Nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 16-6-2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức Hội thảo: “Nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam”, công bố báo cáo nghiên cứu cơ sở dữ liệu được thực hiện ở một số tỉnh/thành phố về thực trạng đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam hiện nay.
Hệ thống đăng ký hộ khẩu là một phần cấu thành của cuộc sống ở Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua. Hệ thống này đã được sử dụng như một công cụ quản lý xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và kiểm soát di cư vào thời điểm Nhà nước giữ một vai trò lớn trong việc trực tiếp quản lý nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Mặc dù hệ thống này đã bớt cứng nhắc theo thời gian, song có những quan ngại về việc hộ khẩu đã hạn chế các quyền tiếp cận với các dịch vụ công đối với những người không đăng ký thường trú ở nơi họ sinh sống.
Nghiên cứu cho biết:
- Có ít nhất 5,6 triệu người dân hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (chỉ đăng ký tạm trú), bao gồm 36% dân cư của Thành phố Hồ Chí Minh và 18% dân cư của Hà Nội.
- Những người không có hộ khẩu thường trú làm việc chủ yếu ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo và chiếm tới ¾ tổng số nhân viên của các công ty nước ngoài trong các tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắc Nông.
- Xét về lợi ích kinh tế và từ góc độ thị trường lao động, những người đăng ký tạm trú không gặp phải các bất lợi nghiêm trọng, ngoại trừ việc họ khó có cơ hội làm việc cho khu vực công.
- Mặc dù tình hình ít nghiêm trọng hơn so với các nghiên cứu trước đây, những người đăng ký tạm trú tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về giáo dục, bảo hiểm y tế cho trẻ em, tiếp cận tín dụng và trong các thủ tục dân sự như đăng ký xe máy.
- 70% người dân ở các khu vực khảo sát tin rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt những hạn chế này.
- Một số nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng việc nới lỏng hệ thống hộ khẩu sẽ dẫn đến nguy cơ tăng quy mô nhập cư vào các trung tâm đô thị, gây căng thẳng cho các dịch vụ công và ngân sách của các thành phố tiếp nhận. Tuy nhiên, xem xét nghiên cứu các tác động về doanh thu và những khoản chuyển nguồn, tác động ngân sách ròng dường như là tích cực hoặc chỉ có tác động tiêu cực ở mức thấp.
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nói: “Nghiên cứu này chỉ ra rằng hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người dân Việt Nam. Cần có các cải cách hơn nữa để bảo đảm là người nhập cư có khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của hệ thống đăng ký hộ khẩu đã giảm đi đáng kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới. Thay đổi quan trọng nhất là không cần phải có sự cho phép của chính quyền nơi chuyển đi để đăng ký tại nơi ở mới. Hơn nữa, việc đăng ký tạm trú tại nơi ở mới không còn mấy khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, định hướng thay đổi chính sách liên quan đến hộ khẩu có sự khác biệt. Luật Cư trú ban hành năm 2013 xác định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương trong việc ban hành các quy định về đăng ký hộ khẩu. Một số thành phố lớn đã thắt chặt các yêu cầu tình trạng đăng ký thường trú.
Hiện nay, Chính phủ đã thực hiện những biện pháp ban đầu nhằm tìm kiếm một hệ thống thay thế cho hệ thống hộ khẩu. Chính phủ đang thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này. Dữ liệu quốc gia bao hàm những thông tin cơ bản về mỗi cá nhân, bao gồm giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân. Dữ liệu này cung cấp thông tin nơi thường trú cũng như nơi cư trú hiện tại. Hệ thống này sẽ hỗ trợ việc xác định mục đích khác nhau của các chương trình của Chính phủ. Mặc dù hệ thống này không phải là cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhưng song song với hai phương án cải cách nêu trên, hệ thống mới sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tài chính cho cả Chính phủ và công dân trong việc đăng ký hộ khẩu.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Đặng Nguyên Anh nhận định: “Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong cách điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam. Một công cụ hiện đại và khoa học hơn theo hướng đổi mới và hội nhập quốc tế nhằm tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân”./.
Tập huấn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam  (16/06/2016)
Quốc hội Thụy Sĩ tán thành việc rút đơn xin gia nhập EU  (16/06/2016)
Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu  (16/06/2016)
Việt Nam - Campuchia tiếp tục thực hiện các hiệp ước về biên giới  (16/06/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên