TCCSĐT - “Hồ sơ Panama” đang là tâm điểm chú ý trên thế giới khi hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới siêu giàu trên toàn thế giới.

Chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới tăng trong năm 2015

 

Ảnh minh họa. Ảnh: sanpedrosun.com

Ngày 04-4-2016, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2015, tổng chi tiêu quân sự trên toàn thế giới tăng 1%, lên 1,67 nghìn tỷ USD so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm giảm, chi tiêu quốc phòng tăng trở lại. Báo cáo của SIPRI cho rằng xung đột gia tăng tại một số khu vực trên thế giới đã khiến cho chi tiêu quân sự tăng theo. Đông Âu, châu Á và Trung Đông là những khu vực có mức chi tiêu quốc phòng tăng cao, trong khi sự giảm sút chi tiêu quân sự tại một số nước phương Tây đã chững lại. Mặc dù, ngân sách chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm 2015 giảm 2,4%, xuống mức 596 tỷ USD so với năm 2014, song Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về ngân sách chi tiêu cho hoạt động quân sự. Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao của SIPRI Sam Perlo-Freeman, Mỹ đã dành một phần đáng kể cho các cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS). Đứng thứ hai là Trung Quốc, với chi tiêu dành cho an ninh - quốc phòng năm 2015 là 215 tỷ USD; Saudi Arabia đứng thứ ba với mức chi 87,2 tỷ USD và Nga đứng thứ tư với 66,4 tỷ USD. Theo SIPRI, trong giai đoạn 10 năm (2006 - 2015), ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm 4% trong khi Trung Quốc tăng 132%; các nước Saudi Arabia và Nga có mức tăng lần lượt là 97% và 91%.

Hội nghị Liên hợp quốc về phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan bạo lực

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon giới thiệu Chương trình hành động về ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan, bạo lực tại Hội nghị. miamiherald.com

Trong hai ngày 07 và 08-4-2016, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Cơ quan đặc trách chống khủng bố của Liên hợp quốc (CTITF) đã phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Hội nghị phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Phát biểu tại phiên họp hướng tới kỷ niệm 10 năm triển khai Chiến lược toàn cầu về chống khủng bố (năm 2006 - 2016), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã giới thiệu Chương trình hành động về ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Đây là chương trình nhằm thúc đẩy cách tiếp cận phòng ngừa, đi vào giải quyết một trong các căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố là hiện tượng cực đoan hóa cũng như sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, thay cho cách thức chống khủng bố bằng các biện pháp an ninh và quân sự truyền thống trước đây.

Hội nghị lần này là diễn đàn để các nước bày tỏ quan điểm, cam kết chính trị, trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn tốt, giúp phát huy hiệu quả công tác phòng, chống và ngăn chặn sự phát triển chủ nghĩa cực đoan, bạo lực trong bối cảnh hòa bình, an ninh quốc tế cũng như sự ổn định, phát triển bền vững tại mỗi quốc gia trong thời gian gần đây đã bị tác động sâu sắc bởi hiện tượng cực đoan này. Tại Hội nghị, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế cũng đề cao sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận từ chống sang phòng ngừa, trong đó tập trung giải quyết các nhân tố thúc đẩy quá trình cực đoan hóa của các nhóm trong xã hội, tăng cường đẩy mạnh các biện pháp phi cực đoan hóa, bên cạnh việc khoan dung, hòa hợp về văn hóa, xã hội, tôn giáo tại mỗi nước,… Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng nhấn mạnh không thể và không nên quy chụp chủ nghĩa cực đoan, bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo, quốc gia, nền văn minh hay một nhóm dân tộc nào.

“Hồ sơ Panama” - vụ tham nhũng toàn cầu

 

Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đã giúp khoảng 140 chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy,... trốn thuế. Ảnh: bankinfosecurity.com

“Hồ sơ Panama” đang là tâm điểm chú ý trên thế giới khi hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới siêu giàu trên toàn thế giới. Theo một phần trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, công ty này đã giúp khoảng 140 chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy,... trốn thuế. Số tài liệu này ghi lại hoạt động hằng ngày của Công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua, và được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay. Theo báo Nam Đức (Sueddeutsche Zeitung) của Đức số ra ngày 06-4, Công ty luật Mossack Fonseca đã thiết lập nhiều công ty tài khoản ủy thác có quan hệ thân thiết với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm giúp Chính phủ Syria tiếp cận các nguồn tài chính để phục vụ cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này, bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi “Hồ sơ Panama” bị rò rỉ, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới phải từ chức vì bị cáo buộc đã giấu những đầu tư trị giá hàng triệu USD trong một công ty bình phong ở nước ngoài. Song người phát ngôn Chính phủ Iceland cho biết ông D. Gunnlaugsson chỉ từ chức trong một thời gian và vẫn là Chủ tịch Đảng Tiến bộ. Trước sức ép của dư luận nghi ngờ Thủ tướng David Cameron có sở hữu và bán các cổ phần trong một quỹ đầu tư sinh lợi từ nước ngoài do cha quá cố của ông sở hữu, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 10-4 cũng chính thức công khai về việc đóng thuế của cá nhân ông. Đây là lần đầu tiên một vị Thủ tướng Anh công khai các thông tin như vậy cho công chúng. Trong khi đó, cơ quan quản lý thuế của nhiều nước, như Mexico, Israel, Séc, Singapore,… đang tiến hành điều tra các cá nhân và công ty có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama”. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Panama Juan Carlos Valera khẳng định Panama “cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các hoạt động tài chính và dịch vụ doanh nghiệp sai trái”. Tuyên bố cũng khẳng định nước này sẽ không khoan dung cho các hoạt động pháp luật và tài chính không minh bạch.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản

 

Ông Murakami Kenjyu, Trưởng Phòng Giải trừ, Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: vtv.vn

Ngày 10-4-2016, Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Các Ngoại trưởng tham dự Hội nghị sẽ thảo luận về những vấn đề cấp bách toàn cầu, như tình hình Trung Đông, cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu, xung đột ở miền Đông Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, nước chủ nhà Nhật Bản cũng muốn nêu bật những mối quan ngại khác, như căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hy vọng Hội nghị sẽ ra “Tuyên bố Hiroshima” để thúc đẩy quá trình giải trừ hạt nhân.

Hội nghị cấp ngoại trưởng này cũng nhằm trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27-5 tại Ise-Shima, Nhật Bản. Phát biểu trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ mong muốn khôi phục khuôn khổ G8 với sự tham gia của Nga. Ông F. Steinmeier nhấn mạnh cần phải tạo điều kiện để khôi phục G-8 vì sẽ không thể giải quyết bất cứ cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nào nếu không có Nga. Tuy nhiên, ông Steinmeier khẳng định chưa thể nối lại khuôn khổ G-8 trong năm nay, đồng thời chỉ rõ điều kiện tiên quyết để Nga quay trở lại G-8 là nước này phải đóng góp vào giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tiếp tục vai trò xây dựng trong việc thiết lập hòa bình ở Syria./.