TCCSĐT - Chiều 13-01-2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Toạ đàm “Tăng cường hỗ trợ nạn nhân bon, mìn tại Việt Nam”. Tham dự buổi tọa đàm, có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, một số đại phương bị ô nhiễm bom mìn.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Kim Dung cho biết, trên thực tế hiện nay, nhiều tai nạn bom, mìn vẫn còn xảy ra, nhiều người bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh. Việc cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn còn nhiều bất cập, do những hạn chế về cơ sở vật chất, dịch vụ tại các địa phương. Trong khi đại đa số nạn nhân bom, mìn sống ở nông thôn, có điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ nghèo, hoặc cận nghèo, không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Với nguồn lực còn hạn chế, bài toán đặt ra là làm thế nào để có thể sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có, để trợ giúp hiệu quả, đúng đối tượng, tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp, cũng như cần tránh chồng chéo trong việc trợ giúp các đối tượng xã hội nói chung, đảm bảo công bằng xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức khẳng định, trong những năm qua, công tác hỗ trợ các nạn nhân bom, mìn hoà nhập cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức cho biết, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành như: Trợ cấp hằng tháng; tiếp nhận nạn nhân bom mìn là người khuyết tật đặc biệt nặng, không có khả năng chăm sóc ở cộng đồng, không có người nuôi dưỡng vào cơ sở bảo trợ xã hội. Nạn nhân bom mìn là đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thể bảo hiểm y tế; khi chết họ được hỗ trợ mai táng phí; những người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm, ổn định cuộc sống; những người đang học văn hoá, học nghề được miễn phí… Tính đến nay, cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, tạo điều kiện cho gần 269.000 em (chiếm 24,22%), trong khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học được đến trường.

Chia sẻ về những kết quả triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ nạn nhân bom, mìn tái hoà nhập cộng đồng”, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hoá Vũ Văn Khánh cho biết, trung tâm đã triển khai mô hình này tại 6 huyện, trong 3 năm (2013 -2015), cho 58 đối tượng. Về cơ bản, các nạn nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng đã tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng ngày càng tốt hơn. Đến nay đa số đều có sự tiến triển tốt, các chức năng vận động, giác quan được cải thiện. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp với một số doanh nghiệp tư nhân để dạy nghề và tạo việc làm cho 12 nạn nhân bom mìn tham gia vào các các nghề như đan bèo tây, bẹ chuối, học nghề nuôi ong mật. Những người này đã phát huy khá tốt nghề mà mình được học , kiếm thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, ổn định hơn kinh tế gia đình. Hỗ trợ sinh kế cho 16 nạn nhân trong nghề chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi gà, lợn; chăn nuôi trâu, bò... mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho các đối tượng, đồng thời các sản phẩm chăn nuôi đều đã mang lại lợi tức cho các gia đình.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các chương trình và dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Các hoạt động hỗ trợ của mô hình quy mô nhỏ lẻ, nên nhiều đối tượng nạn nhân bom mìn chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đồng thời chưa thấy được hiệu quả cao trong các hoạt động của mô hình. Bên cạnh đó, số liệu đối tượng nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn tại các địa bàn chưa sát thực, vì chưa có cuộc tổng điều tra rà soát, do vậy cần sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia về bom mìn, để xây dựng kế hoạch chương trình hỗ trợ nạn nhân toàn diện đúng đối tượng. Đa số nạn nhân bom mìn vẫn chưa có mô hình tiếp cận mang tính toàn diện. Trong hầu hết các lĩnh vực, hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn còn hạn chế; thiếu kỹ năng đánh giá về các nhu cầu của nhóm đối tượng nạn nhân bom mìn; thiếu các kỹ năng, phương pháp phục hồi chức năng thích hợp; thiếu sự hợp tác liên ngành; thiếu quy trình chuẩn về phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn. Hơn nữa, các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn vẫn trong tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện.

Vì thế mục tiêu đặt ra trong việc định hướng trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016-2020, các đại biểu đề nghị cần hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn; tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống; phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn. Cứu chữa kịp thời, hiệu quả các vụ tai nạn do bom mìn. Thiết lập đường dây tư vấn cho các nạn nhân bom mìn tại 10 trung tâm công tác xã hội; đầu tư mở rộng quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho các nạn nhân bom mìn tại miền Trung và miền Bắc; hỗ trợ dạy nghề cho các nạn nhân theo nhu cầu của thị trường lao động, tìm kiếm việc làm phù hợp tại nơi cư trú. Phát triển mạng lưới các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng; nâng cao năng lực của các trạm y tế xã trong việc trợ giúp nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng... Nâng cao năng lực hệ thống trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng; Hỗ trợ nạn nhân bom mìn về sinh kế, vay vốn, tín dụng, đào tạo nghề và tím việc làm; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn./.