Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành những mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm, trong sáu tháng cuối năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các giải pháp triển khai Nghị Quyết số 19/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị Quyết 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị Quyết 35).
Đồng thời, các sở, ngành Thành phố sẽ tích cực thông tin về các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Cụ thể, Nghị quyết 35 xác định 5 nhiệm vụ lớn, gồm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Dựa trên cơ sở này, Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp kế hoạch dự thảo triển khai Nghị Quyết 35, với các mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, với ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn nhân lực mạnh.
Khu vực tư nhân tiếp tục duy trì đóng góp 60-62% tổng vốn đầu tư xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 36% trở lên, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 65%/năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh các giải pháp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, ươm tạo... Quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp, xây dựng hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mặt khác, thực hiện Chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh về cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tục hành chính tại đơn vị nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai Chính quyền điện tử, với 100% các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân quận, huyện có đường dây nóng, hỏi đáp trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử, đối thoại để kịp thời tiếp nhận phản ánh cũng như hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cần phát triển chất lượng doanh nghiệp
Đồng thuận với kế hoạch dự thảo triển khai Nghị Quyết 35 cũng như những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng phát triển doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng hơn số lượng, song song đó cần xây dựng những thương hiệu mạnh quốc gia có năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa-Cao su Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ và trở thành doanh nghiệp siêu nhỏ đang xuất hiện phổ biến, dẫn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, bên cạnh mục tiêu phát triển về số lượng doanh nghiệp thì cần chú trọng xây dựng định hướng phát triển về chất lượng doanh nghiệp, tạo nên những thương hiệu quốc gia có thể vươn ra thị trường thế giới và hội nhập kinh tế.
Tương tự, ông Nguyễn Lộc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) nhận định mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ không dễ dàng, nếu không có những cơ chế chính sách thật mạnh mẽ để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, vườn ươm.
Ngoài ra, trong 500.000 doanh nghiệp cần xác định rõ có bao nhiêu doanh nghiệp "cốt lõi" hay "dẫn đầu;" đồng thời xác định doanh nghiệp ở những ngành và lĩnh vực nào có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế để hỗ trợ phát triển đạt hiệu quả cao.
Đánh giá cao những ý kiến thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố luôn giữ vai trò là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, do đó đặt mục tiêu phấn đấu đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 là phù hợp, so với cả nước là 1 triệu doanh nghiệp.
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có 12 triệu dân, 270.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có 170.000 doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, có nhiều tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra, thành phố sẽ nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, với sự nỗ lực đồng bộ của các sở, ngành.
Ông Đinh La Thăng, nhấn mạnh Nghị Quyết 35, hướng đến hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, theo đó đòi hỏi chính quyền thành phố và các sở, ngành phải nâng cao năng lực đồng hành và đáp ứng những nhu cầu phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rất mong muốn tiếp nhận nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp đối với kế hoạch dự thảo triển khai Nghị Quyết 35. Thông qua đó, những chương trình hành động của thành phố thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo động lực mới cho doanh nghiệp và không mang tính hình thức.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2016 chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm đạt hiệu quả cao trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Điển hình, trong sáu tháng năm 2016, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã thực hiện được doanh số cho vay đạt 71.461,8 tỷ đồng, với 3.293 khách hàng. Chương trình kích cầu của thành phố, đến nay đã phê duyệt 146 dự án với tổng mức đầu tư gần 14.937,4 tỷ đồng.
Chương trình tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp đã kết nối tín dụng với ngân hàng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ cho vay ngắn hạn đối với năm nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 153.840 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 91.204 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên./.
Ông Nguyễn Văn Linh tái đắc cử chức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang  (03/07/2016)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng"  (03/07/2016)
Tiếp tục kỳ thi trung học phổ thông quốc gia  (03/07/2016)
Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chiến lược tại Syria sau khi xin lỗi Nga  (03/07/2016)
Quận Ba Đình ứng ngân sách phá dỡ phần sai phạm tại 8B Lê Trực  (03/07/2016)
Việt Nam chia buồn vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô của Bangladesh  (03/07/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay