Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-4 đến ngày 01-5-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv)
21:39, ngày 03-05-2016

TCCSĐT - “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, đó là chủ đề hội nghị doanh nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 29-4-2016.

Chính phủ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Phát biểu kết luận Hội nghị giữa Thủ tướng và doanh nghiệp chiều 29-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi một thông điệp rõ ràng đến cộng đồng doanh nghiệp.

Với hình thức tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề của Hội nghị chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhắc đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước thời gian qua đã tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ sự phát triển doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, hướng tới hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự thuận lợi cho đất nước phát triển.

Chỉ ra một số hạn chế, Thủ tướng cho rằng, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra...

Đặt vấn đề với đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. Doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu", Thủ tướng khuyến nghị.

Nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ; doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đề cập đến nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô, gìn giữ môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng chỉ đạo nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý điều hành. Cơ quan Nhà nước phải luôn nhận phần việc khó, ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trong đó có các giấy phép con; nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định của pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền. Thủ tướng cũng tán thành với đề xuất về việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp và cho biết sẽ chỉ đạo xây dựng một Nghị quyết riêng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 28-4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo Nghị quyết, để các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4, phải bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới, củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.

Standard&Poor’s công bố xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức triển vọng ổn định

Ngày 29-4-2016, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng ổn định, không thay đổi so với mức xếp hạng do S&P đã công bố vào tháng 3-2015. Triển vọng ổn định phản ánh tăng trưởng kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cơ quan này cũng như cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá tốt và có triển vọng cải thiện.

Các yếu tố được S&P đánh giá tích cực, góp phần duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng nền kinh tế tương đối đa dạng và có tính linh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người ước tính là 2.200 USD vào năm 2016. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định ở mức tương đối cao là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 2 năm qua, các kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế xã hội là phù hợp nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả ở mức thấp. Tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn kiều hối ổn định và có xu hướng tăng cũng như lợi thế so sánh về chi phí nhân công so với các nước trong khu vực tiếp tục là những nhân tố giúp cải thiện cán cân thanh toán và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Một số yếu tố mà S&P cho rằng cần có sự quan tâm trong thời gian tới là kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công và vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện trong giai đoạn từ nay đến 2020, trong đó đặt mục tiêu và có giải pháp để kiểm soát và đưa bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP, kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công để bảo đảm trong giới hạn trần 65% GDP.

Hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, quý I-2016 kim ngạch nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN tăng mạnh trong nhóm hàng điện gia dụng, linh kiện, máy móc… Mặt hàng ô tô nguyên chiếc của các nước như Thái Lan và Indonesia đã vượt qua Hàn Quốc và Trung Quốc để trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam.

Lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đang có tác động đến việc nhập khẩu ô tô trong nước khi biểu thuế nhập khẩu mỗi năm từ thị trường này đang giảm theo lộ trình cam kết. Theo đó từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 40% so với mức 50% của năm ngoái, điều này cũng đã tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Với thuế suất 0% cho khoảng 90% danh mục hàng hóa tiêu dùng kể từ đầu năm nay, những mặt hàng tiêu dùng của khu vực ASEAN cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vào Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ với một số nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Với giá cả hợp lý, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang hàng hóa thị trường khu vực ASEAN.

Theo các chuyên gia, với thị trường gần 100 triệu dân cùng với những thay đổi của chính sách thuế và hải quan của Việt Nam trong tiến trình tham gia AEC, đặc biệt là việc thực hiện đúng cam kết trong cắt giảm thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước trong khối ASEAN đã sớm nắm bắt thời cơ để xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam ngay khi các chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung trong khối.

Liên minh châu Âu chính thức áp dụng các thủ tục hải quan mới

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo từ ngày 01-5 các quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan trong Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực. Các quy định mới này sẽ hỗ trợ các hoạt động thương mại xuyên biên giới và mở rộng hợp tác về các vấn đề hải quan toàn khối.

Luật mới - thay thế luật hải quan của EU áp dụng từ năm 1992 và sẽ được thực thi đầy đủ từ năm 2020, liên quan tới nhiều hoạt động hải quan, bao gồm đơn giản hóa các thủ tục và quy trình thông quan, các quy tắc rõ ràng hơn để bảo đảm sự đối xử công bằng đối với các thành phần kinh tế trong EU.

Luật này cũng bao gồm việc xác lập các yêu cầu về dữ liệu chung làm cơ sở cho các hệ thống công nghệ thông tin mới liên kết cơ quan hải quan của các nước thành viên để bảo đảm tốt cho công tác trao đổi thông tin, cải thiện công tác quản lý rủi ro, giảm chi phí, bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường chống buôn bán bất hợp pháp, chống khủng bố và các hoạt động tội phạm khác.

Hồ sơ Panama: Một phần tài liệu bí mật sẽ được công bố vào tháng 5

Ngày 27-4, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ), cơ quan đang nắm giữ hàng triệu tài liệu bị rò rỉ của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama hay còn gọi là "Hồ sơ Panama" thông báo sẽ công bố một phần nội dung của số tài liệu này vào ngày 09-5 tới.

Theo ICIJ, số tài liệu được phép tiếp cận trong đợt công bố lần này gồm thông tin liên quan đến hơn 200.000 các quỹ tổ chức, các công ty, quỹ ủy thác bí mật tại 21 nơi trốn thuế từ Hong Kong (Trung Quốc) đến bang Nevada, Mỹ. ICIJ nhận định việc công bố nội dung "Hồ sơ Panama" là bước tiếp theo trong tiến trình điều tra của cơ quan có trụ sở tại Mỹ này, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục công bố thêm nhiều tài liệu trong "Hồ sơ Panama" vào những tháng tới.

Khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca được một nguồn giấu tên cung cấp cho báo Sueddeutsche Zeitung (Nam Đức, SZ) của Đức khoảng 1 năm trước. SZ sau đó đã chia sẻ thông tin với ICIJ và một số tập đoàn thông tin khác như BBC và The Guardian để huy động các báo cùng điều tra hồ sơ có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay này, bao gồm những tiết lộ về số tài sản được cất giữ ở các điểm trốn thuế của 140 nhà lãnh đạo cấp cao và các nhân vật nổi tiếng.

ICIJ đã công khai thông tin về hàng nghìn cá nhân sở hữu các tài khoản ở nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế, các thỏa thuận của Luxembourg giúp các công ty đa quốc gia trốn thuế và kế hoạch giúp các khách hàng của chi nhánh ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ trốn thuế với tổng số tiền trong tài khoản lên tới 119 tỷ USD.

ICIJ có trụ sở tại Washington và được điều hành bởi nhà báo người Australia Gerard Ryle, tập hợp hơn 190 nhà báo từ hơn 65 quốc gia. ICIJ đã tiến hành điều tra các vụ tham nhũng xuyên biên giới, các vụ phạm tội có tổ chức và trốn thuế, bên cạnh nhiều vụ việc khác.

Theo các kết quả điều tra, Công ty luật Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama" ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).

Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới./.