Hà Nội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020
TCCSĐT - Với tỷ lệ biểu quyết đạt 87,62%, kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 5 năm 2016 - 2020.
Theo đó, trong 5 năm tới, Hà Nội đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu gồm công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đầu tư về kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Thành phố đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 gồm tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 từ 8,5 - 9,0%; dịch vụ tăng 7,8 - 8,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10 - 10,5%; nông nghiệp tăng 3,5 - 4%.
Về cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ chiếm 67 - 67,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30 - 30,5%, nông nghiệp là 2,5 - 3,0%; GRDP bình quân/người/năm đạt 140 - 145 triệu đồng (khoảng 6.700 - 6.800 USD); huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là trên 80%...
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề ra một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 - 25% (trong đó đường sắt đô thị là 1 - 3%); tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trong khu vực đô thị đạt 95 - 100%, khu vực nông thôn đạt 90 - 95%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng là 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý là 100.
Hội đồng nhân dân thành phố cũng đồng ý nâng chỉ tiêu sử dụng nước sạch trên toàn địa bàn Thủ đô đến năm 2020 lên mức 100%. Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, nếu 5 năm tới thực hiện được chỉ tiêu này sẽ là tín hiệu đáng mừng, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống người dân Thủ đô.
Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016 và Nghị quyết quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2016 - 2025.
Cũng trong phiên làm việc ngày thứ ba của kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bãi nhiệm do không trung thực trong việc kê khai tài sản khi làm hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa XV nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bên cạnh đó, việc nhập quốc tịch Malta của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Hiến pháp, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật Quốc tịch.
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương và những lý do trên, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét, thống nhất và đưa ra kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân thành phố để xem xét bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đối với bà Hường. Với sự tham gia bỏ phiếu của 96/96 đại biểu, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước với một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô và Nghị quyết về nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV.
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá đây là kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố sau khi Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động với nhiều nội dung quan trọng như thông qua kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020; Phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân Thủ đô của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, sau 3 ngày làm việc tích cực, kỳ họp đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. 6 tháng qua, kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội tiếp tục tăng trưởng và phát triển, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thành phố tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân thành phố thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016, tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.
** Cùng ngày, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã làm việc với ông Nakamuara Tetsunosuke, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật tỉnh Osaka (Nhật Bản). Ông Nakamuara Tetsunosuke cho biết đây là chuyến công tác đầu tiên tại Việt Nam sau 4 năm. Mục đích chuyến công tác lần này gồm ba nội dung chính: tìm hiểu chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thực trạng doanh nghiệp và các doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam để tiến tới mở rộng quan hệ hợp tác và cuối cùng là làm sâu sắc hơn, tăng cường mối quan hệ, giao lưu giữa Hà Nội - Osaka.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố gửi lời chúc mừng tới đoàn nói riêng, cũng như nhân dân và đất nước Nhật Bản nói chung thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tựu khoa học, kinh tế, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới và khu vực châu Á. Chủ tịch Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành quả của đất nước Mặt Trời mọc và những tình cảm, sự hợp tác, hỗ trợ ngày càng lớn mạnh của Nhật Bản dành cho Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết đến nay vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào địa bàn khoảng 24 tỷ USD và đã giải ngân khoảng 20 tỷ; trong đó, phía Nhật Bản là nước có tỷ lệ dự án lớn nhất với 600 dự án, trên 15 tỷ USD. Dự án vay vốn từ Nhật Bản cần kể đến là xây dựng Nhà máy nước sạch công suất 270.000m3 nước/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh hiện nay Hà Nội đang rất nan giải và cấp bách trong vấn đề xử lý rác thải, nước thải, mà thành phố xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong vòng 5 năm tới. Trên địa bàn hiện có 90% rác thải được xử lý theo hình thức truyền thống chôn lấp; xử lý bùn cũng tương tự chủ yếu đổ ra các bãi...
Tỷ lệ người dân ngoại thành được hưởng nước sạch chỉ chiếm 35%, còn lại 65% sử dụng nước từ nước ngầm hoặc qua xử lý thô truyền thống. Vì vậy, Hà Nội đang khuyến khích đầu tư mạnh cho lĩnh vực xử lý rác, nước thải, bùn thải, xử lý nước sạch bằng công nghệ tiên tiến và rất chú trọng vào những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Chính phủ Việt Nam cũng như Hà Nội thời gian gần đây đã có nhiều cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp, nhưng tới đây sẽ được làm mạnh mẽ hơn, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh được tính bằng con số vài tuần trở xuống.
Nhật Bản có thế mạnh trong xử lý nước ao hồ, sông suối nên cần quan tâm hơn lĩnh vực này ở Hà Nội, khi đầu tư xong đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ hợp đồng trả tiền cho mỗi đơn vị đo lường sau khi đã xử lý. Ví dụ, xử lý rác bằng công nghệ đốt thì tiền phí dự kiến khoảng 20 - 30 USD/tấn rác.
Trước câu hỏi của các thành viên đoàn Nhật Bản rằng các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội sẽ có những thuận lợi gì, ưu đãi gì, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ ưu đãi chỉ thu 50% tiền thuê sử dụng đất, miễn 11 năm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều quyền lợi hỗ trợ cho người lao động nơi đây.
Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội đã được làm khá hoàn chỉnh, đi lại thuận tiện, nhất là các tuyến quan trọng như Quảng Ninh - Hà Nội; Hải Phòng - Hà Nội; Lào Cai - Hà Nội; Ninh Bình - Hà Nội và cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài có thể đi thẳng nhiều nước trên thế giới.
Tới đây, Hà Nội đang dự kiến kêu gọi đầu tư tám tuyến đường sắt đô thị, xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5 và nhiều cây cầu bắc qua các dòng sông, cũng như nhiều lĩnh vực như chế biến nông nghiệp sạch, lĩnh vực du lịch.
Tại buổi tiếp đoàn của đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố cũng đề nghị hai tỉnh Osaka và Hà Nội cần mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai bên; tăng cường hơn việc trao đổi kinh nghiệm lập pháp, cũng như ở nhiều lĩnh vực mà Hà Nội đang cần đào tạo cho cán bộ tại Nhật Bản./.
Những thiết chế bảo hiến và bảo vệ quyền con người của Vương quốc Na Uy  (03/08/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Hải Phòng  (03/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay