Bình Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trước thách thức của biến đổi khí hậu

Nguyễn Mạnh Hùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
22:12, ngày 04-05-2016

TCCSĐT - Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.812km2, với bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải rộng 52.000km2; dọc khu vực ven biển, trên biển và hải đảo có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp… Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển của địa phương, dù phải đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu.

Nhiều thành tựu đáng khích lệ

Trước một tiềm năng kinh tế lớn về biển, bên cạnh những thuận lợi, Bình Thuận đã, đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu. Về khách quan, đó là thường xảy ra hạn hán, thiên tai với cường độ lớn và tần suất cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển, cũng như trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển trong tương lai. Về chủ quan, nhận thức của xã hội chưa cao, cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng có nguy cơ cao về tác động của biến đổi khí hậu, trình độ khoa học, công nghệ còn hạn chế...

Những năm qua, với việc quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XII) “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển nên kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo của tỉnh ngày càng khởi sắc. Cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tích cực; một số ngành, lĩnh vực phát triển khá nhanh, nhất là du lịch, dầu khí. Kinh tế thủy sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, kinh tế biển tỉnh Bình Thuận được phát huy ngày càng toàn diện cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, đi đôi với coi trọng phát triển công nghiệp nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển. Trong đó, ngành kinh tế thủy sản tăng bình quân 7,2%/năm. Sản lượng hải sản khai thác tăng qua từng năm, nuôi trồng thủy sản cả nước mặn, ngọt và lợ phát triển ổn định, đặc biệt chất lượng tôm giống được giữ vững, khẳng định được lợi thế. Riêng năm 2015, sản lượng hải sản khai thác đạt 198.000 tấn, nuôi thủy sản đạt 14.000 tấn; sản xuất, tiêu thụ tôm giống tăng mạnh. Các nghiệp đoàn nghề cá và tổ đoàn kết khai thác thủy sản thành lập ngày càng nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đã thành lập thí điểm 5 nghiệp đoàn nghề ở các địa phương và 226 tổ đoàn kết, 4.002 thuyền, 25.385 lao động (trong đó có 100% tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ tham gia). Cơ cấu thuyền nghề chuyển mạnh theo hướng tăng tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển. Toàn tỉnh hiện có 7.477 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 842.000 CV, trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên có 2.305 chiếc (năm 2010: 1.705 chiếc).

Đối với ngành du lịch biển, tiềm năng du lịch biển được phát huy ngày càng tốt hơn. Công tác xúc tiến du lịch đặc biệt là du lịch biển được thường xuyên quan tâm, đã tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế góp phần tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách như: giải Lướt ván buồm cúp thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam, Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam năm 2011; Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Đại dương.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ kinh tế biển, Bình Thuận luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo; các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… tiếp tục được đẩy mạnh; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần cải thiện và ổn định cho đời sống nhân dân vùng ven biển, hải đảo.

Vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Mặc dù kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ, nhưng nhìn chung, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào Tổng sản phẩm nội địa của địa phương (RGDP) còn thấp. Công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu như ít cảng cá, quy mô đầu tư cũng như các dịch vụ kèm theo cảng kém. Các chương trình hỗ trợ ngư dân cải tạo tàu thuyền, nâng cao công suất để vươn xa vẫn còn hạn chế. Chất lượng nguồn lao động biển còn thấp. Đời sống của một bộ phận cư dân vùng biển còn nhiều khó khăn, nhất là vùng bãi ngang. Tình trạng xâm thực biển xảy ra nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Những hạn chế này chủ yếu là do nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của kinh tế biển chưa đầy đủ; công tác điều tra tài nguyên biển, nhất là dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản chưa tốt. Công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển còn bất cập, mâu thuẫn, chưa gắn kết trong phát triển; thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đã trực tiếp tác động, làm thời tiết diễn biến thất thường, nước biển xâm thực gây xói lở nhiều khu vực dọc ven biển trong đất liền và xung quanh đảo Phú Quý, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững

Tỉnh Bình Thuận đã xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu: Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững kinh tế biển, gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Vì thế, thời gian tới Bình Thuận sẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế biển cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng và của cả nước. Chú ý khắc phục tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch(1), bảo đảm sự phát triển gắn kết hài hòa giữa các ngành. Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch thăm dò, khai thác quặng sa khoáng titan; quy hoạch phát triển công nghiệp điện năng; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch phát triển ngành thủy; quy hoạch các khu dân cư và phát triển các khu đô thị ven biển... Quá trình xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội biển phải chú ý dự báo đầy đủ các yếu tố tác động do tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu, các khu công nghiệp, khu du lịch - dịch vụ, khu dân cư và đô thị ven biển, hải đảo… nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai. Trên cơ sở đó, tổ chức công khai và triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

Hai là, huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo; trước hết, tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình: Kè chống xâm thực biển, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đường giao thông ven biển, các cảng cá, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, cảng giao thông tuyến Phan Thiết - Phú Quý, sân bay Phan Thiết, các công trình hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quý.

Ba là, đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Trước hết, tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản đạt 195.000 tấn, trong đó khai thác hải sản xa bờ chiếm trên 60% tổng sản lượng; sản lượng cá và đặc sản nuôi trồng đạt 15.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 170 triệu USD. Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư phát triển thuyền nghề công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ, gắn với phát triển mô hình tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản trên biển, mô hình liên kết giữa khai thác - chế biến và dịch vụ hậu cần trên biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp tục duy trì và phát triển các nghiệp đoàn nghề cá, các hiệp hội nghề nghiệp của ngành thủy sản. Làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản và dự báo ngư trường, tạo điều kiện cho ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác; gắn khai thác với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển; chú trọng xây dựng 2 khu bảo tồn đa dạng sinh học biển là Cù lao Câu và đảo Phú Quý. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào khâu giống, kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm giống, tổ chức nuôi trồng thủy sản bền vững. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khai thác, nuôi trồng với chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo, để lĩnh vực này trở thành ngành dịch vụ có đóng góp quan trọng trong kinh tế biển. Tích cực thu hút đầu tư khai thác phát huy tiềm năng du lịch biển, đảo với nhiều loại hình, sản phẩm như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng…; khai thác thế mạnh thể thao biển, thể thao trên cát, thực hiện tốt Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị du lịch; khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia; đảo Phú Quý trở thành điểm du lịch quốc gia. Phát triển mạnh du lịch cộng đồng, khai thác giá trị của các lễ hội văn hóa truyền thống miền biển để thu hút du khách. Tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của cư dân vùng ven biển; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đẩy mạnh hợp tác về du lịch biển, liên kết khai thác các tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Phát huy hiệu quả, đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển; hình thành Trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng titan, gắn liền với bảo đảm cảnh quan, môi trường trong và sau khai thác. Khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu; đầu tư chế biến các sản phẩm muối và các hóa chất sau muối; giảm tỷ trọng và tiến tới chấm dứt xuất khẩu các sản phẩm thô, không qua chế biến, tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; giữ vững thương hiệu nước mắm Phan Thiết. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp đóng, sửa tàu thuyền; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư các cơ sở dịch vụ phục vụ đánh bắt xa bờ.

Đối với ngành nông nghiệp ven biển, cần tập trung nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán sẽ diễn ra gay gắt, gắn với sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước, đẩy mạnh ứng dụng mô hình công nghệ tưới tiết kiệm nước (hệ thống tưới nhỏ giọt bằng dây Microdrip của I-xra-en) trong chăm sóc các loại cây trồng, nhất là cây thanh long.

Bốn là, tập trung phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế biển, chống xâm thực nước biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Bằng nhiều nguồn lực và các biện pháp tích cực, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, xây dựng đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và là trung tâm cứu hộ, cứu nạn của khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, phát triển một cách hợp lý cả về quy mô và mức độ công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí phục vụ kinh tế thủy sản và hoạt động du lịch. Trong quá trình xây dựng và phát triển huyện đảo, sẽ phát động đẩy mạnh phong trào xây dựng đảo Phú Quý xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh việc trồng rừng và trồng cây phân tán trên đảo để phủ xanh đất trống và bảo vệ nguồn nước ngầm trên đảo. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao tính chủ động, ý thức tự lực vượt khó, ý thức sử dụng tiết kiệm quỹ đất đai và nguồn nước ngọt. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngầm trên đảo, không khai thác quá trữ lượng động của nước ngầm để nguồn nước ngầm không bị nhiễm mặn. Ngoài việc xây dựng các hồ chứa nước mưa tập trung, sẽ phát động nhân dân xây dựng các bể chứa tại hộ gia đình để chủ động một phần nguồn nước sinh hoạt. Về lâu dài, cần phải tính đến phương án lọc nước biển lấy nước ngọt để phục vụ việc bảo quản, chế biến thủy sản và sử dụng vào một số mục đích khác. Khi cấp phép các dự án đầu tư trên đảo phải tính toán kỹ, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, nhất là phải hết sức chú trọng những vấn đề liên quan đến quỹ đất đai, nguồn nước ngọt và môi trường trên đảo.

Năm là, tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích lao động biển và cư dân các vùng ven biển, hải đảo tham gia học nghề và tạo việc làm phù hợp. Nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào giảm nghèo, tập trung trước hết ở các xã bãi ngang ven biển. Tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư và các tuyến du lịch ven biển.

Sáu là, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; chủ động phòng, tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Từng bước áp dụng phương thức quản lý thống nhất, tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo và quản lý tổng hợp đới bờ biển. Có biện pháp quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây hủy hoại môi trường sinh thái biển; chú ý làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản và phục hồi môi trường sau khai thác. Làm tốt công tác phòng, tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tăng cường ứng cứu sự cố môi trường và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và hậu quả do thiên tai gây ra. Chủ động nghiên cứu sự vận động của các dòng hải lưu trên biển trước tình trạng biến đổi khí hậu để có biện pháp ứng phó, tính toán khi triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển và đảo Phú Quý, nhất là xây dựng kè chống xâm thực biển và xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá... Đối với các công trình hạ tầng thiết yếu ven biển và đảo Phú Quý cần được thiết kế, xây dựng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là khả năng chịu tác động khi có bão với cường độ mạnh. Kiên cố các loại công trình như: trường học, bệnh viện, hội trường xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn… để khi có bão có thể là nơi bố trí dân cư tránh trú bão an toàn. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển với những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng và có tác dụng chống biển xâm thực, chống cát bay dẫn đến tình trạng sa mạc hóa vùng ven biển.

Bảy là, phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên vùng biển, đảo. Thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho nhân dân vùng biển, đảo; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc trên các vùng biển, đảo của tỉnh. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đủ độ tin cậy; chú ý phát huy vai trò của ngư dân trong việc phối hợp chặt với các lực lượng trên địa bàn, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

-------------------------------------------

(1) Điển hình như: Mâu thuẫn giữa khai thác thủy sản ven bờ với du lịch biển; mâu thuẫn giữa khai thác hải sản với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; mâu thuẫn giữa khai thác sa khoáng titan với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch; mâu thuẫn giữa phát triển điện gió ven biển với khai thác sa khoáng titan…