TCCSĐT - Ngày 22-3-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm tới Cuba sau 88 năm.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Cuba

 

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro bắt tay trong cuộc họp đầu tiên vào ngày 21-3-2016 tại Obama, Havana. Ảnh: Reuters

Ngày 22-3-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời sân bay quốc tế José Martí tại Thủ đô La Habana, kết thúc chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm tới Cuba sau 88 năm. Chuyến thăm cũng được nhìn nhận rộng rãi là mang tính lịch sử trong quan hệ nhiều sóng gió giữa hai nước.

Trong thời gian tại Cuba, Tổng thống B. Obama đã có buổi hội đàm dài hơn 2 tiếng với Chủ tịch Raúl Castro và sau đó hai nguyên thủ đã có buổi tuyên bố báo chí chung, nhấn mạnh quyết tâm cải thiện quan hệ bất chấp những bất đồng sâu sắc còn tồn tại giữa hai nước. Chủ tịch Cuba Raúl Castro kêu gọi Mỹ cùng Cuba áp dụng nghệ thuật “chung sống văn minh”, vì lợi ích nhân dân hai nước. Về phần mình, Tổng thống B. Obama cam kết “con đường tiến tới chấm dứt cấm vận sẽ vẫn tiếp tục” ngay cả khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình vào cuối năm nay. Tổng thống Mỹ thừa nhận quan điểm khác biệt trong vấn đề quyền con người, không chỉ với riêng Cuba mà còn với cả Việt Nam và Trung Quốc, nhưng cho biết lập trường của ông là tiếp tục đề cao những giá trị Mỹ nhưng không áp đặt thay đổi tại các nước khác. Người đứng đầu chính quyền Mỹ cũng có bài phát biểu trước đại diện xã hội dân sự tại Cuba, trong đó khẳng định chính nhân dân Cuba với những đặc tính ưu việt của mình đã khiến Washington quyết định thay đổi chính sách cô lập về kinh tế và chính trị đối với quốc đảo Caribe này trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng

 

Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: VGP

Ngày 23-3-2016, tại thành phố Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”. Hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam) đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong - Lan Thương. Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân. Trong thời gian tới, hợp tác Mekong - Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Hội nghị nhấn mạnh các nước cần tăng cường phối hợp trong ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc tăng lượng xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ khắc phục hạn hán ở hạ nguồn là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác. Hội nghị ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong - Lan Thương”, Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và Danh sách các dự án thu hoạch sớm.

Nhóm G7+ kêu gọi cải thiện sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế

 

G7+ được thành lập năm 2010 với mục đích tìm cách đối phó với những thách thức đặc biệt mà các nước thành viên phải đối mặt. Ảnh: mof.gov.tl

Trong hai ngày 23 và 24-3-2016, Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ tư của tổ chức các nước đã hoặc đang bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc đang trong quá trình chuyển tiếp, gọi tắt là G7+, đã diễn ra ở Thủ đô Kabul của Afghanistan. Với khẩu hiệu “Tạm biệt xung đột, chào đón phát triển”, Hội nghị tập trung thảo luận cách giải quyết những thách thức khác nhau mà các nước bị xung đột phải đối mặt, như tham nhũng, buôn người, kết cấu hạ tầng yếu kém, thất nghiệp, cũng như thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế,... Các đại biểu tham gia Hội nghị cũng đề cập những lĩnh vực mà sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chưa hiệu quả và hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ. Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Aklil Hakimi nhận định Hội nghị rất hữu ích, nhằm giúp cải thiện sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và tăng cường phối hợp giữa các nước G7+. Ông cũng cho rằng Hội nghị là chìa khóa để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Afghanistan.

G7+ là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 2010, có trụ sở ở Thủ đô Dili của Timor Leste, với mục đích tìm cách đối phó với những thách thức đặc biệt mà các nước thành viên phải đối mặt và giúp quốc tế đưa ra những chính sách tốt hơn để đáp ứng các nhu cầu của họ. G7+ có 7 thành viên sáng lập gồm Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Haiti, Liberia, Nam Sudan, Sierra Leone, Timor Leste, và 14 nước khác gồm Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cote d’Ivoire, Guinea, Guinea-Bissau, Papua New Guinea, Sao Tome và Principe, Solomon, Somalia, Togo và Yemen.

Trung Quốc: Rúng động vì vaccine bất hợp pháp

 

Tổng giá trị vaccine bất hợp pháp đã được bán ra trong vụ án vừa công bố tại Trung Quốc là 310 triệu nhân dân tệ (gần 50 triệu USD). Ảnh minh họa: naturalhealth365

Ngày 24-3-2016, sau khi triệt phá thành công vụ buôn bán bất hợp pháp các loại vaccine gây chấn động dư luận Trung Quốc, các cơ quan chức năng nước này gồm Bộ Công an, Ủy ban Y tế quốc gia, Tổng cục Quản lý và Giám sát chất lượng thực phẩm và dược phẩm quốc gia đã tổ chức họp báo, thông báo về tình hình điều tra, cung cấp những thông tin liên quan nhằm trấn an tâm lý người dân. Theo Bộ Công an Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại đã tạm giữ hình sự đối với hơn 130 đối tượng và đang hoàn tất thủ tục điều tra để tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị vaccine được bán ra thị trường trong vụ án nói trên là 310 triệu nhân dân tệ (gần 50 triệu USD). Phần lớn số lượng vaccine kém chất lượng không được bảo quản trong các thiết bị làm lạnh chuyên dụng. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Quản lý và Giám sát chất lượng thực phẩm và dược phẩm quốc gia cho biết, nếu không được bảo quản trong môi trường nhiệt độ đặc biệt trong thời gian ngắn thì vaccine thường không gây ra vấn đề cho sức khỏe của người sử dụng. Cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ an toàn của lượng vaccine nói trên, đồng thời nghiên cứu các biện pháp xử lý.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Theo thống kê, nước này hiện có 41 cơ sở sản xuất vaccine hợp pháp với 64 loại vaccine khác nhau, đáp ứng 95% nhu cầu vaccine của người dân Trung Quốc. Song người dân Trung Quốc hiện hết sức hoang mang về những lỗ hổng trong quy định về hoạt động cung ứng dược phẩm ra thị trường sau khi đường dây buôn bán vaccine trái phép liên quan nhiều công ty dược phẩm tại 24 tỉnh, thành phố bị phát hiện. Đặc biệt, nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra bất bình khi cơ quan chức năng nước này bắt đầu điều tra từ cuối tháng 4-2015 nhưng phải đến đầu tháng 02-2016 mới công bố vụ việc.

Bế mạc khóa họp lần 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

 

Khóa họp lần thứ 31 Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận 26 dự thảo liên quan nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao. Ảnh: idcoalition.org

Ngày 24-3-2016, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 40 nghị quyết, quyết định và tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền tại khóa họp thường kỳ lần thứ 31.

Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận 26 dự thảo liên quan nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao, như thực hiện các quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, quyền lao động, quyền lương thực, quyền văn hóa và đa dạng văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền, quyền trẻ em và công nghệ thông tin, tự do và khoan dung tôn giáo, hoặc về khía cạnh quyền con người trên nhiều vấn đề toàn cầu đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, như di cư, chống khủng bố, các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong số đó, có các nghị quyết về tình hình tại một số nước cụ thể như Myanmar, Triều Tiên, Nam Sudan hoặc về hỗ trợ kỹ thuật về quyền con người tại một số quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh. Đồng thời, sau nhiều phiên tranh luận thẳng thắn, 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu để thông qua 14 dự thảo khác, đáng chú ý là các nghị quyết liên quan tình hình tại Syria, Iran, các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, vấn đề biểu tình, nợ nước ngoài, các quỹ bất hợp pháp, các cá nhân và tổ chức liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Hiểm họa của một thế hệ “thánh chiến” châu Âu

 

Vụ tấn công xảy ra tại Brussels (Bỉ) đã bộc lộ hiểm họa của một thế hệ “thánh chiến” châu Âu mới được IS reo rắc tư tưởng cực đoan. Ảnh: Daily Mail

Ngày 27-3-2016, giới chức tư pháp Bỉ cho biết, sẽ đề nghị dẫn độ về Bỉ để xét xử Djamal Eddine Ouali, nghi can người Algeria bị truy nã tại Bỉ và bị cảnh sát Italy bắt giữ một ngày trước đó ở thành phố Bellizzi, thuộc tỉnh Salerno, phía Nam Italy. Đối tượng trên bị tình nghi làm giấy tờ giả cung cấp cho một số nghi can tham gia vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái. Trước đó, “Thời báo Tài chính” của Anh ngày 22-3 cho rằng loạt vụ tấn công xảy ra tại Brussels (Bỉ) - nơi được coi là trái tim châu Âu, đã bộc lộ hiểm họa của một thế hệ “thánh chiến” châu Âu mới được tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) reo rắc tư tưởng cực đoan. Theo tờ báo trên, một nguồn tin tình báo cao cấp của Anh cho biết gần một nửa số công dân châu Âu từng tới Syria để gia nhập IS nay đã trở lại “lục địa già”. Vụ tấn công liên tiếp vào sáng 22-3 tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt ra câu hỏi liệu IS hay một phong trào thánh chiến có liên kết chặt chẽ nào đó có tuyển mộ các thành viên mới ở châu Âu một cách bài bản hơn những gì các cơ quan an ninh biết đến hay không.

Còn trong báo cáo thường niên “Đánh giá Chiến lược Đông Á 2016”, công bố ngày 25-3, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản nhận định tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở Đông Á. IS đã cho thấy tham vọng mở rộng lãnh thổ, cũng như tuyển mộ các tay súng nước ngoài từ các quốc gia châu Á./.