Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-4-2016
Hà Nội: Quyết liệt đưa Nghị quyết 39 vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị "về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Thành ủy Hà Nội đã triển khai hàng loạt công việc với tinh thần quyết liệt, đúng theo lộ trình đã định.
Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, 4 Phó Bí thư Thành ủy làm Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cũng đã được thành lập. Kế hoạch số 03-KH/BCĐ về các nhiệm vụ công tác trong năm 2016 đã được Ban Chỉ đạo ban hành. Theo đó, có 7 đầu việc lớn và hàng chục đầu việc nhỏ sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. Trong đó, riêng về xây dựng và kiện toàn hệ thống văn bản, Ban Chỉ đạo sẽ ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có những văn bản rất mới như chế độ đặc thù của thành phố khuyến khích các đối tượng tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế...
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, thực hiện Nghị quyết 39, Hà Nội sẽ thực hiện tinh giản biên chế đồng bộ cả hệ thống; không có cơ quan nào không thực hiện. Với tinh thần này, Ban Chỉ đạo đã xác định, từ tháng 4-2016, việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ được tiến hành. Mỗi đồng chí Phó Bí thư Thành ủy phụ trách một khối. Dự kiến từ tháng 5, tháng 6 năm nay, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ được thực hiện, trước tiên là các ban Đảng, văn phòng cấp ủy từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã, các Đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy… Mô hình tổ chức một số Đảng bộ khối cũng sẽ được xem xét, sắp xếp phù hợp như nâng cấp mô hình Đảng bộ khối các khu công nghiệp và chế xuất hay tổ chức lại các Đảng ủy khối Công nghiệp, Du lịch, Doanh nghiệp.
Trong tháng 4 này, Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và Văn phòng Thành ủy xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức đối với các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, trong vòng 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11-2016), các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, khối UBND thành phố và khối HĐND thành phố sẽ phải xây dựng hoặc điều chỉnh đề án vị trí, việc làm. Riêng khối các cơ quan Đảng và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, sau khi hoàn thành đề án vị trí việc làm, ngay trong năm 2016 sẽ được Ban Chỉ đạo đưa ra lộ trình điều chỉnh, giao chỉ tiêu biên chế đến năm 2021 theo từng đơn vị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 39, thành phố xác định trọng tâm, trọng điểm là gắn với cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, nhất là tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân. Để đạt được yêu cầu này, một trong những khó khăn lớn nhất là việc cơ cấu lại tổ chức một số cơ quan, đơn vị, nhất là giảm số lượng phòng, ban. Khó khăn là vậy, nhưng lợi ích mà việc thực hiện Nghị quyết 39 đem lại sẽ là động lực thôi thúc các cấp, các ngành; là mong mỏi của đảng viên, nhân dân.
Tinh giản biên chế ở Quảng Ninh
Trong khi hầu hết các địa phương còn ì ạch trong việc tinh giản biên chế thì tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thực hiện đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), giảm được 1.605 công chức - viên chức và hợp đồng lao động, tiết kiệm được gần 300 tỉ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, tỉnh đã rà soát toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế. “Địa phương đã mạnh dạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”. Mô hình đổi mới của Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới, làm tốt 3 mục tiêu: Tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của người dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, tiết kiệm nguồn lực cũng như sự đóng góp của người dân.
Sau một thời gian thí điểm, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai rộng khắp mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Cụ thể, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện Cô Tô và Tiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện; kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện, như: Trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tổ chức kiêm trưởng Phòng Nội vụ, Chánh Văn phòng Huyện ủy kiêm Chánh Văn phòng HĐND và UBND ở hầu hết các thành phố, huyện, thị xã trong tỉnh. Cùng với các cơ quan cấp huyện, mô hình nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng được thực hiện quyết liệt ở các xã, thôn trong toàn tỉnh.
Chỉ sau một năm thực hiện Đề án 25, toàn tỉnh đã giảm được 1.605 công chức, viên chức; cắt chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (gồm hàng ngàn tổ trưởng dân phố, trưởng khu dân cư…); giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở - ban - ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương... Hiệu quả từ đề án này đã tiết kiệm chi thường xuyên được gần 300 tỉ đồng/năm và hàng trăm tỉ đồng từ cơ sở vật chất.
30 bộ, ngành, địa phương gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ
Theo Kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, đến 30-4 sẽ có 30 bộ, ngành, địa phương liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ qua Trục liên thông trên hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 22 tỉnh, thành phố cũng liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử dịp này gồm: Bình Định, Quảng Ninh, Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Đắk Nông.
Liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nêu trên qua hệ thống Trục liên thông. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
Việc liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch, trước ngày 01-6-2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử là một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Đà Nẵng: Tiếp nhận góp ý của tổ chức, công dân qua hệ thống thông tin chính quyền điện tử
Ngày 13-10-2015, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7573/QĐ-UBND về Quy chế tiếp nhận, xử lý các góp ý của tổ chức, công dân trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng. Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng là đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông được UBND thành phố giao nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận các ý kiến góp ý của tổ chức, công dân; phân loại; chuyển đúng cho cơ quan có trách nhiệm xử lý và trả lời cho tổ chức, công dân. Trung tâm có nhân lực trực xử lý tất cả các ngày trong tuần (từ 7h30h - 17h30). Để thực hiện việc góp ý, phản ánh trực tiếp trên trang chủ của ứng dụng tại địa chỉ gopy.danang.gov.vn, công dân sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, tài khoản thư điện tử Gmail, hoặc đăng ký tài khoản công dân điện tử tại chính địa chỉ ứng dụng. Địa chỉ email hỗ trợ: gopy@danang.gov.vn ; điện thoại qua đường dây nóng hỗ trợ: (0511)1022. Qua thời gian ban đầu thử nghiệm, các vướng mắc kỹ thuật của ứng dụng gopy.danang.gov.vn cũng như quy trình vận hành đã được khắc phục, hoàn thiện để phục vụ người dân được tốt nhất. Góp ý là một ứng dụng giúp các tổ chức, công dân gửi ý kiến, góp ý, phản ánh đến các cơ quan trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, có tên miền là gopy.danang.gov.vn. Ý kiến góp ý được tổ chức, công dân gửi thông qua ứng dụng này được chuyển về Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng, sau đó chuyển chính xác đến cơ quan chức năng để xử lý và trả lời cho tổ chức, công dân ngay trên ứng dụng. Điều này giúp người dân có thể biết thông tin và giám sát. Đây vừa là một kênh để du khách và người dân góp ý với thành phố; cũng là kênh mà thông qua đó, các cơ quan nhà nước kịp thời nắm thông tin để nhanh chóng xử lý, khắc phục những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, ăn xin - hàng rong, hạ tầng và công trình đô thị, môi trường.
Qua 3 tháng hoạt động thử nghiệm (từ đầu năm đến ngày 31-3-2016) đã có 190 lượt góp ý, phản ánh trực tiếp trên trang chủ của ứng dụng tại địa chỉ gopy.danang.gov.vn, trung bình có 63 góp ý/tháng và số lượng ý kiến góp ý gửi về ngày một tăng lên. Tất cả quá trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi các góp ý, phản ánh của du khách, người dân được thực hiện công khai, minh bạch tại địa chỉ trên.
Hà Nam thuê dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai Chính phủ điện tử
Triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư là chủ trương lớn của tỉnh Hà Nam nhằm đạt mục tiêu trong năm 2016 sẽ vươn lên vị trí 20 trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện hợp tác chiến lược và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2016 giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 08-4, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành tập trung mạnh vào cải cách các khâu liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính một cách công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân thông qua sử dụng các giải pháp viễn thông - công nghệ thông tin. Tỉnh Hà Nam là sẽ thuê trọn gói dịch vụ công nghệ thông tin để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử nhằm giảm chi phí đầu tư và nhân lực.
Trong 1 năm qua, VNPT đã đầu tư xây dựng cung cấp đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, hạ tầng máy chủ, lưu trữ cơ sở dữ liệu, đảm bảo an ninh thông tin, an toàn mạng… sẵn sàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ về viễn thông - công nghệ thông tin để đáp ứng mọi yêu cầu về triển khai chính quyền điện tử của tỉnh Hà Nam.
Cụ thể, mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối đến các sở, ban, ngành tỉnh và 6 huyện/thành phố, kết nối đường Mega-wan bằng cáp quang phục vụ cho mạng dùng riêng cho cơ quan đảng từ Tỉnh ủy tới các Đảng ủy xã, phường. Đồng thời, VNPT đang tiến hành quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, tổ chức thuộc các cấp chính quyền.
Hiện, Hà Nam cũng đang sử dụng giải pháp truyền hình hội nghị trực tuyến từ UBND tỉnh Hà Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đến UBND các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên và UBND TP. Phủ Lý. Một hệ thống thiết bị giám sát cũng đã được lắp đặt tại 12 điểm đầu mối, xây dựng đường truyền dữ liệu kết nối giữa Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh Hà Nam và Công an tỉnh với các Phòng xử án của Tòa án nhân dân hai cấp.
Tập đoàn VNPT đã và đang triển khai phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến tại 26 sở, ngành, UBND huyện/thành phố trong tỉnh./.
Chờ… thẩm định  (11/04/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-4-2016)  (11/04/2016)
Các thành viên mới của Chính phủ  (10/04/2016)
Hội nghị Ngoại trưởng G7 khai mạc với quan ngại về vấn đề Biển Đông  (10/04/2016)
Đông đảo người Việt tại Đức biểu tình phản đối Trung Quốc  (10/04/2016)
Người dân Argentina hào hứng với Tuần Văn hóa Việt Nam  (10/04/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên