Dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng ở Hải Dương: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm
Khắc phục manh mún ruộng đất ở Hải Dương
Để giải quyết tình trạng manh mún về số thửa và quy mô thửa ruộng, các hộ nông dân đã tự tổ chức dồn đổi ruộng. Nông dân tự nguyện đổi ruộng cho nhau, họ bàn bạc xây dựng để đi đến thống nhất phương án đổi ruộng và quy hoạch thủy lợi nội đồng. Chính quyền các cấp là người tổ chức và trọng tài cho quá trình này.
Từ năm 1997 - 1998, Ban Kinh tế Tỉnh ủy Hải Dương đã thực hiện Đề tài: “Chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn ở tỉnh Hải Dương”. Năm 1997, Đề tài đã tiến hành điều tra thực tế 2.500 hộ nông dân ở 10 xã: Toàn Thắng (Gia Lộc), Cẩm Đông (Cẩm Giàng), Nam Hồng (Nam Sách), Lê Bình (Thanh Miện), Tân Dân (Chí Linh), Phượng Hoàng (Thanh Hà), Hồng Thái (Ninh Giang) và Tân Hồng (Bình Giang),... Kết quả của Đề tài là một căn cứ khoa học để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn (1).
Quyết định số 392/2002/QĐ-UB ngày 06-02-2002 về việc phê duyệt Đề án “Hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn” đề ra mục tiêu giảm số thửa giao cho một hộ xuống còn một nửa, tăng diện tích cho mỗi thửa lên gấp đôi; phấn đấu mỗi hộ bình quân chỉ còn từ 1 đến 5 thửa và mỗi thửa từ 500m2. Toàn tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện, kết quả đến năm 2006 đã chuyển đổi cơ bản toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, giảm số thửa bình quân còn 5 - 7 thửa/hộ, diện tích bình quân mỗi thửa là 300 - 400m2; lập xong toàn bộ hồ sơ địa chính xã (2). Như vậy, đến năm 2006 một số mục tiêu chưa đạt được so với kế hoạch, số thửa trên một hộ vẫn nhiều và diện tích một thửa còn nhỏ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trước tình hình đó, một số địa phương đã chủ động tiến hành dồn điền, đổi thửa từ 5 - 7 thửa/hộ xuống còn 1 - 3 thửa, như xã Hùng Sơn, Hồng Quang (Thanh Miện); xã Hồng Thái (Ninh Giang), Tứ Xuyên (Tứ Kỳ); Đức Xương (Gia Lộc);... Để quá trình triển khai thống nhất trong toàn tỉnh ngày 13-9-2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 1704/KH-UBND về việc thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2015, với mục tiêu giảm số thửa mỗi hộ gia đình chỉ còn từ 01 đến 02 thửa ruộng. Từ quá trình tự phát dồn đổi của các hộ nông dân và qua 2 lần triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa theo chủ trương của tỉnh, Hải Dương đã khắc phục dần sự manh mún về ruộng đất, mở đường cho quá trình phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.
Triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, theo báo cáo sơ kết một năm thực hiện Kế hoạch số 1704/KH-UBND ngày 13-9-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 8-2014 cơ bản các xã đã triển khai xây dựng đề án, phương án dồn điền, đổi thửa. Trong đó, có 77 thôn, ở 24 xã đã tổ chức triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa trên đồng ruộng với tổng diện tích dồn điền, đổi thửa là 4.548ha. Số thửa bình quân cơ bản sau khi đổi thửa đạt từ 1 - 2 thửa hộ, diện tích 1 thửa bình quân đạt trên 800m2, tuy nhiên một số xã chưa đạt chỉ tiêu đề ra (vẫn còn trên 2 thửa/hộ Hồng Thái, Ninh Thành (Ninh Giang); Đức Xuyên (Gia Lộc); Tứ Xuyên, Dân Chủ (Tứ Kỳ). Ở Ninh Giang, đến hết năm 2014, 28/28 xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng. Tổng diện tích đã triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa trong toàn huyện là 7.466,89ha. Diện tích đất trung bình mỗi xuất được giao là 430m2/xuất (3).
Trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa, diện tích đất công điền được tập trung gọn vùng, gọn thửa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, khu dân cư mới của các địa phương. Việc tập trung diện tích đất công điền đã tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, thuận lợi cho việc triển khai xây dựng các công trình, dự án đã được phê duyệt (4). Nhìn chung, các huyện, xã đã chỉ đạo và tuyên truyền, vận động nhân dân góp đất để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa; sự nhận thức của một số cán bộ và nông dân còn hạn chế, ngại va chạm, sợ mất ổn định, mất quyền lợi tốt; một số cán bộ cơ sở chưa có kinh nghiệm vận động quần chúng, còn lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện; huy động kinh phí càn hạn chế,… song cơ bản các xã và huyện ở Hải Dương đã thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa.
Bên cạnh những cách làm hay và sáng tạo, công tác dồn điền, đổi thửa vẫn còn hạn chế và khó khăn. Trong đó, khó khăn cơ bản là việc dồn điền, đổi thửa liên quan quyền lợi trực tiếp của nhân dân, một số hộ trước đây được giao ruộng ổn định ở vị trí tốt và thuận tiện cho sản xuất, ruộng ven các trục đường giao thông đã không tự nguyện tham gia, gây ít nhiều cản trở trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, diện tích đất để quy hoạch xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng theo đề án xây dựng nông thôn mới tập trung ở một số xóm vào diện tích đất tốt, thuận lợi cho các hộ sản xuất thâm canh nay phải lấy ra dành cho quy hoạch cũng là một việc đáng lưu tâm. Ở một số cơ sở có đất ruộng ở nhiều xứ đồng, mặt bằng ruộng đất không đồng đều nên việc lập phương án dồn điển, đổi thửa đạt mục tiêu mỗi hộ còn từ 1 - 2 thửa gặp rất nhiều khó khăn.
Bài học kinh nghiệm
Một là, phải thống nhất và tập trung cao sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng
Cần điều hành tập trung, thống nhất, xử lý và giải quyết linh hoạt, kịp thời, đúng nguyên tắc của Ban Chỉ đạo xã về những đề nghị, kiến nghị của nhân dân và Ban dồn điền các thôn, xóm. Phân công rõ trách nhiệm cho các đồng chí cấp ủy viên, thành viên Ủy ban nhân dân, trưởng từng ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các bước công việc và phụ trách các thôn, xóm. Phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm cho nhân dân hiểu rõ dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho chính bản thân và gia đình họ.
Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, các ngành, đoàn thể trong xã phải thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức tốt công tác vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tổ chức quán triệt sâu, rộng các văn bản chỉ đạo của các cấp. Thông báo kế hoạch, phương án dồn điền của xã tới đội ngũ cán bộ, cấp ủy và đảng viên, cán bộ các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong toàn xã để mọi người hiểu rõ chủ trương, mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, biện pháp thực hiện kế hoạch cùng phương án dồn điền đổi thửa.
Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng cần tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân đồng tình ủng hộ; nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng ở các chi bộ thôn, xóm. Đội ngũ cán bộ trong ban thực hiện dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp của thôn, xóm cần nhiệt tình, vô tư khách quan, có tinh thần quyết tâm cao.
Thực tiễn cho thấy nơi nào đảng viên ở cơ sở có chung tiếng nói đồng thuận cao, không ngại va chạm, không né tránh, đùn đẩy, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị - xã hội thì nơi đó công tác dồn điền, đổi thửa thành công.
Hai là, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền; thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; dân chủ gắn liền với giữ vững nguyên tắc, mục tiêu và tuân thủ pháp luật
Dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp là công việc khó khăn, phức tạp gắn liền với lợi ích của đại đa số nông dân, do nông dân trực tiếp tham gia thực hiện. Vì vậy, phải nêu cao phong trào tự giác của quần chúng nhân dân. Muốn vậy, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền thuyết phục: phải làm cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp, cách thức hiệu quả của việc thực hiện dồn điển, đổi thửa, từ đó nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Đội ngũ cán bộ trong ban thực hiện dồn điền, đổi thửa nên chú trọng công tác vận động cá biệt, vì những đối tượng này tuy ít nhưng ảnh hưởng lớn đến hoạt động dồn điển, đổi thửa đất nông nghiệp của nhân dân.
Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn; Ban dồn điền đổi thửa các xã, thôn, xóm tổng hợp nhu cầu quỹ đất phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi công cộng, như trường học, nhà văn hóa thôn, xóm, sân thể thao, đất nghĩa trang, nghĩa địa,...) để nhân dân bàn bạc, quyết định hiến góp đất. Khi đã có quỹ đất, Ban tiếp tục vận động nhân dân đóng góp để có kinh phí chỉnh trang đồng ruộng (đắp đường nội đồng, đào mương,...).
Việc xây dựng phương án, biện pháp tổ chức, chuẩn bị lực lượng thực hiện có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, tiến độ của công tác dồn điển, đổi thửa. Do đó, đòi hỏi các địa phương phải xây dựng phương án, bước đi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từng bước trong kế hoạch phải được công khai, dân chủ để đi đến thống nhất cao.
Ba là, Ban Chỉ đạo cấp xã phải tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên (tỉnh và huyện)
Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng theo từng giai đoạn và phải xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nhưng cũng là nhiệm vụ có nhiều khó khăn, phức tạp.
Sau khi quán triệt các chỉ đạo của cấp trên (Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Huyện ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện); Đảng ủy cấp xã ra Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo; Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định kiện toàn Tổ công tác giúp việc, kiện toàn Ban phát triển thôn, khu dân cư,...
Các chi bộ họp thảo luận ra nghị quyết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo Ban phát triển thôn, xóm và khu dân dư, tổ dân phố thực hiện theo kế hoạch của các cấp và bảo đảm quy trình.
Từng thôn, xóm và khu dân dư, tổ dân phố trong toàn xã tổ chức họp dân để quán triệt, tuyên truyền và cử Ban phát triển thôn với thành phần có sự tham gia của cấp ủy, trưởng, phó thôn, xóm các tổ chức đoàn thể và đại diện các hộ dân là những người có uy tín và năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định.
Ban Chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã, Ban Dồn điền, đổi thửa các thôn, xóm bám sát trình tự các bước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án dồn điền đổi thửa.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban Chỉ đạo dồn điền, đổi thửa các xã phải đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị, như thu thập hồ sơ, tài liệu, lập sơ đồ đất nông nghiệp ngoài đồng theo từng xóm, có đủ các hồ sơ quy hoạch,... nghiên cứu xây dựng phương án định hướng của xã chi tiết, tính toán điều chuyển đất đai giữa các xóm sao cho hợp lý nhất, cung cấp vật tư, hỗ trợ kinh phí kịp thời cho Ban Chỉ đạo dồn điền, đổi thửa các thôn, xóm.
Thực hiện công khai các quy hoạch: Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ tại cơ sở thôn, xóm và xã để nhân dân biết và thực hiện.
Tổ chức rà soát quỹ đất, khẩu được giao ruộng theo NQ-03/1993 và hiện trạng đất nông nghiệp ngoài đồng của từng hộ, diện tích đất chuyển nhượng, chuyển đổi, đất bị thu hồi, đất giãn dân,… theo quy định của pháp luật theo địa bàn thôn.
Thống kê các vị trí quy hoạch, mở rộng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương; các vị trí quy hoạch sản xuất nông nghiệp (đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm); các vị trí quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các công trình công cộng khác theo địa bàn thôn, xóm.
Vận động nhân dân hiến đất theo diện tích hiện đang canh tác ngoài đồng được giao ruộng ổn định, xây dựng đề án của cấp xã để định hướng cho các thôn, xóm xây dựng phương án, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cấp xã tổng hợp các đề nghị của thôn, xóm và khu dân dư, tổ dân phố hoàn thiện phương án dồn điền, đổi thửa của cấp xã thông qua Ban Chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng nhân dân cấp xã thảo luận và ban hành nghị quyết thông qua phương án, hoàn thiện phương án trình và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Bốn là, kinh nghiệm về giải quyết những khó khăn do lịch sử để lại nảy sinh khi triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp
Quá trình thực hiện Nghị quyết 03 của tỉnh, ở địa phương nào cũng vậy dù ít hay nhiều đều có những khó khăn.
Trong quá trình thực hiện, vấn đề nảy sinh khi triển khai là một số hộ nông dân không đồng tình dẫn đến không thể thực hiện kế hoạch dồn điền, đổi thửa của địa phương. Do vậy, phải áp dụng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, khi phương án xây dựng được trên 80% nhân dân đồng tình ủng hộ là có thể triển khai thực hiện.
Dồn điền, đổi thửa gắn liền với quy hoạch, chỉnh trang lại ruộng đồng để bảo đảm khi xây dựng phương án, sự chênh lệch địa tô giữa các thửa ruộng trong cùng một khu vực có cùng hệ số chuyển đổi điều kiện tưới tiêu, cũng như lợi thế về địa lý ở mức độ tương đương nhau, hạn chế mức thấp nhất chệnh lệch giữa các khu, các thửa. Các địa phương khi quy hoạch lại đồng ruộng nên vận động nhân dân dành một quỹ đất nhất định theo tỷ lệ 0,5% - 1% đất được giao, hay mỗi khẩu từ 2 - 5m2 để tập trung thành khu sau đó quy hoạch chuyển đổi mục đích hằng năm, xây dựng kế hoạch giao thầu hoặc bán đấu giá lấy kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương hoặc kiên cố hóa đường giao thông nội đồng.
Năm là, phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cấp trên
Trước hết là phải có chủ trương bằng nghị quyết lãnh đạo, có hỗ trợ kinh phí, chính sách khai thác nguồn kinh phí đầy tư. Vấn đề kinh phí cho việc thực hiện dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, tình trạng người nông dân phải đóng góp nhiều ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ và chất lượng của công việc. Mặt khác, cần có sự giúp đỡ bằng công tác chuyên môn của các ngành trong quy hoạch, tổ chức thực hiện dự án đầu tư sau khi chuyển đổi ruộng đất (cây con, giống mới, mô hình sản xuất).
Đặc biệt, trường hợp xuất hiện các tình huống phức tạp trong việc dồn điền, đổi thửa thì không được để mặc thôn, xóm tự giải quyết, mà Ủy ban nhân dân cấp huyện cần kịp thời vào cuộc, như tổ chức đối thoại hoặc tìm các giải pháp khác để giải quyết, tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây phức tạp cho tình hình an ninh, chính trị và thiệt thòi cho người dân...;
Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, các địa phương cần hoàn thiện hồ sơ giao ruộng cho các hộ nông dân: Hoàn thiện hồ sơ địa chính làm cơ sở cho việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ; hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán các khối lượng công việc đã thực hiện; xây dựng phương án để tiếp tục huy động các nguồn lực để tu bổ, hoàn thiện nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; có cơ chế khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Các địa phương cần quan tâm làm tốt các khâu dịch vụ cho quá trình sản xuất và có các phương án để thu hút lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp.
Sáu là, kịp thời biểu dương những cá nhân, tập thể gương mẫu trong dồn điền, đổi thửa và hiến đất xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi của địa phương
Thực tiễn ở Hải Dương, qua 02 lần thực hiện dồn điền, đổi thửa (năm 2003 và năm 2013), diện mạo nông thôn đã có những thay đổi cơ bản. Các huyện, xã, thôn trong quá trình thực hiện đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Từ việc tuân thủ các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết về xây dựng nông thôn mới đến các quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp quy hiện hành. Dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng đã trở thành phong trào lớn ở nông thôn, được đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều địa phương đã chủ động sáng tạo và vận động nhân dân ủng hộ kinh phí, ngày công và góp một phần diện tích cho quá trình chỉnh trang đồng ruộng. Dồn điền, đổi thửa về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra là khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, đất công điền cơ bản được tập trung vào các vị trí quy hoạch cho các công trình công cộng hoặc tập trung thành vùng thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng lâu dài; sau dồn điền, đổi thửa nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Hải Dương./.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
1) Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2002): Đề án “Hướng dẫn nông dân đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”
(2) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2005): Chuyên đề: Những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Đề án “hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”
(3) Báo cáo số 02/BC-BCĐ ngày 10-4-2015 về “Kết quả công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng năm 2014, nhiệm vụ năm 2015” của Ban Chỉ đạo huyện Ninh Giang
(4) Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2014): Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 (số 136/BC-UBND ngày 05-12-2014)
Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng  (11/04/2016)
Thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực tại Yemen  (11/04/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-4-2016  (11/04/2016)
Chờ… thẩm định  (11/04/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên