Trong bối cảnh châu Âu chưa tìm được một giải pháp bền vững cho vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế, cuộc khủng hoảng di cư cộng với những vụ tấn công khủng bố đẫm máu gần đây đã đẩy "lục địa già" tới tình trạng chia rẽ sâu sắc mới.
"Tương lai của châu Âu" đã trở thành chủ đề chính trong ngày thảo luận thứ ba của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên dãy Alpine của Thụy Sĩ.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đẩy nước này đối mặt với nguy cơ rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị che khuất bởi các vấn đề nội cộm như làn sóng người di cư; khủng bố đẫm máu tại Pháp...

Với hơn một triệu người di cư tới châu Âu trong năm 2015 và chỉ trong nửa đầu tháng Một năm nay, số người di cư đến châu Âu bằng đường biển cao gấp 10 lần so với cả tháng Một năm ngoái. Các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận nhằm ứng phó tốt nhất cho cuộc khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ Thế chiến lần thứ II.

Tại diễn đàn Davos, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ quốc tế David Miliband cho rằng 2015 là năm thử nghiệm lớn nhất cho năng lực quản lý khủng hoảng của châu Âu và năm 2016 sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, tỷ phú Mỹ George Soros cảnh báo EU “đang tan rã” thể hiện qua sự hoảng loạn trong chính sách tiếp nhận người di cư và số lượng người tị nạn đã vượt qua giới hạn mà các nước thành viên EU có thể tiếp nhận.

Cuộc khủng hoảng người di cư đã buộc nhiều nước siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn dòng người di cư, cho thấy Hiệp định Schengen (miễn thị thực giữa các nước thành viên EU) đang dần mất hiệu lực. Ngày 16-01, Áo đã tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen. Trước Áo, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt.

Ngoài vấn đề trên, các diễn giả tại WEF tập trung thảo luận xây dựng lại niềm tin trong thị trường tài chính của châu Âu cũng như cách thức để lục địa này có thể thu hút tài năng. Với 13 tỷ euro, Hội đồng nghiên cứu châu Âu cho phép các nhà nghiên cứu hàng đầu theo đuổi những ý tưởng tiên tiến của họ trong các lĩnh vực như điều trị ung thư, biến đổi khí hậu hay công nghệ nano.

Với sự tham dự của 2.500 nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn cầu, WEF kéo dài đến hết ngày 23-01, tập trung bàn thảo các vấn đề nội cộm mà thế giới đương đại phải đối mặt./.