Hội nghị An ninh Munich: cần sự đoàn kết toàn cầu
TCCSĐT - Diễn ra tại thành phố Munich (Đức) trong ba ngày (từ ngày 12 đến ngày 14-02-2016), Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 52 đã nhóm họp gần 30 nguyên thủ quốc gia, 70 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng các nước, các chính trị gia hàng đầu thế giới nhằm thảo luận về các cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như những thách thức trong tương lai đối với an ninh toàn cầu để đưa ra những ý tưởng giải quyết xung đột và củng cố trật tự thế giới.
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 52 kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu
Nhiều vấn đề “nóng”
Trong bản báo cáo tổng quan tình hình an ninh thế giới, giới lãnh đạo MSC ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm qua. Có thể kể đến thành tựu trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đó là việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ đã giúp giảm số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực trên thế giới xuống dưới mức 10%, bảo đảm an ninh con người. Và trên hết, đã có ít nhất hai thành tựu thông qua con đường đàm phán ngoại giao tạo bước đột phá sau nhiều thập niên, có tác động sâu rộng đối với an ninh thế giới: Một là, thành công mà nước Pháp đạt được tại cuộc đàm phán khí hậu ở Pa-ri, đem đến một “Thỏa thuận Pa-ri” lịch sử được cộng đồng quốc tế đánh giá là con đường công phá có thể ngăn chặn các hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Hai là, các thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran đạt được với Nhóm P5 + 1, góp phần giảm sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực ngoại giao nhằm có được kết quả khả quan trong một số vấn đề quốc tế, thế giới vẫn đang từng ngày phải đối mặt với nhiều điểm “nóng” chưa có lời giải. Một loạt các vấn đề như cuộc chiến tại Syria; cách thức phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn, tương lai của trật tự an ninh châu Âu; sự đe dọa an ninh thế giới từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự ổn định ở khu vực Nam Sahara châu Phi,… là những nội dung hàng đầu của các chương trình nghị sự được 600 đại biểu thảo luận tại các phiên họp.
Cuộc chiến ở Syria trong năm 2015 tiếp tục là chủ đề gây đau đầu đối với cộng đồng quốc tế. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, đã có khoảng 260.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột 5 năm nay ở Syria, buộc 4,6 triệu người dân nước này phải rời bỏ quê hương. Chưa kể, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tác động kinh tế của cuộc chiến Syria và tác động lan chuyền của nó đối với các nước láng giềng của nước này ước lên tới khoảng 35 tỷ USD và con số này đang tiếp tục tăng. Hệ quả từ cuộc chiến không dừng lại khi số người tị nạn cùng khủng hoảng nhân đạo tăng mức kỷ lục, thêm vào đó là sự gia tăng nguy cơ khủng bố từ lực lượng IS đang hoành hành tại quốc gia này. Chính vì vậy, mặc dù ngay trước khi Hội nghị MSC diễn ra một ngày, 17 quốc gia trong “Nhóm quốc tế ủng hộ Syria”, bao gồm cả Mỹ và Nga, đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn, tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria, nhưng vẫn còn sự nghi ngờ về việc phát huy tác dụng từ thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được này trong bối cảnh mỗi bên vẫn cố gắng bảo vệ quan điểm của mình.
Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây được nhắc đến với những vấn đề nội khối khó có thể giải quyết. Cho đến nay, châu Âu đã thất bại trong việc xây dựng một chính sách đối ngoại và an ninh chung đáng tin cậy như được quy định bởi Hiệp ước Lisbon, với thể chế ra quyết định hành động kiểm soát các cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, Brussels tiếp tục bị cản trở bởi nhiều vấn đề lớn, đó là: thỏa thuận về lệnh trừng phạt đối với Nga; giải quyết vấn đề Hy Lạp; các mối đe dọa từ nguy cơ Brexit khi Chính phủ Anh đưa ra quyết định rời khỏi EU; có hay không việc tái lập đường biên giới quốc gia;… Và một trong những nguyên nhân gây thêm sự chia rẽ sâu sắc tại EU là sự bất đồng trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay tại khu vực. Năm 2015, châu Âu cũng như thế giới chứng kiến dòng người di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), số lượng người tị nạn trên toàn cầu vượt mức 42,5 triệu người năm 2011, 51,2 triệu người năm 2013 và chỉ riêng châu Âu, con số này trong năm 2015 là hơn 1 triệu người. Đối với sự di cư chưa từng có này, cộng đồng quốc tế vấp phải nhu cầu viện trợ nhân đạo khổng lồ, trong đó có EU. Chương trình nghị sự của EU đã nhiều lần diễn ra, song chưa thể có chính sách thống nhất. Cuộc khủng hoảng người di cư sớm trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu. Việc không tìm được sự thống nhất trong nội bộ EU về phân bổ người di cư đã khiến EU trở nên ngày càng chia rẽ. Nhiều nước EU bắt đầu đóng cửa biên giới quốc gia, khiến khu vực Schengen rơi vào nguy cơ bị phá vỡ. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chống châu Âu đang trỗi dậy.
Khu vực châu Phi, cụ thể là tiểu vùng Nam Sahara trong năm qua được biết đến với sự hứa hẹn về sự tiến bộ và những thành quả. Một số nước tại “lục địa đen” đã cho thấy sự đáp ứng mục tiêu phát triển trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp. Tỷ lệ đói nghèo tuy vẫn còn cao, song đã cắt giảm được 40% so với năm 1990 tại tiểu vùng Sahara. Sự gia tăng hợp tác của các tổ chức châu Phi, như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi (AU) đã được thúc đẩy nhằm giải quyết các vấn đề của châu lục cũng như đạt được các thỏa thuận mang tính bước ngoặt, như thỏa thuận về chống sa mạc hóa. Tuy nhiên, khu vực này còn nhiều vấn nạn cần giải quyết: phát triển kết cấu hạ tầng kém, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán ma túy, nạn dịch bệnh lan rộng,… Và điều gây nhức nhối nhất đối với khu vực và thế giới đó là việc gìn giữ hòa bình nơi đây, nhất là khi khu vực Trung Đông và Bắc Phi luôn là “chảo lửa” với những cuộc nội chiến và khủng bố không có hồi kết.
Năm 2015, người dân trên thế giới đã phải trải qua nỗi lo sợ, ám ảnh về các cuộc khủng bố kinh hoàng xảy ra tại ở nhiều quốc gia trên thế giới do các lực lượng khủng bố, đứng đầu là tổ chức IS với mức độ tàn bạo không giới hạn gây ra. An ninh thế giới đã bị đặt trong tình trạng báo động. Và như Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo, thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới có sự hiện diện lâu dài của chủ nghĩa “khủng bố thái quá”, bởi vậy sẽ có thêm những vụ tấn công khủng bố, thậm chí là những vụ khủng bố quy mô lớn tại châu Âu. Chủ nghĩa “khủng bố thái quá” sẽ còn tồn tại, cộng đồng quốc tế cần phải ý thức đầy đủ và phản ứng lại mối đe dọa này một cách mạnh mẽ và rõ ràng.
Lần đầu tiên hội nghị có phiên thảo luận về mối nguy hiểm của dịch bệnh đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu. Kể từ khi “Cái chết đen” - một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra ở châu Á và châu Âu vào thế kỷ XIV, đã giết chết 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn gần 375 triệu người, các quốc gia đã phải thừa nhận mối đe dọa nghiêm trọng của dịch bệnh đối với tính mạng con người. Đại dịch cúm ở Tây Ban Nha vào những năm 1918 - 1920 giết chết ít nhất 50 triệu người; năm 1957, dịch cúm châu Á gây ra cái chết cho khoảng 2 triệu người; đại dịch cúm H1N1 năm 2009 đã lây nhiễm gần 30.000 người tại 74 quốc gia; dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi năm 2014 đã cướp đi hơn 4.000 sinh mạng… là những con số không nhỏ và mới đây nhất là dịch bệnh virus Zika đang khiến thế giới lo ngại. Ngoài những tổn thất về người, dịch bệnh tác động đáng kể đến nền kinh tế và gây ra rủi ro chính trị cho các chính phủ, đặc biệt là những nước không kiểm soát được dịch bệnh. Những rủi ro từ các đại dịch bệnh khó kiểm soát, sự thất bại trong điều trị bệnh do tình trạng kháng thuốc đáng báo động, khủng bố sinh học,… đang ngày càng gia tăng. Chưa kể đến, nhiều quốc gia hiện nay trong tình trạng thiếu các hệ thống y tế, thông tin cần thiết theo tiêu chuẩn quốc tế cho phép xác định và quản lý truyền nhiễm bệnh trong phạm vi biên giới quốc gia.
Cần hơn sự đoàn kết
Triển vọng chiến lược an ninh toàn cầu vào đầu năm 2016 được đánh giá là ảm đạm khi căng thẳng gia tăng giữa các nước lớn tại nhiều khu vực: cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga - phương Tây, Nga - Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế; ở khu vực Trung Đông, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia trở nên tồi tệ sau những mâu thuẫn về giáo phái;… Trong ngắn hạn, năm 2016, thế giới sẽ chứng kiến một giai đoạn của những rủi ro ngày càng tăng, trong đó có sự đối đầu quân sự, và kịch bản có thể cứu vãn là cần hơn nữa sự đoàn kết giữa các quốc gia cho một kỷ nguyên ổn định hơn.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng xuyên biên giới từ cuộc nội chiến Syria tới dòng người nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát tại châu Âu, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ngày càng tàn bạo hay dịch bệnh do virus Zika mới đây, có thể nói chưa bao giờ bài toán đoàn kết được nhắc tới nhiều như lúc này. Thách thức đối với các nhà lãnh đạo thế giới là làm thế nào để xây dựng hoặc xây dựng lại các thể chế cần thiết để bảo đảm ý tưởng về một xã hội toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế sẽ không bị bỏ rơi. Theo Chủ tịch Hội nghị MSC W. Ischinger, các cuộc xung đột và khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt là nghiêm trọng và nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh và không chỉ giới hạn trong biên giới của một nước. Do vậy, các nước cần thể hiện nhiều hơn nữa tình đoàn kết và tìm kiếm câu trả lời chung cho các cuộc khủng hoảng thay vì các giải pháp mới chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia. Hội nghị MSC lần này đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho thảo luận và đối thoại. Và Hội nghị càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh mới với những đòi hỏi và thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Những hoài nghi về hiệu quả lệnh ngừng bắn mới đạt được cộng thêm những bất đồng lâu nay giữa Mỹ và Nga về khái niệm “nhóm khủng bố” ở Syria cần hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt cuộc chiến ở quốc gia này. Sự bất đồng giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Syria cũng cần được gạt bỏ. Bởi, như Thủ tướng Nga D. Medvedev đề cập tại Hội nghị về những hệ quả đáng tiếc nếu như phương Tây từ chối hợp tác với Nga chống chủ nghĩa khủng bố. Điều này sẽ làm cho những kẻ khủng bố thuộc tổ chức IS ngày càng lớn mạnh. Các phần tử khủng bố và cực đoan sẽ thực hiện được âm mưu mở rộng ảnh hưởng không chỉ ở các nước Trung Đông - Bắc Phi, mà còn ở toàn khu vực Trung Á. Rõ ràng là, việc IS mở rộng được hoạt động như hiện nay là do các bên (Nga và phương Tây) chưa thể gạt bỏ được những bất đồng để cùng hợp tác đối phó với IS, thậm chí sự hỗ trợ lẫn nhau theo các cơ quan đặc biệt cũng bị thu hẹp. Do vậy, nếu không bình thường hóa tình hình Syria và các điểm nóng khác, chủ nghĩa khủng bố sẽ phát triển thành một loại hình chiến tranh mới, gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Nếu quốc gia Syria thống nhất sụp đổ, đó sẽ là thảm họa đối với toàn khu vực Trung Đông.
Trước đề cập tới mối đe dọa từ IS của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper khi khẳng định, nguy cơ lớn nhất từ IS là việc tổ chức này có thể sử dụng vũ khí hóa học để tấn công khủng bố ở các quốc gia phương Tây. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ (DIA) V. Stewart cho rằng, nhiều khả năng IS tìm cách thực hiện tiếp các vụ khủng bố ở châu Âu và Mỹ trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cũng đã tuyên bố có thể phát động một chiến dịch trên bộ nhằm truy quét các tay súng IS ở Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu nêu rõ, nếu có một chiến lược chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể tham gia một chiến dịch trên bộ. Ngoài ra, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Saudi Arabia sẽ triển khai máy bay chiến đấu tới căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để chống các phần tử IS. Trước đó, Saudi Arabia đã tuyên bố sẵn sàng triển khai bộ binh tham gia lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống IS.
Ngoài ra, ngoại trưởng của một số nước cũng lên tiếng ủng hộ sự hợp tác. Tại Hội nghị MSC, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Trung Quốc Fu Ying đã tuyên bố, do lợi ích chung ngày càng gia tăng trong các vấn đề thế giới, Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Vì mục tiêu này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị thiết lập mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Đề cập tới tình hình thế giới nói chung, quan chức Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh luôn ủng hộ an ninh chung và kêu gọi thiết lập tới một trật tự thế giới đa cực. Theo đó, thế giới cần phải thay đổi cũng như cần phải có một cơ cấu và trật tự thế giới đa cực, một mái nhà chung, để hài hòa các lợi ích ở mức tối đa có thể. Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cơ cấu và trật tự thế giới dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đối với việc ổn định hòa bình ở Trung Đông, Iran và Saudi Arab - hai quốc gia chủ chốt trong khu vực cũng có những lời hứa hẹn giải hòa. Iran muốn cải thiện quan hệ với Saudi Arabia khi Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nhấn mạnh, Iran và Saudi Arabia cần phải vượt qua tình trạng căng thẳng hiện nay và có các bước đi hợp tác nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và ổn định tình hình Trung Đông. Iran muốn chấm dứt những tranh cãi giữa hai nước và thay vào đó, hai bên “cần phải cùng nhau hợp tác”, nhất là khi “có những cơ hội, thách thức và mối đe dọa chung” (đặc biệt là lực lượng IS và Mặt trận Al-Nusra - một nhánh của mạng lưới khủng bố Al Qaeda), và đây là lúc hai bên cần khép lại quá khứ để xây dựng mô hình mới cho tương lai của quan hệ hai nước.
Kết thúc 3 ngày làm việc, những lo ngại về một viễn cảnh của nền hòa bình cũng như sự ổn định của thế giới vẫn chưa thể sáng sủa, cộng đồng quốc tế còn phải tiếp tục đối mặt với những bất ổn khó lường, cùng với đó là việc chưa đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề giữa các bên, Hội nghị MSC năm nay cũng đã gửi đến cộng đồng quốc tế một thông điệp về sự nỗ lực hơn nữa trong việc củng cố và xây dựng lòng tin, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và trên hết là sự đoàn kết, hợp tác./.
Bác Hồ về nước và sự thay đổi chiến lược đối với cách mạng Đông Dương  (16/02/2016)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cơ cấu đại biểu doanh nghiệp ứng cử vào Hội đồng nhân dân  (16/02/2016)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới  (16/02/2016)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới  (16/02/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 08-02 đến ngày 14-02-2016)  (16/02/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay