Hiệu quả của phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền Đại học Luật Hà Nội
11:02, ngày 15-04-2016
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xác định là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người nông dân về vật chất, tinh thần là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân. Nước ta có gần 70% dân số là nông dân, sinh sống ở nông thôn, 56% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, chủ trương xây dựng nông thôn mới nhằm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn và thành thị, cải biến sâu sắc cách thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân ở nông thôn được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Để huy động sức mạnh tổng hợp chung sức xây dựng nông thôn mới, ngày 20-9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phát động phong trào thi đua tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động với mục tiêu cụ thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tích cực hưởng ứng, cụ thể hoá, vận dụng các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ chung vào điều kiện cụ thể của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội động viên đoàn viên, hội viên trong triển khai thực hiện phong trào thi đua.

Qua công tác chỉ đạo điểm, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác chỉ đạo. Một số tỉnh phân công Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi mô hình điểm; định kỳ trực tiếp về xã, thôn để nghe và cho ý kiến về cách làm, hướng đi; có địa phương phân công từng sở, ngành phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từng xã điểm; có huyện phân công từng phòng, ban chỉ đạo, giúp đỡ xã, thôn; có nơi cụ thể hóa từng tiêu chí thành nhiều nội dung, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp huyện, cấp xã và thôn, ấp, hộ gia đình.

Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã đăng ký và triển khai chương trình phối hợp, giúp đỡ các địa phương xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo điểm, từ năm 2013 đến năm 2015 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tập trung nguồn lực nhân rộng các mô hình tốt, các phong trào thi đua có hiệu quả, kết hợp với tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phổ biến cách làm hay, sáng tạo để phong trào lan tỏa sâu rộng tới các địa phương, đơn vị.

Những cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực

Qua 5 năm triển khai, công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, theo đúng lộ trình đề ra, thực sự đi vào đời sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào trong toàn quốc, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Thông tin công tác Mặt trận và một số báo thực hiện chương trình Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Nghị quyết liên tịch chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội trong cả nước hưởng ứng, tham gia, gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với “Phong trào Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ đường biên, mốc giới, chủ quyền biển đảo thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chỉ đạo các cấp Hội tích cực hưởng ứng và chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, qua đó, có những đóng góp hiệu quả...

Các tỉnh, thành phố đã phát động nhiều phong trào với các tên gọi khác nhau, như: “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hà Tĩnh với phong trào “Việc làng - đất vàng cũng hiến; Hiến đất - Mất một được hai”, tỉnh Hòa Bình với phong trào “Toàn dân làm sạch vệ sinh môi trường”, tỉnh Tuyên Quang với phong trào “Bê tông hóa giao thông nông thôn”; tỉnh Lào Cai với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”; tỉnh Tây Ninh với mô hình “Liên kết 4 nhà” thâm canh lúa hiệu quả bền vững theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn. Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức phát động, truyền hình trực tiếp, tuyên truyền rộng khắp tới đông đảo quần chúng, kết hợp ký cam kết ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, như thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Gia Lai... đã góp phần đẩy mạnh phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, hướng tới mục tiêu sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các bộ, ngành, địa phương đã phát động các phong trào thi đua đột xuất, thi đua theo các chuyên đề gắn với từng nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính hoặc giải quyết những vấn đề cấp bách của các địa phương, các ngành, lĩnh vực, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Nhân dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực tham gia hiến đất mở đường để xây dựng “Đường đẹp, ngõ đẹp”; xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với mô hình “Vùng chuyên canh nông sản đặc trưng”; mô hình “Xã hội hóa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn” ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; mô hình “Vận động toàn dân hiến đất gắn với dồn điền đổi thửa tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới” ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; mô hình “Cùng nông dân ra đồng” của xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận,...

Kết quả ban đầu đáng khích lệ

Căn cứ Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, nội dung chương trình. Các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là cơ chế chính sách về hỗ trợ cơ giới hóa, dồn điền, đổi thửa, bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được phát huy. Căn cứ tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố đã vận dụng sáng tạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, như chính sách hỗ trợ vật liệu để nhân dân tự làm đường ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình; chính sách hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh, hoặc mua máy móc làm đất, máy gặt đập liên hợp của tỉnh Long An, tỉnh Đồng Tháp; chính sách phát triển mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh; tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 04 nhà”. Cùng với đó là chính sách thu hút, luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ đi cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ để triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Các bộ, ban, ngành đã tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới; sử dụng hợp lý nguồn vốn, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn; đẩy mạnh áp dụng các hình thức cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn. Cùng với việc tham mưu ban hành chính sách trong xây dựng nông thôn mới, các bộ, ngành cũng trực tiếp triển khai nhiều nội dung có hiệu quả: Bộ Quốc phòng đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với trên 4 triệu ngày công, xây dựng gần 8.000 nhà tình nghĩa, tặng 14.000 bò giống, 13.000 sổ tiết kiệm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào thi đua “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, chỉ đạo thực hiện mô hình cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc; Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa bàn khó khăn; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại 44 tỉnh, 32 huyện và 149 xã; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hỗ trợ kinh phí gần 1.000 tỷ đồng xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trường học bán trú và trạm y tế; Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, trợ giá vận chuyển lên vùng miền núi, và trực tiếp hỗ trợ, tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương.

Công tác xây dựng nông thôn mới 5 năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Một số kinh nghiệm

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến cơ sở; đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu, cùng với sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải sâu sát, cụ thể, thường xuyên tìm tòi, phát hiện những cách làm mới sáng tạo, hiệu quả; rút kinh nghiệm về cách làm, giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện.

Hai là, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng, xây dựng các khẩu hiệu thi đua hành động cụ thể. Coi trọng chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm; tổ chức học tập, nhân rộng mô hình tốt cho cán bộ và người dân.

Ba là, có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Cần có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào nhằm huy động đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng.

Năm là, chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để nêu gương học tập và nhân ra diện rộng.

Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đề ra là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã có dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được những mục tiêu đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thay đổi về chất trong các phong trào thi đua trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn. Đồng thời, phải chú trọng hướng vào giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, phức tạp đặt ra. Gắn kết chặt chẽ các phong trào thi đua với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của các địa phương, nhất là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng việc làm, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội..../.