Hòa bình, an ninh ở Biển Đông là vấn đề trung tâm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15
Đối thoại năm nay có số lượng đại biểu nhiều nhất từ trước tới nay, gần 600 người, trong đó có các quan chức quốc phòng từ hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực cùng đông đảo giới học giả quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham dự Đối thoại Shangri-La.
Nhiều phát biểu quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông
Vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được đề cập đến một cách cụ thể và cấp bách tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần này khi mà nhiều ý kiến đã tập trung vào việc làm rõ những hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng như những hệ lụy của nó.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tối ngày 03-6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Pray-út Chan-ô-cha) đã kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phát huy vai trò trong việc tạo sự cân bằng về an ninh trong khu vực.
Thủ tướng Thái Lan đã đề cập đến nhiều thách thức đối với an ninh toàn cầu, gồm các mối đe dọa truyền thống như tranh chấp trên biển hay việc phát triển vũ khí hạt nhân, phi truyền thống như xung đột xã hội, kinh tế, quản trị kém, thiên tai, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, buôn lậu ma tuý, biến đổi khí hậu, khói mù độc hại, tội phạm mạng, đánh bắt cá trái phép, buôn người, di cư trái phép và dân số đang già đi...
Để giải quyết những thách thức này, Thủ tướng Thái Lan cho rằng các quốc gia cần tăng cường đối thoại để nâng cao hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cũng như đem đến cơ hội và sự hỗ trợ đối với các quốc gia gặp vấn đề trong nước.
Liên quan đến vấn đề an ninh ở Biển Đông, Thủ tướng Prayuth hối thúc các bên chọn hợp tác thay vì đối đầu đồng thời cho rằng tất cả các bên cần tham gia hoạt động chung, mang tính xây dựng... để những tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản. Đặc biệt, theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN cần thống nhất trong vấn đề Biển Đông vì hoà bình và ổn định ở vùng biển này, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do đi lại trên biển và trên không, ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nhà lãnh đạo Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra môi trường có lợi cho việc giải quyết vấn đề và Thái Lan ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (A-stơn Ca-tơ) cảnh báo Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tạo ra "Vạn lý trường thành tự cô lập mình" khi tiếp tục các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục "bị gặm nhấm" bởi những yêu sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như âm mưu của Bắc Kinh tạo ra các căn cứ quân sự tại các đảo đang tranh chấp và tăng cường tuần tra biển để củng cố các yêu sách sai trái của mình.
Ông Carter khẳng định: "Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập họ, vào đúng lúc toàn khu vực đang xích lại gần nhau". Ông cũng cảnh báo "nếu các hành động này tiếp diễn, kết quả là Trung Quốc tự xây một bức Vạn lý trường thành cô lập mình".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Carter cho rằng chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác quân sự trên toàn khu vực và tuân thủ các "nguyên tắc cốt lõi" như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một "mạng lưới an ninh có nguyên tắc". Ông nhấn mạnh: "Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ".
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (Gen Na-ca-ta-ni) thì cho biết Tokyo lo ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, khẳng định rằng không một nước nào có thể là "người ngoài cuộc" khi liên quan đến sự ổn định khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã bày tỏ "ngại ngại sâu sắc" về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp. Ông Nakatani nhấn mạnh "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế", đồng thời khẳng định các hành động như vậy đặt ra "thách thức" đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nakatani, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực, vì vậy "không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này".
Việt Nam mong muốn các quốc gia tìm ra những giải pháp để giảm bớt căng thẳng trong khu vực
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt về "Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông" chiều 04-6, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Bùi Văn Nam nhấn mạnh Việt Nam đã thể hiện phương pháp và cách xử lý những vấn đề phức tạp ở Biển Đông rất rõ ràng đồng thời đề nghị các nước có liên quan đến khu vực Biển Đông, bao gồm các nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trên thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký các nước ASEAN và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) một cách cụ thể và thiết thực.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử, có sự đồng thuận của các nước về những về những vấn đề liên quan đến biển và lãnh thổ. Các hành động đơn phương đang làm thay đổi nguyên trạng tình hình ở Biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hành động tích cực hợp pháp của tất cả các nước, góp phần duy trì hòa bình, an ninh khu vực đảm bảo tự do đi lại trên biển, an toàn hàng hải, an ninh khu vực, an toàn hàng không, an toàn không gian mạng trên không, an toàn dưới mặt nước biển và an toàn môi trường biển.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tham gia tích cực cùng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường đảm bảo an ninh khu vực thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế như EAS, ADMM, ADMM+, ARF; tiếp tục phát huy sự đồng thuận có tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đề nghị các bên cần tích cực tìm kiếm các công cụ giúp hạn chế nguy cơ và va chạm trên biển như thiết lập các đường dây nóng, thống nhất các quy tắc ứng xử trong tình huống đột xuất, bất ngờ, đáng lưu ý gần đây là ý tưởng đề xuất cơ chế phối hợp tuần tra chung giữa các lực lượng hải quân, chấp pháp của các nước ASEAN.
Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ các quy tắc nhằm tránh xảy ra va chạm vũ trang trên biển, trên vùng trời ngoài biển, ở tầng dưới mặt nước biển, lòng biển, môi trường biển, hoạt động của tàu ngầm quân sự; coi trọng hơn nữa các cơ chế hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, ứng phó với thảm họa, thiên tai, hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, phối hợp phòng chống các loại tội phạm trên biển đang nổi lên ở khu vực...
Việt Nam ủng hộ việc trao đổi, chia sẻ thông tin tích cực, chủ động mạnh mẽ trong nội bộ các nước ASEAN, với các đối tác và các bên có liên quan, với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ … nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài tại Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay, cho hay sự phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây có hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất là nó thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của dư luận quốc tế với chiều hướng chủ đạo là mong muốn xác lập một môi trường hòa bình ở khu vực này; thứ hai là những hoạt động quân sự hay mang tính chuẩn bị cho hoạt động quân sự ở Biển Đông là những dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế cần phải hết sức quan tâm chú ý, bởi nếu không quan tâm thì tình hình ở đây sẽ trở nên xấu đi.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam mong muốn các quốc gia tìm ra những giải pháp để giảm bớt căng thẳng trong khu vực, không để những căng thẳng ở Biển Đông biến thành xung đột, cùng nhau phát triển hòa bình.
Trả lời câu hỏi của báo Nhật Bản Asahi Shimbun về việc Trung Quốc thường xuyên tuyên bố hợp tác với các nước ASEAN nhưng vẫn không ngừng tôn tạo, bồi đắp các bãi đá ở Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng những hành động đó làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc; các nước cần có tiếng nói chung cho thấy cộng đồng quốc tế quan ngại về các hành động này của Trung Quốc./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tại Lâm Đồng  (05/06/2016)
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Học viện Lục quân  (05/06/2016)
Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Thành phố Hồ Chí Minh dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh  (05/06/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tây Ninh cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tiếp tục phát triển  (05/06/2016)
Công điện của Thủ tướng về khắc phục hậu quả vụ chìm tàu  (05/06/2016)
Tiếp tục các hoạt động nhân Ngày Môi trường Thế giới  (05/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên