Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới
Tuy vậy, khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng chưa đề cập tới phát triển nền kinh tế thị trường. Về cơ cấu kinh tế, nổi bật nhất là quan điểm phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân, cá thể phát triển trong những ngành nghề, lĩnh vực nhất định, coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp lên cao, từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành...(1)
Về cơ chế quản lý kinh tế, Đảng chỉ rõ, việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy kế hoạch hóa làm trung tâm, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ; trong đó, tính kế hoạch là đặc trưng số một, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ là đặc trưng thứ hai; quản lý bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu, với động lực thúc đẩy là sự kết hợp hài hoà lợi ích của toàn xã hội, lợi ích của tập thể và lợi ích riêng của người lao động. Phải có chính sách mở rộng giao lưu hàng hoá, xóa bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ, chia cắt thị trường theo địa giới hành chính. Thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ; phân biệt rõ và kết hợp tốt chức năng quản lý hành chính - kinh tế của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở(2).
Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, Đảng mới nêu ra quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội, chưa đề cập đến cơ chế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể hiện sự nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự nhận thức và vận dụng quan điểm kinh tế của V. I. Lê-nin về thời kỳ quá độ, đồng thời đã đặt cơ sở, nền tảng quan trọng để các nhân tố mới ra đời, khẳng định mình, tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta.
Trên cơ sở kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tổng kết thực tiễn những tìm tòi, sáng tạo và có kết quả tốt của các cơ sở kinh tế, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989), Đảng đã khẳng định thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, coi đây là chính sách có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội; trong đó mọi người được tự do làm ăn theo pháp luật; các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, Nghị quyết đã đưa ra quan điểm mới, mang tính chất bước ngoặt về kinh tế quốc doanh, tạo cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực kinh tế này. Cụ thể, kinh tế quốc doanh phải được củng cố và phát triển, nắm vững vị trí then chốt trong nền kinh tế, có lực lượng đủ sức chi phối thị trường để thực hiện tốt vai trò chủ đạo, bảo đảm cho sự phát triển ổn định và có hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, song không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề(3); những ngành, nghề, loại hoạt động nào mà các loại hình kinh tế khác có thể làm tốt, có lợi cho nền kinh tế thì nên tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế ấy phát triển.
Đặc biệt, tại hội nghị này, lần đầu tiên Đảng khẳng định rằng, trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, thị trường xã hội là một thể thống nhất, thông suốt trong cả nước và gắn với thị trường thế giới với nhiều lực lượng khác nhau tham gia lưu thông hàng hoá, đồng thời đề cập đến cơ chế thị trường. Mặc dù chưa được đề cập trực tiếp với tư cách là cơ chế quản lý nền kinh tế, song Đảng cũng chỉ rõ, cơ chế thị trường phải được vận dụng nhất quán trong kế hoạch hóa và các chính sách kinh tế(4).
Đến Đại hội VII (6-1991), tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội VI, Đảng tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, đồng thời nêu rõ, cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác(5). Trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh; hợp tác, liên doanh tự nguyện, bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp; Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Bên cạnh đó, Đảng cũng chỉ rõ, phải xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường(6), xóa bỏ độc quyền và đặc quyền ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế(7). Như vậy, đây là lần đầu tiên Đảng đề cập đến cơ chế thị trường với tư cách là cơ chế vận hành nền kinh tế. Mặc dù chưa đề cập đến kinh tế thị trường và thị trường mới được thừa nhận ở một mức độ giới hạn (sử dụng thị trường trong phạm vi cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch), song, có thể nói, từ chỗ nhiều năm tẩy chay, kỳ thị thị trường đến chỗ sử dụng cơ chế thị trường để điều hành nền kinh tế là một bước tiến lớn trong nhận thức, trong tư duy kinh tế của Đảng ta.
