TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 14-7-2016. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Bạch Đằng (15-7-1926 - 15-7-2016).

Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhà nghiên cứu, đặc biệt có sự tham dự của bà Trần Hồng Ánh, con gái của đồng chí Trần Bạch Đằng.

Đọc báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Lịch sử cách mạng hào hùng dân tộc Việt Nam mãi khắc ghi công lao của những chiến sĩ cộng sản; những người lãnh đạo tài năng, đức độ, bản lĩnh, trí tuệ, được rèn luyện trong lửa đỏ, cùng tập thể vững vàng lèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua gian khổ đi đến thắng lợi cuối cùng. Và, một trong những người lãnh đạo như vậy là đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Phó Ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh, kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng là dịp để tôn vinh một tấm gương tiêu biểu, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, một chiến sĩ cách mạng hiến thân trọn đời cho lý tưởng cộng sản, một nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn nhạy bén, luôn mẫn cảm cùng thời cuộc, tấm gương tự học, có nhiều trải nghiệm thực tiễn. Hội thảo ý nghĩa này sẽ làm sáng tỏ thêm những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Bạch Đằng trong sự nghiệp cách mạng để chúng ta tưởng nhớ, biết ơn, học tập đồng chí.

Người cộng sản dồi dào năng lực cống hiến cho cách mạng

Tiếp đó, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo từng là đồng nghiệp, từng được tiếp xúc, làm việc với đồng chí Trần Bạch Đằng đã bày tỏ sự kính trọng; nêu bật tài năng, sự kiên trung và ghi nhận những cống hiến của đồng chí đối với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.

Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phan Minh Tánh cho biết: Đồng chí Trần Bạch Đằng (bí danh là Tư Ánh) tên thật là Trương Gia Thiều, sinh năm 1926 tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; mất năm 2007. Tham gia cách mạng từ năm 1941, đồng chí Trần Bạch Đằng là một nhà cách mạng lão thành của Đảng, giàu nghị lực, bản lĩnh, cương trực, trung kiên, là nhà hoạt động thực tiễn, năng động, sáng tạo, luôn phát hiện những vấn đề mới, mang tính lý luận gắn với thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam; là nhà văn, nhà thơ, nhà báo danh tiếng. Đặc biệt, đồng chí Trần Bạch Đằng có công rất lớn, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng, cho đất nước và chăm lo bồi dưỡng đối với thế hệ trẻ.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải khẳng định: Cuộc đời của đồng chí Trần Bạch Đằng vô cùng phong phú và oanh liệt, gắn liền với cách mạng miền Nam, đồng chí luôn đứng ở những nơi đầu sóng ngọn gió của cách mạng, hứng chịu hòn tên, mũi đạn từ phía quân thù và trên mặt trận tư tưởng hết sức cam go, quyết liệt, sôi động. Vào những thời khắc quyết định của sự nghiệp cách mạng tại thành phố này, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, và những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới, đồng chí Trần Bạch Đằng đã trải nghiệm gian nan, nhưng hết sức hào hùng và có những đóng góp quan trọng cho Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Bạch Đằng luôn kiên định lý tưởng của Đảng, độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội - sống, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đến giây phút cuối cùng. Kinh qua phong ba bão táp của hai cuộc kháng chiến, đương đầu với hiểm nguy, vượt qua khó khăn, gian khổ, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, khẳng khái đề xuất những giải pháp thiết thực, có hiệu quả, góp phần vào thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.

Các ý kiến tham luận còn khẳng định, trong những tháng ngày gian khổ trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay tại sào huyệt của địch, những đòn roi tra tấn trong ngục tù của kẻ thù và cả trước những khúc quanh gian truân của cuộc đời không làm lay chuyển được ý chí của người chiến sĩ cộng sản, nhà chính trị Trần Bạch Đằng. Đến những giây phút cuối cuộc đời, đồng chí vẫn nghĩ về trách nhiệm với Đảng, trăn trở, đau đáu lo cho dân, cho nước.

Luôn bảo vệ chân lý, lẽ phải và gần gũi dễ mến

Nhớ lại những kỷ niệm khi cùng được làm việc, tiếp xúc với đồng chí Trần Bạch Đằng, đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết: Đồng chí Trần Bạch Đằng có một khả năng làm việc phi thường, ở ông có một sức đọc, sức viết, sức suy nghĩ ít người sánh được; đồng chí không chỉ viết khỏe, viết nhanh mà còn viết hay, hấp dẫn. Đồng chí không ngại lên tiếng bệnh vực, bảo vệ chân lý, lẽ phải; dám nói những lời phê bình mạnh mẽ. Đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định: Đồng chí Trần Bạch Đằng là một con người dồi dào năng lực cống hiến, năng lực sáng tạo; vô cùng nhạy cảm trước cuộc sống, nhất là trước cái mới; một người đã để lại những dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, không chỉ là báo chí, văn học nghệ thuật. Trên hết đồng chí là người cộng sản đã hiến dâng tất cả sức lực, tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Khi ta đến gần ông, ta không bị mặc cảm bởi sự nhỏ bé của mình, mà dường như ta lại được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vào việc, chẳng có ai nhỏ bé ở trên đời. Có lẽ một người thực sự lớn phải là như vậy, vẫn giữ nguyên cốt cách, tầm cỡ của mình nhưng cũng luôn nâng cuộc đời này lên gần mình chứ không bao giờ làm thấp đi sự sống xung quanh.

Đồng tình với các quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, đồng chí Trần Bạch Đằng mang tính cách điển hình của sĩ phu Nam Bộ, của trí thức người Việt, luôn lấy trí nghĩa làm đầu, luôn lấy tinh thần yêu nước thương nòi làm thước đo phẩm giá. Suốt đời mình, Trần Bạch Đằng luôn ý thức về sự bảo toàn nhân cách, nếp tư duy và nhịp điệu tâm hồn của mình trong mọi biến thiên của thời cuộc, trong mọi va đập, đấu tranh. Trí tuệ mẫn tiệp và vốn sống cũng như tri thức sách vở rộng lớn đã giúp ông trong các hoạt động vô cùng phong phú của mình. Và không những thế, thường xuyên đưa ra được những gợi mở xác đáng và giàu triển vọng.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo khẳng định, đồng chí Trần Bạch Đằng là một trong những tấm gương sáng trong chiến đấu, lao động và học tập, đồng chí đã để lại một di sản về lý luận, một nhà cách mạng, một chiến sĩ dày dạn trên mặt trận tư tưởng, Trần Bạch Đằng đã dành nhiều tâm huyết và công sức cho những suy ngẫm về những vấn đề trọng đại của đất nước, về những người đi trước. Đồng chí đã có nhiều dịp để gần gũi với nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng ta và những ký ức, những ngẫm ngợi về các đồng chí ấy đã giúp ông đúc kết được không ít điều bổ ích cho hôm nay và mai sau. Và cũng vì thế, đồng chí Trần Bạch Đằng là người thật hạnh phúc, xứng đáng được đón nhận những tình cảm, lòng biết ơn và quý trọng lớn lao của mọi người.

Phát biểu Kết luận Hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Các thế hệ Thành phố hôm nay quyết tâm phát huy giá trị lịch sử những phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam trong thời đại mới; nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức trình độ về nhiều mặt. Tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, cách mạng và nhân dân lên trên hết, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo dám chịu trách nhiệm trong việc đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.