Tiếp tục các tin tức về Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
10:11, ngày 24-03-2016

TCCSĐT - Sau khi dành một ngày (22-3) để nghe báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tại hội trường, ngày 23-3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về các Báo cáo.

Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ và thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nhiều ý kiến đánh giá các bản báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện được trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trước nhân dân và cử tri cả nước. Các ý kiến đánh giá các bản báo cáo của cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế yếu kém và các bài học kinh nghiệm để khóa tới hoạt động hiệu quả hơn. Những bài học kinh nghiệm được đúc rút, là kim chỉ nam để nhiệm kỳ tới kế thừa, phát huy những kết quả đã làm được, tích cực khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém...

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có tính ổn định

Nhiều ý kiến đại biểu đã thẳng thắn đánh giá về những kết quả, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.

Nêu lên các bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhiều ý kiến ghi nhận và đánh giá cao Quốc hội khóa XIII đã tập trung xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 2013, hoàn thành hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, tạo lập nền tảng pháp lý quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau khi Hiến pháp được ban hành, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đưa Hiến pháp vào cuộc sống; quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Đặc biệt Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; bảo đảm bám sát yêu cầu thực tế, phát huy hiệu quả trong cuộc sống; tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật, góp phần bảo đảm để Hiến pháp, pháp luật phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được tăng cường, đạt kết quả thiết thực, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới.

Cùng với những kết quả đáng ghi nhận, các ý kiến cũng đã chỉ rõ nhưng mặt còn hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Quốc hội. Đó là việc vẫn phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu.

Góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh

Lĩnh vực tư pháp là một trong những kết quả công tác được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xây dựng nhiều đề án quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp và một số luật có nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp; xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng...

Một số ý kiến tán thành với những nguyên nhân của hạn chế được đề cập tại báo cáo đó là nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định, song trên thực tế còn thiếu cơ chế cụ thể, đủ hiệu lực thực thi nên khi triển khai còn vướng mắc; cải cách tư pháp là một quá trình lâu dài, phức tạp, vì vậy, mặc dù Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo thực hiện song kết quả công tác cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực còn hạn chế...

Năng lực dự báo còn hạn chế

Đối với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, các ý kiến đã tập trung thảo luận về việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; công tác chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức bộ máy, quản lý nền hành chính quốc gia; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm toán, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; việc phối hợp với các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội.

Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, góp phần tích cực vào việc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ khi đã thẳng thắn nhìn nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

Cơ bản giải quyết dứt điểm các vụ án oan, sai

Góp ý Báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng nhiệm kỳ qua, Tòa án Nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp, thi hành Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án Nhân dân các cấp. Tòa án Nhân dân tối cao đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác, nhất là công tác xét xử các loại vụ án.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các tòa án trong nhiệm kỳ qua còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một số tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt cao như mong muốn.

Thảo luận về Báo cáo của ngành Kiểm sát Nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, kết quả thực hiện quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội... Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số đơn vị của ngành kiểm sát chậm phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa...

Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán

Góp ý Báo cáo về công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu cho rằng báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, nhiệm kỳ tới, Kiểm toán Nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Kiểm toán Nhà nước chú trọng phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng Nhân dân các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm chế độ, chính sách, kỷ luật tài chính, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân.

* Buổi chiều các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Chưa thống nhất về việc tăng độ tuổi trẻ em lên 18

Đa số các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi tên Luật hiện hành thành “Luật trẻ em”. Việc đổi tên sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật, tương tự như tên của một số luật về đối tượng đặc thù đã được Quốc hội thông qua như Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nếu điều chỉnh, chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt đối với khoảng 250 nghìn người chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

Bàn về quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em sẽ dẫn đến một loạt hành vi dân sự của các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này sẽ phải tính toán lại. Như vậy sẽ phải tính toán lại Bộ Luật Hình sự; vấn đề kết hôn; vấn đề giao cấu với trẻ em; vấn đề tội phạm…

Điều này đi ngược xu thế chung của các nước. Nếu nói quy định như vậy không xung đột với các quy định hiện hành là chưa đúng, cần có sự giải trình các xung đột này trước khi thông qua quy định dưới 18 tuổi được coi là trẻ em.

Quy định cụ thể hơn về cơ chế thực hiện quyền trẻ em

Thảo luận về quyền và bổn phận của trẻ em, nhiều đại biểu chỉ rõ: Việc dự án Luật quy định quyền trẻ em gồm 25 quyền đã tiến gần đến các nhóm quyền cơ bản quy định tại công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là liệt kê bao nhiêu quyền mà là cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào, để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống.

Tự bản thân trẻ em không thể tự bảo vệ quyền của mình trước những nguy cơ bị tổn hại, vì vậy trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em phụ thuộc vào người nuôi dưỡng, người giám hộ, sau đó là nhà trường, các cơ sở nuôi dưỡng giáo dục và cả hệ thống chính trị.

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về các hành vi bị cấm và nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em; về chăm sóc và giáo dục trẻ em; về bảo đảm sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em…/.