Đến Đại hội VIII (6-1996), trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới (1986 - 1996), Đảng đã rút ra một số kết luận mới về mối quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và chủ nghĩa xã hội(8), giữa kế hoạch hóa và thị trường, giữa thị trường trong nước và quốc tế, giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, về phân phối(9) và lấy đó làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với mục tiêu xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tiếp tục tạo lập đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến Đại hội IX (4-2001), khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Và cũng từ đại hội này, Đảng xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội(10), đồng thời làm rõ một số khía cạnh liên quan đến nội hàm của mô hình kinh tế này:
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc.
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội.
- Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; đều được khuyến khích phát triển trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm.
- Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển.
- Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng ta cũng chỉ rõ, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành thông suốt cần tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các nhiệm vụ thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, triệt để xoá bỏ bao cấp trong kinh doanh; đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng giảm mạnh, tiến tới xoá bỏ sự phân biệt về chính sách và pháp luật giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực(11).
Như vậy, mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội về cơ bản vẫn kế thừa những nội dung trước đó, nhưng nội hàm đã được mở rộng hơn.
Có thể nói, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước phát triển mới về tư duy lý luận kinh tế của Đảng - từ nhận thức kinh tế thị trường như một công cụ, một cơ chế quản lý, sang nhận thức kinh tế thị trường như một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của sự phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đến Đại hội X (4-2006), trên cơ sở kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, nhìn lại 20 năm đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định mô hình kinh tế đã được lựa chọn đồng thời nhấn mạnh, để đi lên chủ nghĩa xã hội, phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh; thực hiện quản lý nhà nước bằng hệ thống pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu, định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế(12).
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá X (01-2008), Đảng đã đưa ra một số kết luận mới về kinh tế thị trường, khả năng sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời xác định mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa(13).
Các quan điểm nói trên về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được Đại hội XI (01-2011) của Đảng khẳng định và cụ thể hóa thêm trên một số phương diện gắn với việc giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đại hội khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”(14).
Bên cạnh đó, Đảng cũng chỉ rõ, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của kinh tế thị trường. Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo(15).
Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Cụ thể hơn, Dự thảo xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, cho đến nay, quan niệm về vai trò, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước đã được đổi mới một cách căn bản, từ quan niệm Nhà nước trực tiếp chỉ huy toàn bộ nền kinh tế theo một kế hoạch tập trung, thống nhất mang tính pháp lệnh từ trên xuống chuyển sang phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng quản lý kinh doanh (chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chủ sở hữu tài sản công thuộc về Nhà nước, còn chức năng quản lý kinh doanh thuộc về doanh nghiệp). Từ chỗ tuyệt đối hóa vai trò của kế hoạch, phủ nhận vai trò của thị trường đã đi đến thừa nhận thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch; kế hoạch chủ yếu mang tính định hướng và trên bình diện vĩ mô, còn thị trường giữ vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính chuyển sang quản lý bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết vĩ mô khác trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.
Đây là những bước tiến cơ bản trong nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
-----------------------------------------------
Chú thích:
(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam; Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986 - 1990 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 18 tháng 12 năm 1986), http://dangcongsan.vn.
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 06-NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương 6 khoá VI ngày 29 tháng 03 năm 1989 về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới, http://dangcongsan.vn.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, http://dangcongsan.vn.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, http://dangcongsan.vn.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, http://dangcongsan.vn.
(8) Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng (Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, http://dangcongsan.vn).
(9) Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động (Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, http://dangcongsan.vn).
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, http://dangcongsan.vn.
(11) Đảng Cộng sản VN: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, http://dangcongsan.vn.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, http://dangcongsan.vn.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, http://dangcongsan.vn.
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, http://dangcongsan.vn.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, http://dangcongsan.vn.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 08-02 đến ngày 14-02-2016)  (16/02/2016)
Triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương  (15/02/2016)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ  (15/02/2016)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ  (15/02/2016)
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng  (15/02/2016)
Công bố Quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự Ban Tuyên giáo Trung ương  (15/02/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay