Đảng Cộng sản Liên bang Nga trước thềm những sự kiện lớn ở nước Nga
Với tư cách là lực lượng kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động ở nước Nga thời “hậu” Xô-viết, bằng hoạt động thực tiễn của mình, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) chủ động, tích cực chuẩn bị cho các sự kiện chính trị lớn diễn ra vào cuối năm nay: Kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại và bầu cử Đu-ma Quốc gia Nga.
Từ Kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại
Những người cộng sản ở Liên bang Nga bắt đầu công tác chuẩn bị cho sự kiện này từ Hội nghị quốc tế đại biểu các Đảng Cộng sản, công nhân thế giới được tổ chức ở Li-xbon (Bồ Đào Nha) vào tháng 11-2006. Theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương KPRF, Hội nghị này đã chính thức thông qua Nghị quyết về “Tổ chức Kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại trên quy mô thế giới”; giao cho Hội đồng Trung ương Liên minh các Đảng Cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP-KPSS) và Ủy ban Trung ương KPRF tổ chức cuộc gặp mặt quốc tế đại biểu các Đảng Cộng sản, công nhân thế giới năm 2007 với chủ đề trọng tâm “Long trọng Kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại”[1] tại Min-xcơ và Mat-xcơ-va vào đầu tháng 11-2007.
Triển khai Nghị quyết của Hội nghị Li-xbon, ngay từ cuối năm 2006, SKP-KPSS và KPRF đã thành lập tiểu ban chuẩn bị Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười. Tháng 4-2007, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương KPRF đã ra Nghị quyết về “Kỷ niệm 90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại”[2] , trong đó nhấn mạnh:
Thứ nhất, giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười. Thắng lợi của cuộc cách mạng này đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc khác trên lãnh thổ Liên bang Xô-viết; nước Nga đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu, các dân tộc từng là thuộc địa của Sa Hoàng được quyền tự chủ, được đối xử bình đẳng, được tôn trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, nước Nga có được bản Hiến pháp thực sự dân chủ, của dân và vì dân. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vich đứng đầu là V.I. Lê-nin vĩ đại, một nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được thiết lập và không ngừng lớn mạnh.
Chính quyền Xô-viết loại bỏ mọi hạn chế, mọi phân biệt đối xử về tôn giáo, dân tộc trên toàn lãnh thổ Liên bang Xô-viết. Những chính sách, những biện pháp được chính quyền Xô-viết thông qua và triển khai thực hiện đã đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của Nhà nước Liên bang xã hội chủ nghĩa vào tháng 12-1922. Trong Nhà nước Liên bang Xô-viết, văn hóa của các dân tộc đều được tôn trọng, giữ gìn, đều được tạo điều kiện để phát triển. Nhân dân các dân tộc được tự do trao đổi, hưởng thụ thành tựu văn hóa của nhau, đặc biệt là được tự do tiếp xúc, hưởng thụ những thành tựu văn hóa vĩ đại, nổi tiếng thế giới của dân tộc Nga, điều mà trước Tháng Mười năm 1917 họ không thể có được.
Đối với cộng đồng thế giới, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đi vào lịch sử nhân loại như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước chuyển về chất của lịch sử toàn thế giới. Được sự cổ vũ, khích lệ bởi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, phong trào cách mạng thế giới chuyển sang thời kỳ cao trào phát triển mới. Giai cấp vô sản châu Âu không chỉ nhiệt thành ủng hộ các dân tộc ở nước Nga Xô-viết, theo gương giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp nhân dân lao động Nga, mà còn tiến hành đấu tranh nhằm thiết lập chính quyền của người lao động ở đất nước mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khích lệ nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân, đế quốc.
Theo nhận định của những người cộng sản Nga, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là bằng chứng đầy thuyết phục về tính chân lý, tính cách mạng, tính khoa học của học thuyết Mác- Lê-nin. Nó chứng minh rằng, học thuyết Mác- Lê-nin đã chiến thắng tất cả những trào lưu tư tưởng lý luận cơ hội, thỏa hiệp giai cấp. Thực tiễn xây dựng chế độ xã hội mới ở nước Nga Xô-viết đã vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của tư tưởng hữu khuynh, cũng như của tư tưởng tả khuynh cực đoan trong nội bộ phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Cách mạng Tháng Mười còn mang ý nghĩa đạo đức, nhân văn vô cùng to lớn. Thắng lợi của cách mạng đã đập tan luận điệu của hệ tư tưởng tư sản về “tính thiêng liêng, bất khả xâm phạm và sự vĩnh cửu” của chế độ tư hữu; đã bác bỏ triệt để mọi biện minh cho chiến tranh xâm lược; làm cho công lý, công bằng, chính nghĩa trở thành những nguyên tắc tối cao trong xây dựng, tổ chức xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đập tan luận thuyết tư sản rằng dường như người lao động không có khả năng quản lý đất nước, quản lý xã hội, tổ chức, điều hành sản xuất.
Thứ hai, những yếu tố bảo đảm cho thắng lợi của Cách mạng tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga là phù hợp với quy luật vận động khách quan của lịch sử nhân loại, với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội nước Nga đầu thế kỷ XX. Những nhân tố chủ quan bảo đảm cho cách mạng thắng lợi bao gồm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hành động quyết liệt, sự hy sinh quả cảm của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, binh sĩ Nga; sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vich được trang bị bởi lý luận cách mạng khoa học; thiên tài và sự nhạy cảm chính trị của V.I. Lê-nin; vai trò tuyên truyền to lớn của báo chí, các cơ quan ngôn luận khác của Đảng Bôn-sê-vich.
Sự khủng hoảng, đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu cuối thế kỷ XX không làm giảm ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười. Thành tựu cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Cu-ba, Lào; quyết định lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa ở một loạt quốc gia Mỹ La-tinh những năm gần đây là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười tiếp tục là sự lựa chọn, là mục tiêu phấn đấu của cộng đồng nhân loại trong thiên niên kỷ mới.
Nghị quyết nhấn mạnh, Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười cũng là dịp để các Đảng Cộng sản, công nhân khắp thế giới mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố những hoạt động chung trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội- bước tất yếu trên con đường đi tới mục tiêu chiến lược là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Thứ ba, nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các cơ quan lãnh đạo KPRF từ trung ương đến cơ sở, trong đó nổi lên những công việc sau:
- Huy động mọi phương tiện, nguồn lực hiện có để tổ chức tuyên truyền, cổ vũ cho lý tưởng, giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thắng lợi của nhân dân và Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh chống phát xít.
- Năm 2007 được xem là năm trọng điểm phát triển đội ngũ, củng cố tổ chức của KPRF. Đối tượng cần được tổ chức đảng các cấp đặc biệt quan tâm, thu hút vào hàng ngũ của mình là thanh niên, đại biểu của tầng lớp trí thức.
- Ủy ban Trung ương KPRF ấn hành và tặng Kỷ niệm chương “90 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại” cho tất cả đảng viên, quần chúng có cảm tình, thiết thực ủng hộ, giúp đỡ Đảng về mọi phương diện.
- Tổ chức đảng các cấp tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, thảo luận bàn tròn, câu lạc bộ để thu hút sự tham gia của đông đảo đảng viên, cấp ủy, quần chúng ngoài đảng, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, khoa học, các cựu chiến binh nhằm tìm ra những biện pháp đấu tranh hiệu quả để bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động ở nước Nga hiện nay.
- Ủy ban Trung ương KPRF phối hợp với Hội đồng Trung ương SKP-KPSS tổ chức cuộc gặp mặt quốc tế đại biểu các Đảng Cộng sản, công nhân thế giới vào đầu tháng 11-2007 tại Min-xcơ và Mát-xcơ-va.
Ngay sau khi công bố Nghị quyết trên đây, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương KPRF đã chính thức gửi thư mời tất cả các Đảng Cộng sản, công nhân khắp thế giới tham dự cuộc gặp mặt quốc tế này. Theo thông tin trên trang điện tử của KPRF, đến cuối tháng 9-2007 đã có hơn 60 đảng từ các nước khác nhau đã khẳng định sẽ cử đoàn đại biểu đến Min-xcơ và Mát-xcơ-va vào dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười.[3]
Đến quyết tâm giành thắng lợi trong bầu cử Đu-ma Quốc gia Nga
Ý thức rõ ý nghĩa quan trọng của bầu cử Đu-ma Quốc gia (12-2007) đối với số phận, tương lai không chỉ của Đảng, mà còn cả của đất nước; những bài học kinh nghiệm từ thất bại trong bầu cử Đu-ma Quốc gia khóa IV (12-2003), từ sự bất đồng trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng xung quanh việc đề cử ứng cử viên của KPRF ra bầu cử Tổng thống năm 2004, những năm gần đây KPRF đã tập trung củng cố đoàn kết nội bộ, tổ chức đảng ở mọi cấp, thanh lọc các phần tử cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, tích cực hành động cả trong và ngoài nghị trường nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động Nga với mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của KPRF trong đời sống chính trị đất nước, mở rộng sự ủng hộ, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân lao động Nga đối với Đảng.
Khác với tất cả những Đảng Cộng sản khác đang hiện hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga, KPRF xác định rõ rằng, trong bối cảnh thế giới và tương quan lực lượng thực tế ở Nga hiện nay cần tận dụng mọi hình thái, mọi phương thức đấu tranh, trong đó quan trọng nhất là đấu tranh nghị trường. Do vậy, KPRF luôn tích cực tham gia vào bầu cử chính quyền các cấp.
Nhận rõ khả năng thực tế của Đảng cũng như tương quan lực lượng trên chính trường Nga hiện nay, KPRF tập trung chủ yếu cho bầu cử Đuma Quốc gia, còn tham gia bầu cử Tổng thống chỉ là “kênh” để kiểm định mức độ ủng hộ của cử tri đối với Đảng chứ chưa thể đặt ra mục tiêu giành thắng lợi ở thời điểm hiện nay.
Có thể nói rằng, ngay từ sau bầu cử Đu-ma Quốc gia khóa IV, KPRF một mặt tập trung xốc lại lực lượng, củng cố đội ngũ, mặt khác, nhóm nghị sỹ của Đảng ở Quốc hội tích cực hoạt động, đề xuất hàng loạt sáng kiến lập pháp, đấu tranh nhằm hạn chế, ngăn chặn Quốc hội thông qua những đạo luật gây tổn hại đến lợi ích của người lao động Nga. KPRF là một trong những chính đảng đầu tiên ở Nga hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký và được Bộ Tư pháp Nga công nhận tư cách pháp nhân sau khi Luật mới về các chính đảng ở Nga được ban hành.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm công tác được Đại hội toàn quốc, Hội nghị Trung ương Đảng những năm gần đây nhấn mạnh là tăng cường, mở rộng sự hiện diện của Đảng trong cơ quan chính quyền nhà nước ở mọi cấp.
Những nhiệm vụ chuẩn bị cho bầu cử Đu-ma Quốc gia được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XII (giai đoạn I), diễn ra trong ngày 22-9 vừa qua.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về 12 vấn đề liên quan đến bầu cử Đuma Quốc gia, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết về Cương lĩnh tranh cử của KPRF; Nghị quyết về Danh sách ứng cử viên gồm 523 đại biểu do KPRF đề cử tham gia tranh cử Đu-ma Quốc gia khóa V; Nghị quyết về biểu tượng, con dấu, khẩu hiệu tranh cử Đu-ma Quốc gia khóa V của KPRF; Nghị quyết về vấn đề tài chính cho vận động tranh cử[4].
Theo đánh giá của KPRF, quá trình phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Nga những năm qua làm cho các mâu thuẫn trong xã hội ngày càng gay gắt, tiềm ẩn bùng nổ xã hội. Phân hóa giàu nghèo đã đạt tới đỉnh điểm. Đa phần người lao động Nga gặp khó khăn về kinh tế. Toàn bộ hệ thống phúc lợi xã hội, như ưu đãi người có công, cựu chiến binh, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ nuôi con, người tàn tật, giáo dục, chữa bệnh miễn phí... đã bị xóa bỏ. Tài nguyên thiên nhiên, của cải của đất nước bị rơi vào tay các thế lực đầu sỏ tài chính trong nước và tư bản nước ngoài. Nước Nga không chỉ bị suy giảm vị thế trên trường quốc tế, mà còn ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào tư bản nước ngoài. Bùng phát các vấn nạn xã hội. Kinh tế ngầm hoành hành. Quan chức nhà nước tham nhũng, câu kết với giới tài phiệt, các tổ chức tội phạm để trục lợi cá nhân. Văn hóa, khoa học, giáo dục bị thương mại hóa… Nước Nga hiện đang đối mặt với những thách thức vô cùng nghiêm trọng. KPRF cho rằng, nếu nước Nga tiếp tục con đường phát triển như vậy, thì sớm muộn sẽ lâm vào ngõ cụt.
Về phần mình, KPRF đề xuất một chiến lược phát triển khác cho nước Nga. Chiến lược đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
- Tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ tài nguyên thiên nhiên và những ngành, những lĩnh vực kinh tế, những cơ sở, xí nghiệp sản xuất chiến lược của đất nước.
- Xây dựng một nhà nước thực sự của nhân dân lao động, do nhân dân lao động và vì nhân dân lao động.
- Hoạch định và thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Từng bước tiến tới thiết lập chính quyền tự trị của nhân dân. Hình thành cơ sở pháp lý, chính trị, xã hội cần thiết để các thiết chế chính quyền nhân dân được phát triển một cách rộng rãi, áp dụng nguyên tắc tự tổ chức, tự quản, tự bảo vệ của nhân dân.
- Bảo đảm và không ngừng củng cố nền độc lập của đất nước, sự an toàn của công dân.
- Con người, phát triển toàn diện nhân cách là mục tiêu tối thượng của mọi chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục.
- Hiện thực hóa khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay các Xô-viết”.
[1] Thông cáo báo chí về cuộc gặp mặt Li-xbon (11-2006), http://www.solidnet.org
[2] Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ KPRF, http://www.cprf.ru/, ngày 2-4/-2007
[3]Thông tin về hoạt động quốc tế của KPRF, http://www.cprf.ru/, ngày 28/9/2007
[4]Thông cáo báo chí về Đại hội lần thứ XII (giai đoạn I) của KPRF, http://www.cprf.ru/, ngày 24-9-2007
Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản  (30/10/2007)
Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản  (30/10/2007)
Củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Triều Tiên  (30/10/2007)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trung Quốc  (28/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay