Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Bình Dương
Tăng cường công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhằm phát huy vai trò hạt nhân chính trị của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp đang là vấn đề quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII của tỉnh Bình Dương chỉ rõ: "Tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, lấy chuyển biến từ cơ sở làm mục tiêu và thước đo kết quả tổng hợp công tác xây dựng đảng. Tập trung xây dựng các cơ sở đảng và đoàn thể chính trị ở khu vực ngoài quốc doanh...".
Trong những năm qua, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Dương có bước phát triển nhanh, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 6-2007, toàn tỉnh có 6.298 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó có 4.893 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 28 ngàn tỉ đồng và 1.405 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 7,2 tỉ USD.
Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng khẳng định vai trò tích cực trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Năm 2006, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm trên 95% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 70,9%.
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị, ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngày 3-3-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU, về xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Từ đó, tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt yêu cầu, nội dung và biện pháp thực hiện. Đến tháng 1-2005, Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh để tạo điều kiện thúc đẩy công tác này phát triển mạnh mẽ hơn.
Đến nay, Bình Dương đã thành lập được 25 tổ chức cơ sở đảng với hơn 300 đảng viên (trong đó có 22 tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, 1 tổ chức đảng trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, 2 tổ chức đảng trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Các chi bộ, đảng bộ trong từng loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuy mức độ hoạt động khác nhau, nhưng nhìn chung từng bước đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một số cấp ủy cơ sở đã xây dựng được quy chế làm việc và mối quan hệ với chủ doanh nghiệp, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong việc chấp hành pháp luật, hăng say lao động, làm cho chủ doanh nghiệp hiểu đúng, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế: một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp này, thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện nên tỷ lệ tổ chức đảng còn thấp so với số doanh nghiệp.
Những nơi đã có tổ chức đảng, một số còn lúng túng về tổ chức và phương thức hoạt động; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp, nội dung sinh hoạt đảng nghèo nàn, tự phê bình và phê bình còn yếu, việc phân công nhiệm vụ đảng viên gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nên còn né tránh việc tiếp xúc với cấp ủy, họ không muốn có chi bộ trong doanh nghiệp mình, không tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng hoạt động.
Một số đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp, do chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong doanh nghiệp, nên không muốn công khai mình là đảng viên, không chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp vì ngại chủ doanh nghiệp phân biệt đối xử, mất việc làm.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những mặt còn khó khăn, hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã đề ra Chương trình hành động về xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đến năm 2010.
Từ thực tiễn, càng khẳng định việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là vấn đề quan trọng, dù là việc làm mới và khó, nhưng phải được thực hiện nhất quán, lâu dài. Chỉ có như vậy mới tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức đảng trong việc tập hợp, lãnh đạo quần chúng, tạo sự đồng thuận thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường đầu tư. Từ nhận thức đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây để xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
1 - Làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, đảng viên và chủ doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Phấn đấu xây dựng, phát triển cơ sở đảng ở những nơi có điều kiện (như có đủ số lượng đảng viên và ổn định, có sự đồng thuận cao,...); đồng thời, chú trọng công tác phát triển đảng ở các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khảo sát tình hình đảng viên đang công tác trong các doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng ở nơi khác để có kế hoạch điều chuyển, tạo tiền đề cho việc hình thành tổ chức đảng.
2 - Củng cố, kiện toàn về tổ chức đối với tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Thống nhất mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp là: đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp giao cho Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh phụ trách; đối với các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, thì thuộc địa phương nào giao cho các huyện ủy, thị ủy nơi đó phụ trách, cả về thành lập và chỉ đạo hoạt động của cơ sở đảng. Chuyển tổ chức đảng ở Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh từ Đảng ủy Khối cơ quan Dân - Chính - Đảng về Đảng ủy Khối doanh nghiệp. Cấp ủy cấp trên cần quan tâm hướng dẫn tổ chức đảng trong doanh nghiệp không ngừng tự hoàn thiện mình thông qua việc kiện toàn tổ chức, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) theo quy định của Trung ương. Song song đó, cần quan tâm xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của các đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là Công đoàn và Đoàn Thanh niên, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của tổ chức đảng.
3 - Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp. Phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng trong việc lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên, thực hiện đúng đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống mọi mặt của người lao động. Bằng những hoạt động cụ thể, có hiệu quả của tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng và qua gương đảng viên làm việc giỏi, chấp hành tốt luật pháp Nhà nước, những quy định của doanh nghiệp, sẽ thuyết phục chủ doanh nghiệp nhận thức được rằng, hoạt động của tổ chức đảng chỉ có lợi cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy họ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng và các đoàn thể hoạt động hiệu quả hơn.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy, chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên và làm tốt công tác phát triển đảng. Mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện từng nơi, củng cố sự đoàn kết nhất trí, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.
Chú trọng công tác chính trị tư tưởng thường xuyên và trong mỗi kỳ sinh hoạt nhằm tuyên truyền, giáo dục đảng viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, cho rằng mình chỉ là người làm thuê mà không ý thức được vai trò, nhiệm vụ của người đảng viên.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là, xây dựng quy chế làm việc của tổ chức đảng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, xác định rõ mối quan hệ giữacấp ủy với ban giám đốc và các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên, các cấp ủy, các ban đảng và các đoàn thể cần xây dựng kế hoạch chi tiết, có bước đi phù hợp, phân công trách nhiệm cụ thể để triển khai thực hiện trong từng thời gian. Thành lập ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, tổ công tác của Đảng ủy Khối doanh nghiệp và của huyện ủy, thị ủy ở những nơi có nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh để giúp cấp ủy theo dõi chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Đảng Cộng sản Liên bang Nga trước thềm những sự kiện lớn ở nước Nga  (30/10/2007)
Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản  (30/10/2007)
Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản  (30/10/2007)
Củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Triều Tiên  (30/10/2007)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trung Quốc  (28/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay