TCCSĐT- Ngày 16 -7-2016, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự hội thảo có gần 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, đánh giá kết quả triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, trong đó tập trung làm rõ những vấn đề từ định hướng, cơ chế, chính sách đến việc triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất tại các địa phương, đơn vị tham gia trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, trao đổi những kinh nghiệm, mô hình tại các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch,… đối với những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Thứ ba, đề xuất những giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các chủ đề về: Thực trạng và giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long; Chính sách tín dụng ngân hàng khuyến khích phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Những vấn đề cần quan tâm trong việc triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất lúa gạo, trái cây, rau quả ở đồng bằng sông Cửu Long; Kinh nghiệm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại một số doanh nghiệp; …

Theo nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất, xuất khẩu nông - thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp quốc gia. Tuy có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển nông nghiệp của vùng nhưng nhìn chung, thời gian qua khoa học - công nghệ vẫn chưa thể hiện rõ vai trò là động lực, là đòn bẩy trong việc nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của nhiều loại nông - thủy sản chủ lực của vùng trên thị trường trong và ngoài nước, việc triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập.

Những khó khăn, bất cập nổi lên đáng quan tâm là: Sản xuất quy mô nhỏ, manh mún theo từng nông hộ, tổ chức sản xuất nông nghiệp không đồng bộ nên khó ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên quy mô lớn; thiếu gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp chưa tích cực tham gia vào hoạt động liên kết nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; mối liên kết “bốn nhà” giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước chưa chặt chẽ; các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp hoạt động kém hiệu khiến cho việc kết nối với doanh nghiệp, các cơ quan khoa học triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ chưa đạt kết quả như mong muốn; một số chính sách hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ chưa được triển khai đồng bộ, khó đi vào thực tiễn cuộc sống;…

Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới:

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học - công nghệ với doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất- tiêu thụ nông thủy sản.

- Tạo điều kiện, môi trường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để cải tiến sản xuất; chủ động đặt hàng, đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học - công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ nông nghiệp quy mô lớn, đảm nhận vai trò truyền dẫn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của cả vùng.

- Nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng an tâm đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp để các tổ chức tín dụng an tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Các tỉnh, thành phố trong vùng tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi giá trị và có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp triển khia, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường.

- Củng cố, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp theo hướng trở thành đầu tàu kinh tế ở địa phương; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến để hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, lãnh đạo Ngân hàng BIDV đã ký cam kết tài trợ 05 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu lai tạo giống mới, phát triển chuỗi giá trị, xử lý phụ phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, cây ăn trái./.