Kinh tế Nga đã thoát khỏi “vùng xám”?

Việt Hà
23:06, ngày 12-07-2016

TCCSĐT - Gần hai năm qua, bắt đầu từ giữa năm 2014 khi Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng U-crai-na, nền kinh tế Nga luôn trong tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, tính đến hết quý I-2016, tình hình đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Các số liệu phân tích hiệu quả kinh tế Nga gần đây cho thấy đã có sự dịch chuyển khá lạc quan. Các nhà phân tích kinh tế trong và ngoài nước Nga cũng khá tự tin khi dự đoán rằng, thời điểm kinh tế Nga tăng trưởng trở lại đang đến gần.

Tín hiệu lạc quan

Gần đây, các quan chức kinh tế trong chính phủ Nga nhấn mạnh rằng, sự suy thoái của kinh tế Nga đã bắt đầu dừng lại. Nửa cuối tháng 5-2016, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga A. U-ly-kai-ép tuyên bố, nền kinh tế Nga đã thoát khỏi tình trạng suy thoái của quý III-2015. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 0,2% trong quý I-2016 (loại trừ yếu tố mùa vụ) so với quý IV-2015. Theo Rosstat (Cơ quan thống kê Liên bang Nga), tính đến hết Quý I-2016, GDP của Nga giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước(1). Đây là những chỉ số có phần khả quan hơn. Bởi, trước đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo, GDP của Nga trong quý I-2016 sẽ suy giảm khoảng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như vậy, Bloomberg dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ giảm 2% trong quý I-2016(2). Như vậy, sau khi kinh tế Nga tăng trưởng -3,7% trong năm 2015 thì nhìn từ các con số biết nói trên, đây có thể coi là một bước tiến lớn đối với kinh tế nước này.

Nhiều chuyên gia phân tích độc lập cũng đã bắt đầu đưa ra các dự báo tích cực đối với nền kinh tế Nga. Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, nền kinh tế Nga đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, dựa trên các đánh giá của tổ chức này trong quý I-2016. Trong khi ngành công nghiệp Nga suy giảm gần 3,3% trong năm 2015, thì ngược lại, ngành nông nghiệp nước này lại tăng trưởng 3% trong cùng thời kỳ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mỳ của Nga đã tăng lên 23,5 triệu tấn, tăng nhanh hơn cả Mỹ và Ca-na-đa(3). Và như vậy, Nga đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, mở đường cho các ngành trồng trọt khác của Nga, như ngô, lúa, đậu nành và kiều mạnh cùng phát triển. Ngoài ra, việc Nga gia tăng đầu tư vào ngân sách quốc phòng, ở khía cạnh nào đó lại có lợi cho kinh tế Nga. Gia tăng trong chi tiêu quân sự và quốc phòng như sản xuất tàu, máy bay, tàu vũ trụ và các phương tiện vận tải khác là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga phát triển, góp phần tích cực vào cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP.

Kỳ vọng từ những con số

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Nga đang khuyến khích các nhà kinh tế đưa ra các dự báo lạc quan hơn. Kinh tế Nga đã chạm đáy và ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt được như hiện nay thì tăng trưởng GDP năm 2016 của Nga sẽ không quá mức ảm đạm. Một số nhà phân tích còn kỳ vọng kết quả thực tế sẽ khả quan hơn nhiều. Điều này được lý giải: trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế Nga, quý I-2016 chỉ có phân khúc bán lẻ là suy giảm (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng trong các lĩnh vực khác như xây dựng và giao thông vận tải ổn định, trong khi lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn so với quý IV-2015. Vì vậy, nếu lĩnh vực thương mại bán lẻ ngừng suy giảm, các lĩnh vực khác của nền kinh tế vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 của Nga có thể sẽ còn khả quan hơn cả các dự báo trước đó.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga tin rằng, sản xuất công nghiệp trong năm 2016 sẽ có kết quả tích cực. Dữ liệu phân tích của Rosstat cũng cho thấy, lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, hóa chất, khí đốt, ngành công nghiệp hóa dầu, sản xuất phân bón và một số loại thiết bị đang có dấu hiệu tăng trưởng. Nhìn chung, tính đến hết tháng 4-2016, sản xuất công nghiệp đã tăng lên 0,5% so với cùng kỳ năm 2015(4).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, GDP của Nga sẽ tăng 1% trong năm 2017 do giá dầu ổn định và tình hình tài chính Nga được cải thiện(5). Tốc độ suy giảm kinh tế Nga sẽ chậm lại do biện pháp được thực hiện bởi chính phủ đã phát huy hiệu quả, bao gồm cả việc thực hiện một tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, tăng cường tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, kích thích tài chính hạn chế... Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cũng lạc quan về triển vọng nền kinh tế Nga và lưu ý rằng, sự suy giảm trong nền kinh tế Nga sẽ được thay thế bởi sự tăng trưởng trong vòng 18 tháng tới.

Đi tìm lời giải

Bộ Phát triển Kinh tế Nga hiện đã hoàn thiện dự thảo dự báo kinh tế vĩ mô cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo ước tính của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, GDP của Nga dự kiến tăng trưởng 4% - 4,5%/năm, bắt đầu từ năm 2019(6). Số liệu dự báo này được căn cứ vào các nghiên cứu trước đó đã được công bố bởi cựu Bộ trưởng Tài chính A. Cu-đrin và Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế A. U-ly-kai-ép. Cả hai nhà kinh tế này đều cho rằng, do nguồn thu từ dầu khí thấp, chi phí của chính phủ nên được cắt giảm nhằm giới hạn tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong khi mức lương thực tế vẫn được cải thiện. Ngoài ra, Nga có thể huy động mọi nguồn lực bổ sung như thu hút nguồn tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, tư nhân hóa các tài sản nhà nước để vực dậy nền kinh tế.

Ông A. Cu-đrin tự tin đề nghị phải khơi thông chính sách để sử dụng nguồn lực nội tại của các công ty Nga nhằm phát triển nền kinh tế. Theo ông A. Cu-đrin, các công ty Nga đã tích lũy được một số vốn nhàn rỗi, nằm trong các tài khoản ngân hàng của họ. Vì vậy, các công ty này hiện có đủ vốn để phân bổ cho các khoản đầu tư cần thiết. Lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong nước Nga năm 2015 (không bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các tổ chức ngân sách nhà nước) tăng 53,1%, đạt khoảng 8,4 nghìn tỷ Rúp(7), mang đến một khoản dự trữ nhàn rỗi cho nền kinh tế Nga. Trong năm 2016, xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua lần thứ 20 (SPIEF 2016) diễn ra từ ngày 16 đến 18-6 vừa qua, đã có ít nhất 332 thỏa thuận chính thức trị giá khoảng 1 nghìn tỷ rúp (tương đương 15,44 tỷ USD) được ký kết(8). Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nga. Tại diễn đàn này, Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, thay thế nhập khẩu là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy nước Nga trở thành một đối tác bình đẳng trong các liên kết kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến nghị rằng, để nền kinh tế Nga tăng trưởng bền vững, việc cải cách cơ cấu hiện nay là cần thiết. IMF cho rằng, điều này sẽ có lợi cho Nga khi chính phủ quyết tâm tiến hành cải thiện cơ cấu của thị trường lao động trong nước; tư nhân hóa các ngành, nghề được lựa chọn; đầu tư công khai minh bạch và hiệu quả; siết chặt quản lý hải quan; cắt giảm các rào cản thương mại... Nước Nga cần một cải cách quy mô lớn về cơ cấu nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp làm ăn, tăng cường đầu tư và sản xuất.

Nền kinh tế của Nga rõ ràng đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy giảm của giá dầu, cùng với đó là những biện pháp thắt chặt bao vây cấm vận từ Mỹ và phương Tây. Do vậy, nhận định về việc liệu nền kinh tế Nga đã thực sự thoát khỏi “vùng xám”, và sự suy giảm trong nền kinh tế Nga sẽ còn kéo dài bao lâu không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố như sự phát triển của thị trường năng lượng thế giới, mức độ cải thiện quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU)... mà còn phụ thuộc phần nhiều vào quyết tâm cải cách cơ cấu nền kinh tế Nga./.

-------------------------------------------

(1), (2), (4), (5), (6), (7): When will the Russian economy finally emerge from recession?, http://www.russia-direct.org/analysis/when-will-russian-economy-finally-emerge-recession, ngày 31-5-2016

(3): Russia's Economy in 2016, http://thediplomat.com/2016/05/russias-economy-in-2016/, ngày 11-5-2016

(8): Over $15 bln worth of deals signed at SPIEF 2016 - organizing committee, http://tass.ru/en/economy/883343, ngày 18-6-2016