Iran - Saudi Arabia: Đối đầu tiếp nối căng thẳng
TCCSĐT - Căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia bắt đầu bùng khởi vào những ngày đầu tiên của năm 2016 đã bước sang tuần thứ hai mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. Thậm chí, Saudi Arabia tuyên bố có thể hành động mạnh tay hơn nếu Iran không có động thái “hạ nhiệt”. Cuộc đối đầu này đã không chỉ tác động mạnh tới quan hệ của các nước trong khu vực mà còn kéo theo những hệ lụy cả về chính trị lẫn kinh tế.
Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia không có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ảnh: TTXVN
“Nguồn cơn” của mối bất hòa
Có thể nói, trong hơn 20 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran đã có nhiều thăng trầm, “khi nồng ấm, khi lại lạnh nhạt”. Năm 1987, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng đỉnh điểm khi 402 người hành hương, trong đó có 275 công dân Iran, thiệt mạng trong vụ đụng độ tại thánh địa Mecca. Sau vụ việc trên, những người biểu tình đổ xuống đường phố Tehran, chiếm cứ Đại sứ quán Saudi Arabia. Năm 1988, Quốc Vương Saudi Arabia Fahd tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Và đến năm 1997, sau khi đắc cử tổng thống Iran, ông Mohammad Khatami, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite đã tái lập quan hệ với Saudi Arabia, chấm dứt hai thập niên căng thẳng giữa hai nước kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Mối quan hệ Saudi Arabia và Iran tiếp tục được cải thiện sau khi hai nước ký Hiệp ước an ninh tháng 4-2001. Năm 2003, việc chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lật đổ đã tạo điều kiện để cộng đồng Hồi giáo dòng Shi’ite nắm giữ vai trò quan trọng hơn tại nước này và điều chỉnh lại mối quan hệ với Iran. Tuy nhiên, sau đó, chương trình hạt nhân của Iran khiến Saudi Arabia lo ngại Tehran đang hướng tới việc vươn lên trở thành cường quốc ở vùng Vịnh, đồng thời nâng tầm vị thế của người Shi’ite thiểu số. Tháng 1-2007, Saudi Arabia tuyên bố Tehran đang đặt khu vực vùng Vịnh vào vòng nguy hiểm, khi ám chỉ đến việc Iran xung đột với Mỹ về Iraq và chương trình hạt nhân của mình.
Trong làn sóng bạo lực Trung Đông - Bắc Phi năm 2011, Saudi Arabia cử quân đội tới hỗ trợ Bahrain trấn áp người biểu tình do lo ngại cộng đồng Hồi giáo đối lập dòng Shi’ite tại đây sẽ liên minh với Iran. Hai nước này cáo buộc Tehran xúi giục tình trạng bạo lực chống lại cảnh sát Bahrain.
Năm 2012, Saudi Arabia hậu thuẫn cho phiến quân chiến đấu chống lại đồng minh của Iran là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Riyadh cáo buộc chính quyền Assad “diệt chủng” và Iran là nước “chiếm đóng” Syria. Trong khi đó, Tehran cáo buộc Riyadh hỗ trợ “khủng bố”. Tháng 3-2015, Saudi Arabia triển khai chiến dịch quân sự tại Yemen để ngăn chặn lực lượng nổi dậy Houthi, liên minh với Iran. Riyadh cáo buộc Iran sử dụng lực lượng du kích để tiến hành một cuộc đảo chính.
Vào những ngày đầu tiên của năm 2016, quan hệ giữa hai quốc gia Trung Đông này một lần nữa lại “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran - quốc gia có đa số dân theo dòng Hồi giáo Shi’ite và Saudi Arabia - quốc gia có đa số dân theo dòng Hồi giáo Sunni xảy ra sau khi người biểu tình Iran xông vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran để phản đối Riyadh xử tử 47 người, trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình năm 2011 ở Saudi Arabia. Động thái này đã đẩy căng thẳng ở vùng Vịnh lên mức cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ XX, thời điểm Iraq nhận sự hỗ trợ của khối các nước Arab vùng Vịnh tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm với Iran.
Vậy là đã xảy ra cuộc đối đầu giữa hai nước đứng đầu Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Hai nước đã liên tiếp chỉ trích nhau về những hành động bị cho là “châm ngòi” vào “lò lửa” Trung Đông. Một loạt những hành động lôi kéo đồng minh diễn ra. Ngày 3-1, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Ngay sau đó, một loạt quốc gia đồng minh của Saudi Arabia cũng “quay lưng” với Iran như: Bahrain, Sudan, các Tiểu Vương quốc Arab, Kuwait, Qatar, Djibouti và Somali.
Bản thân giữa hai nước không chỉ cắt đứt quan hệ ngoại giao mà còn kéo theo đó là việc hạn chế quan hệ thương mại, kinh tế. Trong một phiên họp bất thường ngày 7-1, Nội các Iran dưới sự chủ trì của Tổng thống H. Rouhani đã thông qua một dự luật cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào có nguồn gốc xuất xứ từ Saudi Arabia. Trước đó, Riyadh cũng đã thông báo chấm dứt tất cả các chuyến bay tới Tehran cũng như các quan hệ thương mại với Iran.
Căng thẳng gia tăng hơn nữa khi Tehran lên tiếng cho rằng, Saudi Arabia là mối đe dọa đối với khu vực và an ninh toàn cầu khi nhấn mạnh hầu hết thành viên của mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda, phiến quân Taliban, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và “Mặt trận Nusra” đều là công dân Saudi Arabia. Thậm chí, việc hai nước cáo buộc nhau qua lại đã từng khiến Liên hợp quốc lo ngại về sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc đàm phán hòa bình về Syria.
“Cơn giận dữ” giáo phái
Căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và Iran - hai quốc gia đứng đầu hai nhánh Hồi giáo Sunni và Shi’ite tại Trung Đông dường như đang lan rộng, kéo theo nhiều quốc gia khác vào một cuộc đối đầu về tôn giáo.
Sự chia rẽ giữa hai dòng hồi giáo Shi’ite và Sunni bắt đầu từ năm 1962, khi nhà tiên tri Mohammed qua đời. Hai dòng hồi giáo đã có sự tranh cãi nảy lửa về người kế nhiệm nhà tiên tri. Theo đó là mối bất hòa kéo dài giữa hai dòng hồi giáo, châm ngòi cho nhiều cuộc xung đột trong lịch sử ở Trung Đông. Với vụ việc lần này, mâu thuẫn giáo phái đang đặt khu vực Trung Đông trước thách thức mới, khoét sâu thêm hố ngăn cách hiện chưa có dấu hiệu hóa giải.
Ngay sau khi Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr, Iran, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Shi’ite đã triệu Đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran đến để phản đối vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran J. Ansari đã cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ các phong trào khủng bố và phần tử cực đoan “takfiri”, trong khi đàn áp và xử tử những nhân vật đối lập chỉ trích ở trong nước, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải trả giá đắt cho những chính sách này. Trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã triệu đại sứ Iran tại Riyadh để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những tuyên bố của Iran về vụ việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Mansur al-Turki đã gọi phản ứng của Iran là “vô trách nhiệm”.
Về tôn giáo, đa số người dân Iran theo Hồi giáo dòng Shi’ite, trong khi đa số dân Saudi Arabia lại theo dòng Hồi giáo dòng Sunni. Chính sự khác nhau giữa hai chi phái lớn nhất trong Hồi giáo khiến Iran và Saudi Arabia luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực, như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen, nơi liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi dòng Shi’ite. Saudi Arabia đã ủng hộ các đồng minh người Sunni tiến hành những cuộc xung đột từ Yemen tới Lebanon để chống lại người Hồi giáo dòng Shi’ite do Iran hậu thuẫn.
Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết nhất trong yêu cầu đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Vương quốc này cũng tuyên bố sẽ tăng cường chuyển vũ khí cho các chiến binh nổi dậy chống lại ông Al-Assad, sau khi nhiều giáo sĩ Hồi giáo quyền lực trong nước đòi đáp trả hành động can thiệp quân sự của Nga. Saudi Arabia cũng lớn tiếng chỉ trích thỏa thuận gần đây của Iran với các cường quốc thế giới để kết thúc lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đổi lại việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, vụ việc này đe dọa một cuộc đối đầu căng thẳng trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite sẽ lan rộng và “bùng nổ” trong khu vực.
Hệ lụy khôn lường
Ngay tại phiên giao dịch ngày 4-1, một ngày sau khi Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, 6 thị trường chứng khoán các nước vùng Vịnh đều giảm điểm, trong đó có hai thị trường chứng khoán lớn nhất là Saudi Arabia và Qatar ghi nhận mức giảm nhiều hơn cả. Cụ thể, chỉ số Tadaul All-Shares trên thị trường Saudi Arabia giảm 2,36%, chốt phiên ở 6.788,13 điểm. Trong khi đó, Qatar Exchange mất tới 2,64%, xuống còn 10.041,70 điểm. Hai chỉ số Abu Dhabi và Kuwait lần lượt tụt 1,3% và 0,83%.
Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran còn được cho là nguyên nhân khiến giá dầu thế giới giảm mạnh. Cách đây 1 tuần, dầu mỏ thế giới đã chạm mức gần 39 USD/thùng. Đó cũng là thời điểm diễn ra cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran bùng phát trên diện rộng. Các nhà đầu tư luôn tin rằng, mỗi khi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông nổ ra, giá dầu sẽ liên tục tăng lên. Tuy nhiên, kịch bản đó đã không xảy ra ở cuộc khủng hoảng lần này.
Ngày 12-01-2016, giá dầu Brent giảm xuống là 33,8USD/ thùng. Tính trong cả tuần, giá dầu đã giảm 15%. Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran, hai đối thủ khu vực và cũng là hai thành viên lớn nhất của OPEC đang khiến các quốc gia vốn bị ảnh hưởng bởi tình trạng giá dầu giảm sâu lo ngại. Do trong vòng 1 năm qua, giá dầu tụt dốc thảm hại đã khiến các nước vùng Vịnh thiệt hại 360 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng giá dầu đã thực sự gây ra một áp lực nặng nề lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như các nước thành viên OPEC. Giá dầu ngày càng thấp buộc các chính phủ trong khu vực phải cắt giảm chi tiêu. Điều này khiến các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh tỏ ra lúng túng. Việc cắt giảm ngân sách này còn đi ngược lại chính sách chi tiêu hào phóng của Riyadh bấy lâu nay nhằm giảm căng thẳng xã hội từ chỗ thặng dư ngân sách hơn 10% GDP vào năm 2013. Các nền kinh tế Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã chuyển sang thâm hụt ngân sách sâu. Cuối năm 2015, Riyadh đã tiết lộ thâm hụt ngân sách kỷ lục trong năm 2015 là gần 367 tỷ riyal (tương đương 98 tỷ USD), chiếm khoảng 15% GDP. Trong khoảng 12 tháng tới, tăng trưởng của Saudi Arabia còn được dự báo yếu hơn ở một trong những lĩnh vực then chốt là xuất khẩu dầu mỏ. Saudi Arabia cùng các đồng minh vùng Vịnh như các Tiểu vương quốc Arab, Kuwait sẽ phải dựa vào tăng trưởng toàn cầu để cân bằng trong suốt năm 2016. Về phần mình, Iran cũng sẽ phải đối mặt với việc gia tăng sản lượng do giá dầu giảm. Ngân sách Iran trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 3-2016 sẽ được tính toán dựa trên mức giá dầu trung bình là 40USD/thùng so với 72USD/thùng năm 2015.
Ngoài ra, điều khiến các chuyên gia lo ngại là việc Saudi Arabia và Iran sẽ ngày càng bất hợp tác trong nội khối OPEC. Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran kéo dài sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng hiện tại ở OPEC, khiến khối này không thể đạt đồng thuận về chiến lược bình ổn giá dầu trong năm 2016, qua thỏa thuận giảm sản xuất ở các nước thành viên.
Trong cuộc họp gần nhất vào đầu tháng 12-2015, OPEC không đạt được thỏa thuận nào, bao gồm chỉ tiêu sản xuất của mỗi nước. Vì thế, tổ chức này vẫn giữ nguyên sản lượng bất chấp toàn cầu đang dư thừa nguồn cung. Trước đó, Iran từng kêu gọi các nước thành viên OPEC giảm sản lượng. Tuy nhiên, điều này ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Saudi Arabia và các đồng minh. Phần lớn các ý kiến đều nhận định, Saudi Arabia kiên quyết giữ chặt miếng bánh thị trường của mình, không có ý định giảm sản xuất để nhường chỗ bớt cho dầu từ Iran.
Như vậy, trong cuộc chiến này, dù lợi thế có nghiêng về đối thủ nào có nguồn lực dồi dào hơn, dự trữ ngoại tệ tốt hơn thì đây cũng sẽ là một cuộc chiến mà không bên nào giành được phần thắng, còn giá dầu thế giới là nạn nhân trực tiếp của cuộc đối đầu này được dự báo sẽ giảm sâu hơn. Nhiều nước, nhất là những nước có nguồn thu từ dầu mỏ, sẽ phải tính toán lại được dự báo ngân sách nếu tình hình này không được cải thiện.
Trước những hệ lụy về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế khu vực, các nhà phân tích cho rằng, các hành động làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia cần được kiềm chế tối đa, nhất là khi hàng loạt các điểm nóng như Syria và Yemen đang cần sự tham gia của cả Iran và Saudi Arabia trong vai trò trung gian hòa giải. Để kiềm chế, “giảm nhiệt” tình hình khu vực từ diễn biến trong vấn đề Iran và Saudi Arabia, ngày 12-01, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Iyad Ameen Madani cho biết, ngoại trưởng các quốc gia thành viên OIC sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 21-01. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Indonesia R. Marsudi bắt đầu chuyến công du đến cả Iran và Saudi Arabia trong một nỗ lực làm trung gian hòa giải hai quốc gia Hồi giáo này./.
Để báo chí luôn đồng hành và phát triển với ngành giao thông vận tải  (14/01/2016)
Chung tay hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn  (14/01/2016)
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14 của Tổng bí thư  (13/01/2016)
Hơn 300 cán bộ y tế túc trực 24/24 phục vụ Đại hội Đảng  (13/01/2016)
Ban Chấp hành Trung ương tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP  (13/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm