Kinh tế thế giới trong 24 giờ qua

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
23:46, ngày 09-03-2016

TCCSĐT - Giá dầu thế giới đang tăng dựa trên kỳ vọng vào cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu ở Moskva trong khi đó giá vàng thế giới giảm xuống dưới mức cao nhất trong 13 tháng còn chứng khoán toàn cầu nối tiếp nhau giảm điểm.

Giá dầu thế giới tăng nhờ các yếu tố tích cực từ Nga và Mỹ

Dẫn phân tích trên báo Gazeta.ru (Nga) số ra ngày 8-3 cho biết giá dầu thế giới đang tăng dựa trên kỳ vọng vào cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu ở Moskva và việc Mỹ giảm số lượng giàn khoan.

Giới phân tích nhận định giá dầu thế giới vượt ngưỡng 40 USD và tiến sát 41 USD/thùng vào ngày 7-3 vừa qua là do các nhà đầu tư hy vọng việc Nga và Saudi Arabia hồi tháng Hai vừa qua thống nhất đóng băng sản lượng khai thác “vàng đen” sẽ giúp cân bằng giữa nguồn cung và cầu (hiện cung đang vượt cầu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày), từ đó kích thích tăng giá mặt hàng này.

Ngoài ra, giá dầu tăng còn là bởi giới đầu tư cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới, gồm các quốc gia thành viên và không phải là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này.

Thông tin về việc Mỹ sẽ giảm số lượng giàn khoan cũng tác động tích cực tới giá dầu. Cụ thể, công ty Baker Hughes ngày 4-3 công bố số liệu cho thấy số lượng giàn khoan ở Mỹ trong 1 tuần vừa qua đã giảm 13 giàn, còn 489 giàn và là mức thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Trong khi đó, Gary Ross - người sáng lập Công ty tư vấn New York PIRA Energy Group cho biết các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đang bắt đầu đàm phán để đạt được ngưỡng giá dầu mới là 50 USD/thùng, với mong muốn tìm một điểm khởi đầu mới cho thị trường hàng hóa.

Tương tự, chuyên gia Ian Stewart của Ngân hàng Credit Suisse và Phó Chủ tịch Công ty tư vấn HIS Daniel Yergin hồi cuối tuần qua cũng đã đề cập đến mức giá 50 USD/thùngdầu và cho rằng có thể đạt mức giá này vào khoảng tháng Năm hoặc mùa Thu năm nay, bởi thị trường năng lượng đang có tiềm năng tăng trưởng, dù từng bị đánh giá thấp trước đó.

Việc Iran quyết định đóng băng sản lượng khai thác và nêu các điều kiện đặc biệt có lợi cho Tehran cũng tạo tác động không nhỏ đến giá dầu thế giới. Các chuyên gia cho rằng giá dầu thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của Iran. Hiện quốc gia Hồi giáo này đang dự định giành lại thị phần đã mất bằng cách tăng cả sản lượng khai thác và tăng xuất khẩu dầu lên mức 1 triệu thùng/ngày trong tương lai gần.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về tham vọng này bởi để khôi phục sản xuất thì Iran cần có một lượng lớn nguồn tiền đầu tư.

Giá vàng thế giới giảm xuống dưới mức cao nhất trong 13 tháng

Trong phiên giao dịch ngày 8-3, giá vàng thế giới giảm xuống dưới mức cao nhất trong 13 tháng được thiết lập hồi tuần trước do giới đầu tư đẩy mạnh bán ra chốt lời khi xu hướng tăng giá của kim loại quý này có vẻ “mất đà” trước thềm cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Cuối phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống còn 1.262,46 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên 8-3, giá kim loại quý này có lúc đã tăng lên mức 1.277,81 USD/ounce do được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và chứng khoán toàn cầu đi xuống sau khi Trung Quốc công bố các số liệu không mấy khả quan về hoạt động thương mại khiến giới đầu tư lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đối với nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.

Bart Melek, chuyên gia từ hãng cung cấp các dịch vụ chứng khoán TD Securities, nhận định thị trường có vẻ nghiêng về khả năng Fed sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ trong năm nay tại cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 15 và 16-3 tới.

Theo nhận định của nhà phân tích Daniel Ang đến từ Phillip Futures tại Singapore, giá vàng có thể chinh phục ngưỡng 1.300 USD/ounce nếu Fed quyết định giữ nguyên lãi suất.

Nhân tố Trung Quốc phủ màu đỏ lên các thị trường chứng khoán

Các thị trường chứng khoán toàn cầu nối tiếp nhau giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 8-3 sau khi ghi nhận hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục sa sút, làm dấy lên quan ngại về thể trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 16.964,1 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1,1% xuống 1.979,26 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 1,3% xuống 4.648,82 điểm.

Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu như tại thị trường London của Anh, thị trường Frankfurt của Đức và chứng khoán Paris của Pháp đều đóng cửa phiên này giảm 0,9%.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 2-2016 giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi đó, nhập khẩu cũng hạ gần 14%, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo.

Số liệu kinh tế yếu kém phát đi từ Trung Quốc, cùng với thông tin Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý IV/2015, đã khiến nhà đầu tư đổ xô bán tháo cổ phiếu để tìm đến những tài sản an toàn hơn.

Màu đỏ từ các sàn chứng khoán châu Á lan sang các thị trường Mỹ, châu Âu với giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp khai mỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Trung Quốc là nhà tiêu thụ nguyên liệu thô hàng đầu thế giới./.