Hội nghị thượng đỉnh NATO nhất trí tăng cường khả năng răn đe, phòng thủ
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Gien Xtôn-ten-bớc) khẳng định tổ chức quân sự này vẫn là "nguồn an ninh cơ bản" cho sự ổn định của thế giới. Ông nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là hội nghị lịch sử, diễn ra vào thời điểm mang tính quyết định về vấn đề an ninh. Theo Tổng Thư ký, NATO cần phải điều chỉnh trong một thế giới biến động với nhiều thách thức và hội nghị tại Vácsava đã cho thấy sự đoàn kết và thống nhất của khối.
Tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía Đông
Kết thúc ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía Đông của khối bắt đầu từ năm 2017 với 4 tiểu đoàn đóng luân phiên tại Ba Lan, Estonia, Látvia và Lítva. NATO cũng nhất trí tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đông Nam, đẩy mạnh phòng thủ mạng, công nhận không gian mạng là mặt trận tác chiến mới.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg cho biết ngày 08-7, lãnh đạo các nước NATO đã nhất trí triển khai lực lượng đa quốc gia tới các nước Baltic và Ba Lan, đồng thời giao nhiệm vụ cho đại sứ các nước này giải thích về biện pháp trên với Moskva vào tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Stoltenberg nói rằng các tiểu đoàn được triển khai sẽ rất mạnh và mang tính đa quốc gia. Theo ông, việc triển khai nhằm thể hiện rõ rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh sẽ được coi là cuộc tấn công vào toàn thể NATO. Ông Stoltenberg nói: “Song song với việc tăng cường răn đe và phòng thủ, chúng tôi tiếp tục theo đuổi đối thoại mang tính xây dựng với Nga. Nước này không thể và không nên bị cô lập... Chúng tôi sẽ thông báo với Nga về các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh".
Bốn tiểu đoàn được NATO triển khai sẽ do Mỹ, Đức, Anh và Canada đứng đầu. Theo ông Stoltenberg, sự hiện diện của các tiểu đoàn ở sườn phía Đông sẽ được duy trì chừng nào còn cần thiết và không bị giới hạn về thời gian. Biện pháp này là một thành tố trong quá trình áp dụng khả năng răn đe và phòng thủ toàn diện hơn của NATO do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo kế hoạch, 4 tiểu đoàn tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan có số lượng mỗi đơn vị từ 800 - 1.200 người.
Trước đó, ngày 07-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ma-ri-a Da-kha-rô-va) nhấn mạnh sẽ không có chuyện Nga "bỏ qua không có lời đáp trả" đối với kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự tại sườn phía Đông của NATO. Theo bà Zakharova, nội dung thảo luận chính của cuộc họp sắp tới giữa Nga và NATO dự kiến vào ngày 13-7 tới sẽ là về những quyết định của NATO về tăng cường hoạt động tại sườn phía Đông của khối này và những hậu quả đối với mọi khía cạnh của an ninh châu Âu.
Một vấn đề cũng gai góc trong quan hệ Nga - NATO đó là việc kết nạp Ukraine váo khối. Về vấn đề này, ngày 09-7, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đang có được những bước tiến lớn trong cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh quân sự này song việc xem xét kết nạp nước này làm thành viên không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này tại thủ đô Vacsava của Ba Lan.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Bê-tờ-rô Bô-rốt-xen-cô), Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ tập trung vào quá trình hỗ trợ giúp Ukraine đáp ứng được các tiêu chuẩn của liên minh quân sự này. "Việc xem xét tư cách thành viên của Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự lần này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị cho Ukraine, hỗ trợ thiết thực để tạo điều kiện cho họ tiến lên và sau đó, chúng tôi mới thảo luận việc kết nạp Ukraine làm thành viên", quan chức này nói.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Poroshenko đã đảm bảo rằng Ukraine sẽ là một đối tác năng động của NATO, đồng thời cho biết các cuộc thảo luận diễn ra trong ngày 09-7 cho thấy "sự ủng hộ mạnh mẽ" của toàn bộ 28 quốc gia thành viên NATO dành cho Kiev.
Kế hoạch ổn định với việc hỗ trợ cho các đối tác
Trong ngày thứ hai, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua kế hoạch ổn định với việc hỗ trợ cho các đối tác. Bên cạnh đó, NATO cũng quyết định triển khai các máy bay do thám AWACS giúp thu thập thông tin cho lực lượng liên quân chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng; nhất trí mở rộng sự hiện diện của hải quân ở Địa Trung Hải.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ quân sự cho liên quân do Mỹ đứng đầu chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria và Iraq. Các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên NATO đã nhất trí về nguyên tắc việc điều các máy bay do thám tới hỗ trợ liên minh chống IS. Ngoài ra, NATO sẽ bắt đầu các khóa huấn luyện và chương trình nâng cao kĩ năng cho binh sỹ Iraq. Theo ông Stoltenberg, việc huấn luyện cho các lực lượng địa phương sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc triển khai một số lượng lớn binh sỹ NATO tới các mặt trận này. Bên cạnh đó, liên quan tới cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, NATO cũng dự định sẽ tiến hành chiến dịch hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) trong việc ngăn chặn các hoạt động vận chuyển người trái phép qua Địa Trung Hải.
Các nhà lãnh đạo NATO, Afghanistan và các đối tác cũng nhất trí tiếp tục triển khai sứ mệnh hỗ trợ ở quốc gia Tây Nam Á sau năm 2016, đồng thời cam kết hỗ trợ cho các lực lượng Afghanistan tới năm 2020.
Bên lề hội nghị, Tổng Thư ký Stoltenberg đã ký Tuyên bố chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu (EC), cam kết đưa quan hệ NATO và Liên minh châu Âu (EU) lên một tầm cao mới, trong đó cũng đề cập tới các lĩnh vực có thể hợp tác, như an ninh hàng hải và an ninh mạng.
Tổng thống Obama: Các đồng minh châu Âu lúc nào cũng có thể trông cậy vào Mỹ
Ngày 09-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã phát biểu rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các đồng minh châu Âu của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lúc nào cũng có thể trông cậy vào nước này. "Trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, lúc nào châu Âu cũng có thể trông cậy vào Mỹ. Luôn luôn là như vậy", ông Obama tuyên bố trong phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày qua của NATO tại thủ đô Vacsava, Ba Lan.
Theo Tổng thống Mỹ, liên minh quân sự gồm 28 quốc gia thành viên này đang "ở vào thời khắc quan trọng", cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức, từ về an ninh, nhân đạo cho tới chính trị như mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc khủng hoảng người di cư hay việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), vấn đề làm nảy sinh ngày càng nhiều những lo ngại về tương lai của châu Âu.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ đã tái khẳng định cam kết của nước này đối với an ninh của châu Âu. Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo các đồng minh trong NATO phải thực hiện nghĩa vụ của mình, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết hạn chế cắt giảm ngân sách quốc phòng, dành ít nhất 2% tổng sản lượng kinh tế hàng năm cho chi tiêu quốc phòng./.
Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2016  (10/07/2016)
Thúc đẩy quan hệ đặc biệt, hữu nghị truyền thống thanh niên Việt-Lào  (10/07/2016)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc tại Đồng Nai  (10/07/2016)
Thủ tướng đề nghị Hội Phụ nữ Việt Nam không hành chính hóa hoạt động  (09/07/2016)
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G20 thảo luận chiến lược tăng trưởng  (09/07/2016)
IMF chuẩn bị giải ngân khoản tín dụng 634 triệu USD cho Iraq  (09/07/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay