Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có xu hướng tuyển lao động trong nước. Đã đến lúc họ cần bắt đầu đa dạng hóa nguồn lực lượng lao động để đối phó với bài toán suy giảm dân số trong độ tuổi lao động, cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Theo số liệu từ Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM, có trụ sở tại Thụy Sĩ), cùng "cảnh ngộ" với hầu hết các nước đã phát triển, Nhật Bản đang là một nước có dân số già hóa. Hiện 1/4 dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 65 trở lên và theo dự kiến, con số này sẽ tăng lên 1/3 sau 15 năm nữa.

Còn theo số liệu từ Chính phủ Nhật Bản, số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại Xứ hoa Anh đào tính tới cuối tháng 6/2015 đã vượt mốc 2,17 triệu người. Trong khi đó, số lượng người nước ngoài được phép đổi thị thực sinh viên sang thị thực lao động tại Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 13.000 người trong năm 2014.

Lực lượng lao động một khi được đa dạng hóa sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và củng cố tính sáng tạo cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản. Đây cũng là một trong những đường hướng chính trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản mới đây đã điều chỉnh hạ đánh giá triển vọng nền kinh tế Xứ hoa Anh đào trong tháng 02-2016 với lý do sức tiêu dùng và niềm tin doanh nghiệp yếu do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những bất ổn trên các thị trường tài chính toàn cầu và đà tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi.

Báo cáo hàng tháng của nội các Nhật Bản cho biết mặc dù đang trên đà hồi phục tương đối song nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã phát đi những tín hiệu tiêu cực trong thời gian gần đây trên một số lĩnh vực, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái nội các Nhật Bản quyết định hạ đánh giá về nền kinh tế đất nước.

Mặc dù vậy, nội các nước này vẫn giữ đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế trong ngắn hạn, với thị trường lao động và mức thu nhập khởi sắc sẽ là động lực thúc đẩy đà hồi phục của nền kinh tế.

Số liệu cập nhật nhất cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 4-2015 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chi tiêu tiêu dùng giảm./.