Cụ thể hóa và bảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.
Mở rộng quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin
Góp ý về phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 9), một số ý kiến đề nghị cần mở rộng quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật bảo đảm cung cấp thông tin chính xác; bảo đảm cho cơ quan nhà nước hoạt động bình thường, không tạo kẽ hở trong việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tính khả thi của luật.
Đồng thời, quy định như vậy, cũng tránh được việc gây khó khăn, bức xúc cho người dân; tránh được căn bệnh thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp tới người dân, như thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai, giao thông,…
Tuy nhiên, nếu quy định như khoản 1 của Điều 9, các cơ quan, ngành dọc của trung ương và địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ hay không. Theo đó, cần quy định cơ quan này có trách nhiệm cung cấp thông tin như quy định tại khoản 3 của Điều 9.
Tán thành với quy định tại Điều 9, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm vào khoản 3 trách nhiệm việc thực hiện cung cấp thông tin cho một số trường hợp cụ thể. Đó là Văn phòng của bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin do bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do mình tạo ra. Bởi nếu không quy định như vậy, Bộ trưởng sẽ phải làm việc này. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của bộ trưởng. Quy định Văn phòng bộ vào khoản 3 điều này là phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bộ cũng đã được quy định trong các văn bản của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của bộ; trong đó có nhiệm vụ về công tác thông tin.
Cơ bản thống nhất các nội dung quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung thêm một số nội dung; đó là các cơ quan trung ương quy định tại các điểm a, b, c khoản 3, Điều 9 không chỉ cung cấp thông tin tạo ra mà còn cung cấp cả những thông tin nắm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết và phù hợp với luật này. Vì các cơ quan này nắm giữ thông tin có hệ thống, đầy đủ, nhiều khi ở địa phương không đáp ứng được.
Đồng thời, bổ sung Văn phòng của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm cung cấp thông tin do ngành tòa án, Viện Kiểm sát tạo ra; cung cấp thông tin do mình nắm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết và phù hợp với luật này. Bởi lẽ, Việt Nam đã có quy định về án lệ nên Tòa án nhân dân tối cao cũng cần cung cấp án lệ cho công dân được biết khi có yêu cầu. Mặt khác, vì các cơ quan này cung cấp các quy định về xét xử, kiểm sát cũng rất cần thiết.
Đối với quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp thông tin tạo ra hay nắm giữ, cần nhanh chóng đầu tư để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã và các cơ sở vật chất, để khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện được. Thực tế hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao rất nhiều việc nhưng lực lượng thiếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu của người dân.
Quy định rõ hơn trách nhiệm khi cung cấp thông tin
Thảo luận về khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và xử lý vi phạm (Điều 14), có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về vấn đề này cho thống nhất với hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người yêu cầu cung cấp thông tin.
Có ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội quy định rõ điều kiện khiếu nại, khởi kiện, tố cáo để tránh phát sinh quá nhiều khiếu nại, khởi kiện, tố cáo làm ảnh hưởng đến hoạt đồng bình thường của cơ quan nhà nước.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng theo quy định tại các Điều 11, 15 dự thảo Luật, các cơ quan, tổ chức và đơn vị chỉ phải bồi thường trong trường hợp cố ý cung cấp sai thông tin mà gây thiệt hại. Như vậy, theo quy định, trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác như các Điều 22, 23, do lỗi vô ý mà gây thiệt hại, cơ quan, tổ chức và đơn vị công khai hay cung cấp thông tin không phải bồi thường. Vậy khi cá nhân, tổ chức sử dụng thông tin không chính xác được công khai, cung cấp bị thiệt hại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Do đó, để nâng cao trách nhiệm của người cung cấp thông tin cũng như người công khai thông tin, đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức gây thiệt hại khi cung cấp thông tin.
Theo đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), hiện nay dự thảo luật không quy định cụ thể các trường hợp công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; mà chỉ quy định việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính. Việc quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo không cần thiết, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và uy tín của cơ quan nhà nước.
Do đó, đề nghị cần quy định các trường hợp công dân được khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về tiếp cận thông tin như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội; cụ thể là bị từ chối cung cấp thông tin không phù hợp với quy định của pháp luật; quá thời hạn cung cấp thông tin theo quy định của luật này, mà cơ quan nhận được yêu cầu cung cấp thông tin không trả lời hoặc không thông báo cho người yêu cầu cung cấp thông tin; phải trả chi phí tiếp cận thông tin trái với quy định của pháp luật. Các quy định này bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, nhất là cơ sở pháp lý để người dân khiếu nại, khởi kiện. Thực tiễn pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rõ các điều kiện khiếu nại, khởi kiện trong một số luật chuyên ngành.
Liên quan đến chủ thể có quyền tiếp cận thông tin (Điều 4), có ý kiến đề nghị dự thảo Luật không nên giới hạn chỉ có công dân mới có quyền tiếp cận thông tin mà cần mở rộng hơn chủ thể có quyền tiếp cận thông tin, bao gồm cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Vì vậy, để đảm bảo cam kết của Việt Nam khi gia nhập các điều ước quốc tế cũng như theo tinh thần của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, dự thảo luật cần bổ sung những quy định cụ thể cá nhân người nước ngoài tiếp cận thông tin.
Điều 36 dự thảo Luật chỉ quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ theo trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin như đối với công dân Việt Nam. Tuy nhiên, quy định về quyền, trách nhiệm của người nước ngoài khi tiếp cận thông tin cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi cung cấp thông tin cho người nước ngoài vẫn chưa được đề cập. Như vậy, khi xảy ra tranh chấp về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người nước ngoài và cơ quan, tổ chức hay đơn vị cung cấp thông tin sẽ không có quy định quy phạm nào điều chỉnh. Do đó, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể điều chỉnh về người người ngoài tiếp cận thông tin vào các chương I, II, IV của dự thảo luật.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp ý kiến cụ thể về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin; thông tin được tiếp cận; chi phí tiếp cận thông tin; xử lý vi phạm,…/.
Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội  (24/03/2016)
Phản ứng mạnh mẽ đối phó khủng bố  (24/03/2016)
Kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan tôn trọng chủ quyền Việt Nam  (24/03/2016)
Khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao  (24/03/2016)
Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác lịch sử Đảng năm 2013 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 - 2017  (24/03/2016)
Tiếp tục các tin tức về Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII  (24/03/2016)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay