Một số giải pháp phát triển ngành thương mại, chế biến các sản phẩm nông nghiệp
TCCSĐT - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế và chịu sự tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, rất cần đầu tư và có chính sách đầu tư thích hợp cho các doanh nghiệp về thương mại và chế biến nông, lâm, thủy sản.
Thực trạng hoạt động chế biến các sản phẩm nông nghiệp
Cả nước có khoảng 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản, trên 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Phần lớn cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, muối được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu tập trung ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công nghiệp chế biến đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và hình thành các thị trấn, thị tứ dịch vụ, phục vụ sản xuất.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành thương mại, chế biến trong nông nghiệp, nông thôn đã có đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước, tiếp tục góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, làm cho cán cân kim ngạch xuất, nhập khẩu bớt nhập siêu, nhiều hàng hóa nông, lâm, thủy sản đã mở rộng tới các thị trường lớn, mới trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đã tạo nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ chế biến hiện đại trên thế giới, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của nước ta hội nhập sâu vào thị trường quốc tế. Hiện nay, ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực (cà phê, cao su, gạo, điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, rau, quả, chè, thủy sản), đã có mặt ở hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 9 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, rau, quả, thủy sản) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Đặc biệt, một số mặt hàng có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới, như điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất); cà-phê (đứng thứ hai); gạo (đứng thứ ba) và thủy sản (đứng thứ 4). Do đó, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua (năm 2015 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với trước khi Việt Nam tham gia WTO năm 2006).
Song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực vào thị trường quốc tế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp) cũng được hài hòa hóa và hội nhập với thị trường quốc tế, tạo điều kiện trao đổi thương mại cả hai chiều giữa Việt Nam và thị trường quốc tế không ngừng tăng trưởng trong thời gian qua.
Theo đánh giá của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam nằm trong số các nước có ngành nông nghiệp phát triển với tốc độ nhanh và hiện đang là một trong các nước có giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới.
Nhờ tác động tích cực của chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự quan tâm, vận dụng chính sách hỗ trợ người dân mua máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp của các địa phương đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực canh tác và thu hoạch lúa, hiệu quả đạt được cao hơn hẳn so với lao động thủ công.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong chế biến sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Trong đó, đáng chú ý là những hạn chế, như tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao; nhiều sản phẩm có chất lượng chưa cao, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giá thành sản xuất cao, giá bán thấp; việc đầu tư cho công nghệ thu hoạch, bảo quản còn thấp dẫn đến sản phẩm không đồng đều cả về quy cách lẫn chất lượng; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn nhiều hạn chế; việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; công tác thương mại và xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn mang nhiều tính rủi ro…
Một số giải pháp phát triển
Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ
Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng bảo đảm nguyên liệu “đầu vào” cho chế biến công nghiệp, đồng thời là cơ sở để bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm. Trước mắt, triển khai có kết quả Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Cần thực hiện “liên kết ngang” giữa các hộ nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, cùng trà, cùng giống chất lượng cao; tổ chức, hình thành các “liên kết dọc” gắn doanh nghiệp với nông dân. Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất sản phẩm theo từng khâu. Thực hành sản xuất nông nghiệp có chứng chỉ, đưa tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác (ASC, 4C, RainForest...). Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đồng bộ với việc cải tạo đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác khuyến nông để nhân rộng các mô hình sản xuất tiến tiến.
Giảm tổn thất sau thu hoạch
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% mức tổn thất trong sản xuất nông nghiệp so với hiện tại. Đối với từng ngành hàng cụ thể, cần tập trung vào các giải pháp sau: 1- Đối với lúa gạo: sử dụng thu hoạch bằng máy liên hợp; nâng cao năng lực sấy và bảo quản lúa, hình thành hệ thống kho chứa đạt chuẩn kỹ thuật; 2- Đối với cà phê: xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao và có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến; thực hiện thu hái quả chín theo tiêu chuẩn Việt Nam; phơi đúng quy trình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật sấy cà phê quả tươi; 3- Đối với chè: giảm suy giảm chất lượng trong việc thu hái, vận chuyển, bảo quản chè nguyên liệu, gắn kết các doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu; 4- Đối với thủy sản: tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong khai thác thủy sản, đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác; 5- Đối với rau quả: đầu tư công nghệ bảo quản rau quả, nhất là các loại quả có lợi thế xuất khẩu, như thanh long, xoài, chôm chôm, vải… đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các thị trường khó tính; 6- Đối với muối: áp dụng khoa học - công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến muối, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch...
Nâng cao chất lượng, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường
Trên cơ sở thị trường, đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đối với từng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Rà soát lại hệ thống chế biến công nghiệp, loại bỏ những doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và xử lý môi trường. Cải thiện hình thức bao bì, mẫu mã, đóng gói gạo thương phẩm chất lượng cao tiêu thụ nội địa.
Sử dụng có hiệu quả phế phụ phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ
Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như: 1- Trong sản xuất lúa, gạo chú ý chế biến các sản phẩm sau gạo; phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa, gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị, như củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi,… góp phần bảo vệ môi trường; sử dụng rơm để làm nấm rơm; đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt; làm phân hữu cơ,... 2- Trong chế biến thủy sản, cần đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, như can-xi hoạt tính, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân, các chất có hoạt tính sinh học cao,… 3- Trong chế biến gỗ, cần tận dụng triệt để củi cành ngọn, mùn cưa... tạo các viên ép làm chất đốt, tinh dầu; phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất các phụ tùng, linh kiện lắp ráp đồ gỗ, nâng cao trình độ thiết kế mẫu sản phẩm,....; 4- Trong sản xuất muối, cần tận thu các sản phẩm phụ (thạch cao; nước ót) để nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường
Triển khai sớm một số thương hiệu quốc gia gắn với các sản phẩm chủ lực trên cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng, đủ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gắn với thương hiệu.
Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thị trường tiêu thụ sản phẩm trên các mặt: sức mua (thị phần); yêu cầu chất lượng, mẫu mã (thị hiếu); giá cả và các rào cản thương mại. Phân loại thị trường theo từng nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, để có cơ sở điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chủng loại chế biến với phẩm cấp phù hợp.
Xúc tiến thương mại, tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến ở phân khúc giá trị gia tăng cao sang các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a… tháo gỡ rào cản thuế quan và rào cản kỹ thuật của các nước. Phát triển thị trường tiềm năng, thị trường “ngách” nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong đó đặc biệt lưu ý thị trường Trung Quốc vốn có sức thu hút lớn.
Xây dựng chính sách, các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường nội địa. Hiện đại hóa hạ tầng thương mại nội địa, bao gồm: các sàn đấu giá, hệ thống bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng trong nước (nhất là đối với rau, quả; cà phê; gạo; thủy sản chế biến...), tăng thị phần tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm chế biến sâu và làm chỗ dựa cho xuất khẩu bền vững.
Rà soát các hiệp định đa phương và song phương giữa nước ta với các quốc gia và vùng lãnh thổ (6 hiệp định), tiếp tục đàm phán với các đối tác nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ Việt Nam, tạo điều kiện để các mặt hàng tinh chế của Việt Nam có thể thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại hàng nông, lâm, thủy sản; điều hành quản lý xuất, nhập khẩu linh hoạt để vừa thực hiện đúng các cam kết với các tổ chức quốc tế và các quốc gia mà Việt Nam đã ký, vừa bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.
Về phát triển nguồn nhân lực
Tổ chức đào tạo cán bộ đầu ngành về thương mại, chế biến nông, lâm, thủy sản và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân quản lý doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản để có khả năng quản trị tốt, hội nhập được với môi trường quốc tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, tiên tiến của ngành. Chú trọng phát triển mô hình đào tạo tại chỗ, thu hút lực lượng lao động trẻ, có văn hóa ở nông thôn vào các cơ sở chế biến đóng trên địa bàn.
Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ. Lồng ghép các chương trình đào tạo khác nhau, trước mắt thực hiện tốt Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ.
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách
Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của từng ngành hàng.
Về quản lý đất đai, đơn giản hóa, minh bạch các thủ tục cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện tích tụ, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; xây dựng các quy định cụ thể, cơ chế để nông dân được góp vốn cổ phần vào doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất; ưu tiên cấp đất, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm vào các cụm công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sấy - bảo quản - chế biến công nghiệp giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đối với đầu tư cho nông nghiệp, tăng cường đầu tư của Nhà nước và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thương mại, chế biến nông, lâm, thủy sản; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm, hợp tác liên kết sản xuất với nông dân, bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định và phát triển bền vững.
Chính sách thuế và tín dụng cần sửa đổi áp dụng các mức thuế phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào thương mại, chế biến nông, lâm, thủy sản; điều chỉnh lãi suất vốn vay đầu tư phát triển ở mức phù hợp theo như các nước tiên tiến trên thế giới, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; xúc tiến nhanh việc thí điểm thành lập các quỹ phát triển ngành hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm đủ nguồn tín dụng cho vay trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản với cơ chế thông thoáng, lãi suất vay phù hợp; thí điểm cho vay bằng hình thức tín chấp đối với các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với nông dân trong một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực (lúa, gạo, cà phê, cao su…); xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, tạo điều kiện giải ngân tiếp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình vay vốn lưu động và đầu tư trước đây.
Về khoa học và công nghệ, cần ưu tiên bố trí vốn cho các lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thiết bị bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch; xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích các cơ sở nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp thực hiện các đề tài có tính ứng dụng cao, gắn kết quả nghiên cứu với sản phẩm cuối cùng; hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” và doanh nghiệp vệ tinh, trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả; ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua công nghệ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 25-7 đến ngày 31-7-2016)  (03/08/2016)
Cầu nối hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương của Lào  (03/08/2016)
Khối thi đua các cơ quan của Đảng: Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016  (03/08/2016)
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%  (03/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay