Tham nhũng gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng trong 10 năm qua
Ngày 12-7, Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức tại Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
10 năm, tham nhũng gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất
Báo báo tại Hội nghị nêu rõ 10 năm qua, toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai hàng nghìn cuộc thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực.
10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất; trên 4.670 tỷ đồng và hơn 219ha đất đã được thu hồi.
Tại hội nghị, các tham luận chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đó là thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin-cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức-cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.
Bên cạnh đó là bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao.
Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hạn chế. Bên cạnh đó, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý.
Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu (10 năm qua xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp). 10 năm qua mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Quy định của pháp luật về nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi.
Các đại biểu cho rằng công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn. Tuy nhiên, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn nhất định, có ảnh hưởng và quan hệ phức tạp, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, khó khăn ngay từ công tác phát hiện và trong quá trình điều tra, thu hồi tài sản tham nhũng. Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập và biện pháp kê khai tài sản còn mang tính hình thức khiến việc xác định tài sản tham nhũng và chứng minh hành vi tham nhũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, về phía cơ quan điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ rõ trình độ, năng lực phát hiện, khởi tố, điều tra của một số cán bộ điều tra viên, trinh sát và đơn vị được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng của lực lượng Công an còn có những hạn chế nhất định, nhất là thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và kiến thức về các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật.
Nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thiếu tính khả thi
Qua 10 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã hình thành và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng mang tính hình thức, thiếu tính khả thi.
Hội nghị nhất trí việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Nhiệm vụ chính của Luật Phòng, chống tham nhũng là tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã có tạo khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu, theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc. Hoàn thiện các trụ cột căn bản để xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, sửa đổi quy định về tặng quà, nhận quà, chuyển đổi vị trí công tác theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng cần theo hướng nếu người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được biểu dương, khen thưởng. Nếu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ hậu quả để xử lý theo quy định.
Hoàn thiện pháp luật và khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế xã hội để phòng, chống tham nhũng
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật là việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai khá đồng bộ.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai trên diện rộng tới từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhiều nội dung phòng ngừa tham nhũng liên quan đến quy định của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là việc quản lý, xử lý người đứng đầu, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, kê khai tài sản, thu nhập...
Các cơ quan quản lý nhà nước đã điều phối có hiệu quả, tạo được sự phối hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện, nên từng bước đưa các hoạt động phòng ngừa tham nhũng vào nền nếp và ngày càng được tổ chức thực hiện tốt hơn trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng chỉ rõ tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng: Quản lý tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường tài chính, ngân hàng; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế...
Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng; tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nghiên cứu đầy đủ các nội dung hạn chế, vướng mắc về thể chế, chính sách đã được rút ra qua tổng kết và những phương án đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Dịp này, 10 cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 4 nội dung giám sát chuyên đề  (12/07/2016)
Thắt chặt quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào  (12/07/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến ngày 10-7-2016)  (12/07/2016)
Kinh tế Nga đã thoát khỏi “vùng xám”?  (12/07/2016)
Thanh tra, xử lý nghiêm cơ quan báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp  (12/07/2016)
Việt Nam hoan nghênh PCA ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông  (12/07/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên