nghênh nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông  (03/08/2016)
Phó Thủ tướng: Làm rõ vụ hơn 100 ngôi mộ bị di dời ở Khánh Hòa  (03/08/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Campuchia Hul Phany  (03/08/2016)
Hà Nội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020  (03/08/2016)
Những thiết chế bảo hiến và bảo vệ quyền con người của Vương quốc Na Uy  (03/08/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên