Minh bạch để cạnh tranh lành mạnh

Nguyễn Trần Minh Trí Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
22:32, ngày 23-03-2016

TCCSĐT - Minh bạch trong kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động và nhận được sự tin cậy của đối tác, đồng thời người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp, từ đó góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Trong hội nhập quốc tế, doanh nghiệp nào khi chọn đối tác vào chuỗi cung ứng cũng rà soát đối tác, nếu minh bạch thì doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Chuyển giá do thiếu minh bạch

Liên tục thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập về sự minh bạch giá thị truờng đã và đang gây bức xúc xã hội, nổi bật là việc một số mặt hàng và dịch vụ có tính độc quyền cao tăng và giảm giá tuỳ thuộc nhiều vào khả năng “vận động, thuyết phục và kêu ca” của doanh nghiệp và hiệp hội kinh doanh ngành hàng. Hơn nữa, giá một số mặt hàng nhập ngoại liên tục tăng giá (như sữa trong vòng 3 năm qua đã có tới hơn 30 lần tăng giá); tăng kiểu đồng loạt và chỉ có lên một chiều, mà không có giảm, bất chấp xu hướng giá thế giới và khó khăn thị trường tiêu thụ gắn với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến giá trong nước vượt cao hơn nhiều giá cùng loại ở nước ngoài.

Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá ngày càng phổ biến trong các khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và liên kết lợi ích xuyên biên giới. Thậm chí, có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp kinh doanh xuyên quốc gia nằm trong top 500 công ty lớn nhất thế giới, đầu tư vào Việt Nam đã hơn hai thập kỷ nay mà vẫn kêu lỗ, và tuyên bố sẽ tiếp tục lỗ cả chục năm nữa, dù đã có kế hoạch mở rộng đầu tư lớn, đồng nghĩa với không chịu nộp thuế như một thách thức cả về năng lực và trách nhiệm quản lý của ngành thuế nước nhà.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động chuyển giá có xu hướng mở rộng về quy mô, hình thức, đối tượng tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp có lãi và hòa vốn với mức độ khác nhau, nhất là ở doanh nghiệp khai lỗ kéo dài, nhưng không ngừng mở rộng kinh doanh.

Đến thời điểm 30-11-2014, toàn quốc có 487.633 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 4,1% so với so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: doanh nghiệp nhà nước là 5.499 doanh nghiệp (chiếm 1,12%); Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 13.426 doanh nghiệp (chiếm 2,75%); Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 468.708 doanh nghiệp (chiếm 96,11%).

Kết quả thanh tra 575 doanh nghiệp FDI khai lỗ trong các năm từ 2005-2009 đã xử lý giảm lỗ hơn 4.000 tỷ đồng và truy thu thuế hơn 212 tỷ đồng. Năm 2011, thanh tra 921 doanh nghiệp, đã giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 2,5 lần so với năm 2010), truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng 4 lần). Năm 2013, kiểm tra 2110 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và giao dịch liên kết (tăng 66,4% so với năm 2012), thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt 988,1 tỷ đồng so với năm 2012, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng, giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2014, ước thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.866 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (bằng 179,80% so với cùng kỳ năm 2013), giảm lỗ 5.830,16 tỷ đồng (bằng 181,69% so với cùng kỳ), truy thu, truy hoàn và phạt 1.700,81 tỷ đồng (bằng 211,96% so với cùng kỳ); trong đó, riêng với 30 doanh nghiệp FDI đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng.

Trên thực tế, cần nhận diện kịp thời và xử lý nghiêm các hoạt động chuyển giá khi ẩn dưới những chiêu trò, thủ thuật điển hình, như: khai tăng chi phí khấu hao và giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu, lãi suất vay vốn và chi phí bảo lãnh vay vốn chi phí trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng hoặc nâng giá trị chuyển giao các tài sản vô hình như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư của doanh nghiệp; hoặc ngược lại, khai giấu doanh thu, chi phí và lãi thực, hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí với giá thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết, chịu lỗ hình thức kéo dài để trốn thuế.

Chuyển giá không chỉ trực tiếp gây thất thu ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm cạnh tranh lành mạnh và làm méo mó, sai lệch thông tin, tín hiệu thị trường, giảm sút sức hấp dẫn môi trường đầu tư, làm giảm hiệu quả chủ trương, chính sách quản lý nhà nước.

Chống chuyển giá là nhiệm vụ trực tiếp đầy thách thức của ngành thuế và các đơn vị chức năng hữu quan; đòi hỏi sự đồng bộ cả về nhận thức, quyết tâm và cách làm. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Quản lý thuế, trước hết là các quy định về quyền xác định giá, thương thảo giá trước; quyền ấn định thuế đối với các doanh nghiệp giao dịch liên kết có nghi ngờ chuyển giá, nổi bật là ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường hoặc khai lỗ vượt vốn chủ sở hữu; cập nhật thường xuyên các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế thị trường quốc tế và Việt Nam; kiện toàn và tăng cường năng lực nghiệp vụ, cơ sở vật chất, thông tin và trách nhiệm cần thiết của Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của Tổng Cục Thuế và nhóm chuyên trách chống chuyển giá ở các cấp địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, đối thoại, kiểm tra, thanh tra và giám sát thường xuyên, định kỳ với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá…

Coi nhẹ và buông lỏng kiểm soát các hoạt động chuyển giá đã, đang và sẽ tạo thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, thiệt hại cho nguời tiêu dùng và gây cạnh tranh bất bình đẳng, méo mó môi trường đầu tư...; phản ánh sự yếu kém cả về nhận thức, trách nhiệm, uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; trực tiếp và trước hết là thừa nhận sự bất lực trong ngành thuế các cấp.

Yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý thị trường đòi hỏi bảo đảm tính minh bạch và có thể dự báo được của giá cả tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình, tín hiệu thị truờng, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, hài hòa lợi ích, góp phần tích cực kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cho phép doanh nghiệp độc quyền tự định giá thị truờng khi chưa có cạnh tranh đầy đủ theo quy trình và điều kiện của quy luật kinh tế thị truờng là kẽ hở lớn nhất trong quản lý giá cả. Cả về quy luật và thực tiễn kinh tế đều khẳng định, chỉ có được giá thị trường khi có sự liên thông trực tiếp thị trường trong nước với nước ngoài, sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát thị trường lành mạnh. Việc thiếu sự minh bạch và thông tin giải trình về đăng ký tăng giá, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư mang tính hình thức sẽ chỉ làm tăng hiện tuợng giá cả bị bóp méo, thậm chí bị lạm dụng để hợp pháp hóa việc tăng giá độc quyền. Khi các tập đoàn và doanh nghiệp độc quyền có ý thức liên kết, lũng đoạn thị trường, mượn danh hiệp hội, mượn danh thị truờng, lạm dụng và trở thành công cụ tập hợp, vận động chính sách, gây sức ép với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng, bất chấp Luật Cạnh tranh, thì hệ lụy càng nặng nề.

Đồng thời, cần gắn việc điều chỉnh tăng giá với các biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát các chi phí hợp lý, giảm thiểu tình trạng “té nước theo mưa”, “mượn gió bẻ măng”, tăng giá thu lợi nhuận không chính đáng do thiếu hợp lý hóa các chi phí sản xuất - kinh doanh. Không thể chấp nhận tình trạng một ngành độc quyền cứ tự đề xuất và tự cho phép tăng giá với đủ thứ lý do..., trong khi bộ máy quản lý kềnh càng, năng suất lao động thấp, đồng vốn đầu tư kém hiệu quả và thu nhập của cán bộ công nhân viên, nhất là lãnh đạo, thì cứ cao ngất so với các ngành, lĩnh vực khác.

Về tổng thể, để quản lý giá mang tính thị trường và hiệu quả xã hội cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần tăng cường cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh, bình đẳng; sớm tách biệt và minh bạch hóa các nhiệm vụ chính trị với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có tính độc quyền, giảm thiểu sự lạm dụng, mập mờ, nhân danh nhiệm vụ chính trị mà hạch toán giành lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp và lợi ích nhóm, ngành, đẩy lỗ tối đa cho Nhà nước hoặc tranh thủ “móc túi” nguời tiêu dùng… Yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý thị trường đòi hỏi bảo đảm tính minh bạch và có thể dự báo được của giá cả tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình, tín hiệu thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, hài hòa lợi ích, góp phần tích cực kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giá thị trường là ngang bằng giá bán lẻ thế giới hoặc phải tính đủ các chi phí thiếu kiểm soát của doanh nghiệp.

Nhận diện những ngộ nhận và xử lý những hệ lụy nêu trên sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hành trình tiến tới thể chế giá thị trường lành mạnh, bảo đảm sự minh bạch và công bằng, hài hòa về lợi ích xã hội có kiểm soát của Nhà nước, sự tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới...

Minh bạch để cạnh tranh lành mạnh

Minh bạch là kết quả và cũng là điều kiện, công cụ củng cố tính dân chủ và pháp quyền, khắc phục tệ quan liêu tham nhũng, tạo dựng mối quan hệ lành mạnh, củng cố lòng tin, uy tín và tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như để thành công trong kinh doanh. Minh bạch trong kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động và nhận được sự tin cậy của đối tác, đồng thời người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp, từ đó góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Trong hội nhập quốc tế, doanh nghiệp nào khi chọn đối tác vào chuỗi cung ứng cũng rà soát đối tác, nếu minh bạch thì doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Môi trường kinh doanh minh bạch giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giúp họ yên tâm trong việc đặt kế hoạch kinh doanh. Thủ tục hành chính được công khai, minh bạch sẽ góp phần khắc phục tệ tham nhũng của công chức, nhân viên cơ quan chức năng, tạo thuận lợi cho dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là căn cứ để dân và doanh nghiệp giám sát hoạt động của công chức, khắc phục tệ nạn công chức sách nhiễu, vòi vĩnh dân và doanh nghiệp mỗi khi có việc đến cơ quan nhà nước.

Minh bạch là cần thiết và liên quan đến công khai hóa những quy định rõ ràng và toàn bộ hoạt động quản lý của Nhà nước, trừ những vấn đề liên quan đến bí mật quốc phòng, an ninh cần giữ; trước hết, cần minh bạch các quy hoạch sử dụng đất, việc cấp đất, sử dụng đất; huy động và sử dụng ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư công và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu chi phí và giá cả kinh doanh; tài sản của lãnh đạo và việc tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.

Quá trình thực hiện minh bạch trong kinh doanh không hề dễ dàng, gắn với sự chưa hoàn thiện luật pháp và lực cản từ lợi ích nhóm, cục bộ…

Trên thế giới, khi nêu ra vấn đề kiểm soát tham nhũng, người ta cũng đã nêu ra phương trình: Tham nhũng (corruption) = Độc quyền (monopoly) + Quyền tự quyết định (discretion) - Trách nhiệm giải trình (accountability) - Tính minh bạch (transparency) (theo Klitgaard, Robert E. 1988, “Controlling Corruption”).

Minh bạch sẽ tỷ lệ thuận với cơ chế ràng buộc mọi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch trong quản lý; có giám sát, phòng ngừa những trường hợp hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân. Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng, vì có thể gặp nhiều trở ngại. Nhưng nếu cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên, chắc chắn sẽ khắc phục được trở ngại, tìm ra được những hình thức thích hợp để thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực.

Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp càng thành công khi càng minh bạch các báo cáo, công văn, giấy tờ và các hoạt động của mình (đương nhiên, trừ bí mật kinh doanh), bởi minh bạch giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp và củng cố các quan hệ vững bền của doanh nghiệp với đối tác và cơ quan quản lý nhà nước. Tiền đề cho minh bạch của doanh nghiệp là tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu của chính phủ về thông tin, báo cáo; chủ động xây dựng hệ thống bảo đảm các vấn đề minh bạch, liêm chính của công ty được quản trị một cách bài bản, chặt chẽ, nhất quán từ trên xuống dưới, trong các khâu hoạt động.

Để thúc đẩy minh bạch, liêm chính cần có sự tham gia của Nhà nước và người dân. Chính phủ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy minh bạch. Doanh nghiệp cần minh bạch trong hoạt động, trong phát triển, trong tiếp cận khách hàng và trong cạnh tranh trên thị trường. Còn người dân giám sát, nâng cao nhu cầu minh bạch. Càng minh bạch người dân càng dễ hiểu và tăng đồng thuận trong xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc minh bạch đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong công tác quản lý nhà nước, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định mang tính đột phá trong việc công khai, minh bạch thông tin, cụ thể: Luật Doanh nghiệp 2014 khẳng định doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” (Điều 7). Đồng thời, Luật hóa các quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Công khai danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chuyển cách thức tiếp cận từ “chọn cho” sang nguyên tắc “chọn bỏ”, nghĩa là quy định cụ thể những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; tất cả ngành, nghề kinh doanh khác thì nhà đầu tư, doanh nghiệp được kinh doanh theo quy định. Và rút từ 49 xuống chỉ còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Luật Đầu tư 2014 còn quy định cụ thể về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Luật Đầu tư 2014 đã quy định rõ danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục kèm theo Luật; ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Đầu tư 2014 cũng quy định chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Việc đưa danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vào Luật Đầu tư 2014 sẽ hạn chế tình trạng các bộ, ngành tùy tiện ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung một số quy định về nghĩa vụ công khai thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và công ty cổ phần chưa đại chúng. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin định kỳ; công bố trên trang thông tin điện tử và ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ.

Việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp có ý nghĩa bảo đảm cho sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo sự an toàn cho các hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, những bước đột phá của Luật Doanh nghiệp 2014 trong việc công khai, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ để nền kinh tế nước ta có thể bứt phá trong giai đoạn tới đây.

Dù nhận thức được vai trò quan trọng của minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng có không ít doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu. ISO26000 là Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn tương đối toàn diện, nhấn mạnh phương pháp tiếp cận tổng hợp tới hoạt động của doanh nghiệp với 7 nguyên tắc, bao gồm: trách nhiệm giải trình, minh bạch, hành vi đạo đức, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, tôn trọng quy định của pháp luật, tôn trọng các tiêu chuẩn hành vi quốc tế, tôn trọng quyền con người. Trong đó, mỗi nguyên tắc đều có vai trò quan trọng tương đương nhau, tuy nhiên, có 1 nguyên tắc giữ vị trí nền tảng cho tất cả các nguyên tắc còn lại, đó chính là nguyên tắc “minh bạch”. Không có minh bạch, sẽ rất khó để tuân theo 6 nguyên tắc còn lại. Không minh bạch, làm sao có thể có trách nhiệm giải trình, làm sao tuân thủ theo pháp luật quốc gia và quy định quốc tế, làm sao các bên liên quan có thể được tôn trọng? Bởi vậy, doanh nghiệp cần minh bạch trong hoạt động, trong phát triển, trong tiếp cận khách hàng và trong cạnh tranh trên thị trường.

Thúc đẩy liêm chính và thực hành minh bạch là một thách thức lớn, cần có sự tham gia của các bên như Nhà nước (trong hoạch định chính sách), doanh nghiệp… Minh bạch là cả một quá trình, từ lúc thiết kế chính sách, văn bản pháp quy, lấy ý kiến tham vấn doanh nghiệp, người dân đến quá trình thực hiện và sự giám sát của người dân vào quá trình đó. Cam kết minh bạch phải từ cấp lãnh đạo. Và sau cam kết là đánh giá rủi ro giả thiết sẽ xảy ra khi vi phạm cam kết minh bạch và liêm chính. Mỗi doanh nghiệp cần thiết kế, xây dựng chương trình minh bạch của riêng doanh nghiệp mình; triển khai thực hiện; giám sát quá trình thực hiện và cuối cùng là báo cáo kết quả thực hiện. Sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng minh bạch, liêm chính và nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì tất yếu sẽ bị đào thải, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay./.